Hai năm trở lại đây, Phạm Thiên Ân nhận Camera D’Or tại Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Cannes 2023 với Bên trong vỏ kén vàng, Best First Film tại LHPQT Berlin 2024 được trao cho Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân. Mưa trên cánh bướm của Dương Diệu Linh được vinh danh tại Tuần lễ Phê bình phim của LHPQT Venice 2024 bằng giải thưởng cao nhất IWONDERFULL Grand Prize. Ngoài ba gương mặt kể trên, còn có Trần Thanh Huy, Vũ Minh Nghĩa, Phạm Hoàng Minh Thy, Hà Lệ Diễm, Nguyễn Trung Nghĩa, Lê Bình Giang, Lê Bảo, Đàm Quang Trung… với hàng loạt phim ngắn, phim dài đã gặt hái giải thưởng từ nhiều ngày hội điện ảnh uy tín. “Phải chăng điện ảnh Việt đã xuất hiện một làn sóng mới. Và nếu có, chúng ta cần làm gì để nâng đỡ và đẩy mạnh làn sóng này” là điều khiến NSX này luôn trăn trở.
Phác thảo chân dung “làn sóng mới”
Là người lặng lẽ đồng hành cùng phần lớn những cái tên nổi trội kể trên ngay từ những bước dò dẫm tìm đường, chân dung của thế hệ được coi là “làn sóng mới” của điện ảnh Việt Nam mà chị vừa đề cập có thể phác thảo đôi nét ra sao?
Dưới góc nhìn của tôi, ngoài những tố chất sáng tạo, năng động và văn minh, những bạn trẻ này sở hữu sự kiên nhẫn đáng nể cùng thái độ làm việc bền bỉ, nhẫn nại như những chú kiến vậy. Tôi nghĩ, sự bền chí ấy xuất phát từ thực tế họ đều là những nhà làm phim độc lập, chỉ có một con đường duy nhất để đi, một đích đến duy nhất để hướng về. Luôn nhìn thẳng, không một lần ngoảnh lại phía sau, gặp đá tảng chắn lối thì tìm cách vượt qua để đi tiếp chứ không cho phép mình dừng lại. Bởi thế, tôi nghĩ họ là những nghệ sĩ rất “chì” (cười).
“Chì” nhất, có lẽ nằm ở chỗ các bạn vẫn đam mê theo đuổi giấc mơ điện ảnh, “cho dù phim Việt làm nên chuyện tại các LHPQT lớn đều do các đạo diễn trẻ thực hiện, nhưng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước” - như đạo diễn Phan Đăng Di từng buồn bã chia sẻ?
May mắn có cơ hội tham dự nhiều hoạt động điện ảnh quốc tế, tôi thấy vui khi đồng nghiệp nước ngoài bày tỏ sự ngưỡng mộ với những thành tựu mà chúng ta đã và đang gặt hái. LHPQT Busan (Hàn Quốc) vừa rồi, hay Festival Du Nouveau Cinema (RPCE) mà Gặp Gỡ Mùa Thu trực tiếp giới thiệu chùm phim ngắn tuyển chọn của Trần Thị Hà Trang, Đào Thu Uyên, Nguyễn Phạm Thành Đạt (ba tác giả trưởng thành từ cái nôi Dự án phim ngắn CJ), đều tập trung phân tích hiện tượng Việt Nam. Theo đánh giá của họ, phim Việt chứa đựng tiếng nói riêng độc đáo cùng chiều sâu lịch sử, đậm tính triết lý nhưng vẫn ẩn giấu chất thơ, chất siêu thực khác biệt. Ngoài ra, người làm phim Việt có giọng điệu và cách kể chuyện thú vị, để lại dư vị sâu đậm sau khi xem phim.
