Ngày xưa, làng dù cận kề, mà vẫn có những khác biệt - về khung cảnh, về nếp sống. Thị thành hàng tỉnh cũng vậy, dù về hành chính được sắp xếp như nhau.
Kinh đô, rồi Thủ đô, lại càng khác biệt. Qua tiếp biến lịch sử, vị thế và văn hóa, những khác biệt tinh lọc và cô kết, làm cho nó trở nên đặc sắc.
Thủ đô Hà Nội hẳn là một đô thị đặc sắc.
Đặc sắc không bởi sự kỳ vĩ, sự lộng lẫy, sự xa hoa. Không bởi những kiến trúc, tự mình, trở thành biểu tượng, thành chân dung thành phố.
Hà Nội đặc sắc hơn cả về sự nền nã, sự nhuần nhị của cảnh quan và kiến trúc hòa quyện, bởi sự gần gũi, bởi những cái duyên mà, hễ bén, không thể không bị quyến rũ. Ngẫm bao quát hơn nữa, Hà Nội, chí ít cũ, tạo cảm giác tương xứng và cân bằng giữa con người-chủ nhân và đô thị-con người với tầm kích và cảm thức sinh học. Hà Nội, với phần lõi cũ, đặc sắc hơn cả về tính nhân văn. Một chốn thị thành trong tầm với.
Người Hà Nội kiến tạo nên đô thị này. Rồi, chính nó, vô hình, góp phần khuôn đúc nên hình mẫu người Hà Nội.
... Một ngày nhàn rỗi, thả bộ trên phố Hàng Trống, sát kề Hồ Gươm. Giữa phố, một cây đa đại lão ngự giữa sân công sở nọ. Đi thêm vài chục bước, một cây khác mọc kề nhà số 71, như một kỳ tích, tồn sinh trên một lô đất bề ngang rộng hơn 3m, bề sâu khoảng 5m, bao vây bởi 3 đầu hồi. Một tấm kính lớn ngăn nó với hè phố. Trên đời này ta chỉ quen với những khóm rêu mọc trên bể cá. Đi thêm mươi bước là cổng và tường rào ngôi đình Nam Hương. Đình mà nhỏ như cái miếu. Nó liền kề và quay lưng vào đền thờ vua Lê. Cả đình lẫn đền tưởng như co nén lại để tọa lạc “vừa vặn” trên mảnh đất chật hẹp mà có phần thiêng bên bờ Hồ Gươm. Từ Hàng Trống, con đường thẳng và ngắn hướng đến Nhà thờ Lớn. Quảng trường trước nhà thờ rộng chừng nửa ha đất, suốt ngày tràn ngập người. Nhà thờ Lớn, không hẳn lớn và cao, ngự trị trong sự quây quần của kiến trúc mặt phố còn vẹn toàn, gây sự liên tưởng với những đô thị Âu châu thời Trung cổ.
Thế đấy, ở Hà Nội cũ, mọi không gian đều nhỏ hẹp, đều lèn chặt. Mọi kiến trúc đều nho nhỏ, vừa vừa. Chúng đứng liền kề, ghép nép vào nhau. Không cạnh tranh về bề cao, về kiểu cách. Dung dị.
Chưa thấy một thủ đô nào mà lấy cái hồ rộng 5 ha rưỡi làm hạt nhân, làm trung tâm đô thị. Hồ Hoàn Kiếm không chỉ nối kết tài tình khu phố cũ của ta với khu phố tân thời cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Nó là một thành tố kiến trúc phong cảnh giữa không gian đô thị lèn nén chặt cứng bởi phố phường và sự chuyển động của đời sống đô thị không kém phần lèn nén. Cùng với đó, vành đai cây xanh và diện mạo đường phố có kiến trúc đa dạng, song không tương phản, bao quanh hồ, làm cho khung cảnh trung tâm hạt nhân của Thủ đô càng thêm gắn kết một cách hữu cơ. Nổi trội hơn cả chính là bức tranh dung dị của sự cộng sinh giữa thiên nhiên nhân văn hóa và đô thị mang hình dáng phố phường thân quen.