Chúng ta đang sở hữu một thị trường phát triển nhanh và mạnh, một đội ngũ những nhà làm phim tuổi trẻ tài cao hừng hực tinh thần đi ra biển lớn. Bằng các dự án đầy tâm huyết của mình, những người trẻ đã gợi được sự tò mò và phấn khích cho bạn bè quốc tế khi tạo được dấu ấn tại những ngày hội điện ảnh uy tín một cách đều đặn. Làn sóng có dào dạt xô bờ liên tục, sóng sau đè sóng trước không ngừng nghỉ mới tạo nên được vị thế và tiếng vang cho phim ảnh nước nhà.
Có thể khẳng định, “làn sóng mới” kể trên sẽ là thế hệ tương lai của điện ảnh Việt trong 5-10 năm tới. Phải công nhận họ nhanh nhạy, thông minh và tài năng nhưng ngành nghệ thuật thứ bảy vẫn cần kinh phí lớn, cần rất nhiều sức người, cần nhiều nguồn lực hỗ trợ. Đây là thời điểm quá đẹp, quá lý tưởng để những chăm chút cần thiết ấy được bắt đầu. Để sau tác phẩm đầu tay, họ sẽ tiếp tục có cơ hội nối dài bảng thành tích, khi hành trình đi tiếp ngày một khó khăn, quá trình cạnh tranh ngày một khốc liệt.
NSX Trần Thị Bích Ngọc. Ảnh trong bài | NVCC |
Đất có tốt thì cây mới khỏe
Tôi cho rằng thành công ở ngay tác phẩm đầu tiên sẽ là bệ phóng giúp họ đi xa trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Vậy điều gì đã khiến một NSX giàu kinh nghiệm nhìn thấy hành trình khó khăn trước mắt đang chờ đợi các bạn trẻ vậy, thưa chị?
Để trả lời câu hỏi này, phải quay về diễn giải nguyên tắc vận hành của các quỹ hỗ trợ điện ảnh trong khu vực và trên thế giới, nơi các bạn trẻ của chúng ta đang nhẫn nại gom góp từng đồng kinh phí giúp dự án thành hình.
Thứ nhất, họ chỉ dành sự ưu tiên cho phim đầu tay và phim thứ hai. Với số 1-2 còn có sự nâng niu, khuyến khích nhưng tới số 3 là cạnh tranh sòng phẳng với cả thế giới. Các tác phẩm làm rạng danh cho điện ảnh nước nhà mà chị vừa liệt kê đều là tác phẩm đầu tiên nên hành trình “xin tiền” còn khá bằng phẳng, dù không hề dễ dàng. Nhưng với Tro tàn rực rỡ - phim thứ 3 của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì mức độ cạnh tranh rất dữ dội.
Thứ hai, nếu các quỹ dành cho thế hệ đi trước (như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Kim Quy…) những khoản đầu tư rộng rãi hơn thì số tiền hiện tại mà lớp hậu sinh nhận được khiêm tốn hơn rất nhiều. Để một tác phẩm độc lập có thể chính thức bấm máy, nếu trước đây chỉ cần huy động nguồn tiền từ 2-3 quỹ thì giờ phải thuyết phục 7-8 hội đồng. Bởi thế, Cu li không bao giờ khóc quy tụ tới 7 quốc gia hợp tác, phim mang 6 “quốc tịch” giờ cũng là chuyện bình thường.
Thứ ba là thời đại internet khiến thông tin phủ sóng toàn cầu giúp ai cũng có thể tiếp cận. Cánh cửa nào vừa mở là hồ sơ gửi tới ào ào, cơ hội dàn đều cho quá nhiều người, lượng ý tưởng tiềm năng tăng lên thì số tiền hỗ trợ cho từng dự án sẽ bị san ra, giảm xuống.
Ở mặt tích cực, các quỹ thường hỗ trợ nguồn kinh phí không phải hoàn lại nhưng nhìn theo chiều ngược lại thì rất mất thời gian và công sức. Để có được cái gật đầu của chừng ấy “nhà đầu tư”, ê kíp phải mất trung bình 5-7 năm, với lộ trình trước-sau phải tính toán, hoạch định rất kỳ công. Nếu chỉ trông chờ vào các quỹ, thời điểm để các bạn ra mắt những phim sau là rất khó đoán định.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng buồn bã tâm sự, rằng “câu hỏi thường xuyên nhận được khi trình bày dự án khiến tôi đặc biệt xấu hổ là: tại sao trong kế hoạch tài chính của bạn không hề có một đồng vốn đầu tư nào từ trong nước”. Chẳng nhẽ các Mạnh Thường Quân yêu phim nghệ thuật của chúng ta hiếm đến thế ư?
Hiếm lắm và nếu có thì cũng chỉ quyết định đầu tư vì niềm tin đặt vào cá nhân NSX hoặc đạo diễn, vào từng dự án cụ thể mà thôi. Bởi thế, muốn cùng nhau đi xa và kết thành làn sóng mạnh mẽ thì vẫn phải trông chờ vào bàn tay hoạch định chiến lược mang tầm nhìn quốc gia. Tôi cứ nghĩ, giá mà có sự chung tay của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (mà sự cần thiết đã từng được đưa vào Luật Điện ảnh từ năm 2006) thì tốt biết bao.
Có vẻ như Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nếu ra đời sẽ trở thành “một khu đất tốt” (như tên một bộ phim của Phạm Ngọc Lân), nơi “những hạt mầm chắc khỏe” mong chờ được ươm trồng, tạo điều kiện tối đa để phát triển, và dâng hiến cho đời những mùa quả ngọt?
Thông tin Thái Lan vừa thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh, với định hướng thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo như các quốc gia Đông Nam Á đi trước (Philippines, Singapore, Indonesia) khiến giới làm phim trong nước thêm phần sốt ruột. Bao giờ cái quỹ với mục đích “hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ” ấy mới thành hình?
Lý do chưa thể thành lập có thể vì người ta thường mặc định, quỹ phải rất nhiều tiền, phải hỗ trợ dự án bằng những thứ rất to tát, vĩ mô. Nhưng nhìn niềm vui trong ánh mắt của một bạn trẻ Thái Lan được Cục Điện ảnh hỗ trợ tấm vé máy bay sang dự LHPQT Locarno, hay nhận khoản tiền khiêm tốn 10 nghìn USD mà LHPQT Busan hỗ trợ cho một dự án, tôi nghĩ sự hỗ trợ từ chính đất nước mình - dù nhỏ bé cũng mang lại giá trị tinh thần rất lớn. Thiết nghĩ Quỹ điện ảnh của ta có thể khởi đầu bằng những hỗ trợ khiêm tốn và cụ thể như vậy.
Là con gái nhà quay phim- NSƯT Trần Trung Nhàn, NSX Trần Thị Bích Ngọc theo học chuyên ngành đạo diễn tại Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội nhưng lại chọn theo đuổi công việc sản xuất phim.
Từng là trợ lý đạo diễn, trợ lý sản xuất cho nhiều bộ phim nổi tiếng như Người Mỹ trầm lặng, Miền đất hứa, Mùa hè chiều thẳng đứng... Trần Thị Bích Ngọc trở thành NSX phim độc lập uy tín hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, trong cả dòng phim thương mại (Scandal - Bí mật thảm đỏ, Quả tim máu, Người bất tử, Mỹ nhân kế...) lẫn dòng phim art house (Cha và con và..., Thưa mẹ con đi, Tro tàn rực rỡ, Người vợ ba, Mưa trên cánh bướm...) và gặt hái nhiều giải thưởng uy tín ở cả trong, ngoài nước. Ngoài vai trò đồng sáng lập workshop thường niên Gặp Gỡ Mùa Thu, chị cũng đồng hành cùng Dự án phim ngắn CJ từ mùa thứ 3, trong vai trò thành viên Hội đồng thẩm định.