Phố cổ, chẳng nên e ngại mà gọi là phố cũ, mang trong mình hình hài hồn cốt của chuỗi tiến triển văn minh cộng cư Việt: làng-phố-phố thị. Nó hợp thành tự phát trừ sự tụ hợp lại của những dãy phố, gắn kết chặt bởi ngõ và ngách. Những con phố có gốc gác trực tiếp từ làng nọ làng kia, tụ tập về đây cùng làm hàng, cùng buôn bán, chung nơi thờ tự, chung tình bà con xóm giềng, nể nang nhau trong chung sống và làm ăn. Dần dà kết thành lối sống, rồi cao hơn, văn hóa phố phường. Nhà hẹp, nhà thấp, phố hợp, phố ngắn. Đi dọc các phố, chân không mỏi. Nhìn đâu đâu, cũng thấy người quen, nhà quen.
Đô thị trong tầm với.
Người Tây sang, mở phố, xây nhà theo kiểu họ và kỹ thuật khác biệt. Song, lạ thay, phố xá quy hoạch quy củ, ấy vậy mà như nối kết với khu bản địa, tạo nên một chốn đô thị gắn bó, hầu như tự nhiên. Người Tây không mở những đại lộ thênh thang, không xây cất những tòa nhà - quần thể kiến trúc bề thế, mặt nhà không kéo dài quá trăm mét, không cao quá 3-4 tầng. Lấy cây cối nối kết không gian, tạo chân dung đặc sắc cho từng con phố. Người ta và người Tây nhìn ngó sang nhau, vô tình mà tạo nên khuôn mặt kiến trúc hòa quyện mềm, một nét đặc sắc của Hà Nội, còn phảng phất đến tận bây giờ.
Cái lõi Hà Nội cũ ấy, chuyển tiếp êm thấm sang các làng quê chung quanh, tạo tác nên một chốn đô thị hòa đồng. Một chốn đô thị trong tầm với. Đô thị sở hữu đủ vốn liếng để nối dòng chảy vào đô thị thời nay.
* * *
Thành phố Hà Nội hôm nay hiển nhiên là đô thị vượt tầm với. Hiểu “tầm với” theo nghĩa hẹp là việc lấy tầm kích con người làm thước đo, với cách hiểu rộng là vượt tầm với về nhận thức, quy mô và mọi thách thức.
Tất thảy những tích lũy vật chất đô thị qua vài thế kỷ chỉ là phần rất nhỏ của khối tài sản đô thị được tạo dựng nên trong vài thập kỷ thời nay.
Ấy vậy, càng nhanh, càng lớn và càng hiện đại, thì thành phố-Thủ đô lại càng bị đặt trước những thách thức về độ kiện toàn bản thân trong phát triển, về giữ gìn và bổ sung hơn tính chất và lợi thế đặc sắc của mình. Trong cuộc cạnh tranh đô thị, cạnh tranh giữa các thủ đô, giá trị đặc sắc ắt phải là một trong những đòi hỏi hàng đầu.
Việc mở rộng lãnh thổ đô thị mang tính đột biến, việc nhân lên gấp bội quỹ tài sản hạ tầng và quỹ xây dựng không tỷ lệ thuận với việc củng cố và vun đắp bản sắc đô thị, lại càng không tỷ lệ thuận với việc xây dựng văn hóa thành thị. Cả hai đòi hỏi thời gian.
Bài toán vĩ mô đặt ra: Làm thế nào để Thủ đô vừa phát triển, hiện đại hóa và hội nhập hóa, mà vẫn duy trì và tiếp tục đậm đà hóa bản sắc của mình?
Bảo tồn khư khư ư? Bất khả thi. Tài nguyên di sản đô thị, gồm phần cứng và phần mềm, không đứng lặng tại chỗ. Nó chuyển động theo thời gian, theo đời.
Khả thi hơn cả: khơi dòng cho phát triển tiếp nối, nghĩa là sự thống nhất hóa đại đô thị trong một thể; các thành phần cấu thành đô thị của các thời kỳ lịch sử khác nhau cùng tồn tại, mà không mâu thuẫn và triệt khử nhau. Cách hiểu như vậy chính là sự bảo đảm cho Hà Nội duy trì, củng cố và tạo tác nên những giá trị đặc sắc mới.
Để phát triển tiếp nối, ta nên xác định: Tổng ứng xử với lõi đô thị hiện hữu; hoạch định đường hướng mở mang đô thị trong tầm nhìn ngắn và dài. Cùng với đó là việc tạo nên sự chuyển hóa mềm, gắn kết hai phần: đô thị hiện hữu và đô thị mở rộng.
Để bảo lưu và củng cố giá trị đặc sắc của Thủ đô, cần sớm nhận ra và hoạch định vùng lõi của thành phố, với tư cách là nơi ta nhìn ngó vào khi vung tay mở rộng nó. Đó có thể là quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, một phần các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên. Ưu tiên hơn cả là hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình - lõi của vùng lõi.
Tại vùng lõi, với các mức độ khác nhau cần thực thi bảo tồn, bảo trì, cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa. Những phần nội dung nêu trên, cuối cùng, cũng nhằm “cải lão hoàn đồng” cho quỹ kiến trúc đô thị đa phần cũ kỹ và thiếu sức sống này, để nó bắt nhịp với Hà Nội tân tiến đang mở tung ra.
Những đường phố trong vùng lõi thành phố có duyên đặc biệt. Có vẻ như nhan sắc của chúng ganh đua được với những tòa nhà đẹp nhất nơi đây. Nên quan tâm đến việc chỉnh trang và kiện toàn kiến trúc và diện mạo đường phố, đặc biệt lưu ý phục hồi những rặng cây cùng chủng loại trên những con phố, có được chân dung bởi chúng.
Chúng ta bàn tính đã lâu về việc ứng xử thế nào với con sông kỳ vĩ chảy qua (chảy qua mà có vị trí lu mờ) thành phố. Nên chọn cách ứng xử duy nhất phù hợp. Con sông là yếu tố-điểm nhấn cảnh quan thiên nhiên sinh thái hóa: giải tỏa hoặc tươm tất hóa những xóm-phố ngụ tạm mà thành ngụ bền; thực hiện đại tổng vệ sinh hai triền sông theo nghĩa đen và nghĩa sinh thái hóa; biến bãi giữa và hai bờ thành những công viên cây cỏ mà không chất tải hạ tầng. Để cho sông chảy qua mà không đai kè. Dân thành phố nhờ vậy mà có chỗ thư giãn. Thành phố đỡ lèn nén.
Trong vùng lõi có thể tính tới việc xây dựng xen kẽ, phá bỏ những khu cũ nát và xấu xí; tăng thêm những vườn hoa và cứu vãn những ao hồ đang có nguy cơ thoi thóp. Ở vùng lõi của lõi, quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, hạn chế tối đa xây cất những tòa nhà cao chọc trời, chọc thủng bức tranh đô thị mở theo bề ngang.
Nên tạo ra sự chuyển tiếp mềm giữa Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng, bằng những không gian trung tính, nhờ đó mà giảm bớt sự đối kháng trong cơ thể đô thị. Khó đấy, nhưng hãy chọn những khu đất ít lợi thế về thiên nhiên để làm chúng đẹp đẽ lên bởi xây dựng, bảo lưu những mảnh đất đẹp sẵn cho đô thị xanh và cho con cháu. Thành phố rộng về lãnh thổ dễ dẫn tới xây dựng tràn lan. Tiết kiệm đất cho mai sau. Chợt nghĩ, hễ dỡ bỏ hàng trăm cái nhà lắp ghép cũ, đem đổ, sẽ tạo nên những quả đồi vô sinh.
Hà Nội ta chưa thiếu đất như Hồng Kông (Trung Quốc). Việc xây dựng lèn chặt, vắt chanh đất, đang tạo nên những khu đô thị - nhũ thạch, nhà sát kề, vươn cao tới mây, giống nhau như chạy qua máy dập, vừa tạo nên hiệu suất cao về sử dụng đất, vừa tạo tiện nghi sống hệt cỗ máy. Ấy vậy, sống trong những mê cung có tổ chức ấy, con người sinh học, con người của những cảm thức, dễ sa vào cô đơn. Cùng sẵn những phương tiện kết nối hiện đại, lạ thay, càng đông lên những bản thể trầm cảm... Bước vào thang máy, nhìn hàng xóm, phân vân, chào hay mỉm cười?
Mơ tới những khu đô thị hiện đại mà vẫn níu kéo chút ít nào đó dáng và hồn ngõ xóm xưa. Những đô thị trong tầm với.
Người Việt mình vốn vồn vã. Thành phố, hiện đại và thông minh, vẫn nên giữ lấy cho được cái sự vồn vã ấy.
Thủ đô ta, giàu có lên, tân tiến lên, thế giới hơn, vẫn cần chăm chút hơn cho sự đặc sắc của mình.