Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ, các nghệ sĩ nhóm Phồn gặp nhau ở Phòng trưng bày Phạm Hà Hải art studio tại không gian tuyệt đẹp ở Tây Hồ - nhìn ra mênh mông sông Hồng lồng lộng gió - trong tiếng thầm thì của các tác phẩm gốm nghệ thuật vừa mới ra lò. Đã là lần thứ ba nhóm Phồn kết nối trong trại sáng tác mở ra ở xưởng gốm của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ ngay bên làng cổ Bát Tràng, để lên đồng với đất, men, nước và lửa…
Mai Đại Lưu tụ hội cùng Phồn cũng là thêm cơ hội để chơi, thấu hiểu bằng xúc giác mùi hương không thể lẫn lộn của đất. Từ lâu, gốm đã vượt ra khỏi một sản phẩm thủ công truyền thống, trở thành công cụ cho các nghệ sĩ thỏa sức tung tẩy, thực thi các ý tưởng cá nhân, như cách Mai Đại Lưu mường tượng: “Đất là một chất liệu kỳ lạ và lôi cuốn trong sáng tác nghệ thuật, rất khó nắm bắt và hiểu được đất.
![]() |
Không gian triển lãm Tôi là Mai Đại Lưu |
Đến với gốm như một sự tự nhiên và đất trở thành chất liệu trong sáng tác nghệ thuật nhiều năm qua. Từ những trải nghiệm đầu tiên khi chạm vào những khối đất ướt thô ráp nhưng lại rất mềm mại, chạm vào đất mọi giác quan trên tay cảm nhận được khí - đất - nước - lửa - con người”. Thành quả sau chuỗi ngày nhẫn nại xoay xoay vuốt vuốt ở Bát Tràng là loạt tác phẩm mang chủ đề Mộng xuân không chỉ khơi gợi âm vọng quá khứ mà còn giúp Mai Đại Lưu được thử nghiệm: “Ở những sáng tác hoàn toàn dứt khỏi không gian phẳng, mầu sắc hay đậm nhạt... của hội họa thuần túy và bước một không gian hình khối của điêu khắc. Chỉ có một mầu: mầu trắng vàng của đất. Những men mầu nhờ nhờ không rõ giới tính nhưng khi qua lửa lại đem đến sự hiện hữu bất ngờ”.
Suy tư của Mai Đại Lưu xuyên suốt qua các cuộc triển lãm, chỉ hình thức biểu đạt khác đi còn đích đến chung quy vẫn hướng về: “Con người, sự cân bằng năng lượng âm - dương trong cá thể xuyên suốt. Khi con người đạt được sự cân bằng trong âm có dương và trong dương có âm cũng như sự cân bằng về khí giúp con người đạt đến cảnh giới nhẹ nhàng nước chảy mây trôi. Những tác phẩm gốm trong lần này là sự đi đến nội hàm ẩn chứa bên trong của con người thông qua tạo hình cấu trúc sung túc”.
![]() |
Mai Đại Lưu bên tác phẩm của mình |
Mai Đại Lưu vốn dĩ thế, dù làm gì, vẽ hay điêu khắc hay gốm; dù đề tài nào chuyển tải thông điệp gì, thì ẩn sâu trong bảng mầu tươi sáng và lối tạo hình như trẻ con đùa giỡn là nguyên vẹn niềm lạc quan rờ rỡ. Hầu như đứa bé con nào cũng biết vẽ và vẽ đẹp bằng chính nét tự nhiên “bà mụ” ban tặng. Thế rồi ngày tháng dần qua, những đứa trẻ lớn lên, học hành nhiều hơn, cái bản năng trời cho dần nhường chỗ cho những kỹ năng kiến thức bài bản và kết cục sự ngây ngô mầu sắc, cái trực giác nghệ thuật bị lãng quên, vùi lấp và mất tích. Mai Đại Lưu là một hy hữu khi vẫn giữ được bền lâu cái bản năng trẻ thơ ấy.
Ngay khi đã trưởng thành, tỉnh táo hơn, khôn hơn… thì sự biến chuyển của Mai Đại Lưu, hiện diện ở chính các triển lãm cá nhân, từ Tôi là Mai Đại Lưu năm 2020 đến Trong rừng sâu hai năm sau đó - năm 2022 và mới vừa năm 2024 - Vườn mộng ảo - vẫn ma mị ánh nhìn trẻ thơ, điều mà không phải người lớn nào - dù tài năng đến đâu - cũng bảo lưu được. Mai Đại Lưu bay bổng trong thế giới mộng tưởng, kể cả lập ngôn đao to búa lớn, hướng tới những thông điệp cao siêu sâu sắc, thì phương tiện chuyên chở những chủ đề ấy cũng chấp chới hư thực. Dường như khi đối diện giá vẽ, trong trái tim Mai Đại Lưu luôn có một cậu bé con nhảy múa hát ca, thế nên dẫu cái đầu có “lạnh”, thì trái tim vẫn hừng hực “nóng”, vẫn ngút ngàn năng lượng tự nhiên mà không hề có chỗ cho sự toan tính. Thường vẽ tranh khổ to, có khi phải bắc giàn giáo căng sức ra mới tràn lấp được niềm lạc quan hừng hực trên mặt toan vải khổng lồ mà chẳng bận tâm chuyện bỏ ra cả đống tiền mua họa phẩm, sơn, mầu, bút vẽ; không cân nhắc đến đầu ra, đến việc cần bán tác phẩm để tái tạo sức lao động…
![]() |
Một tác phẩm Gốm của Mai Đại Lưu |
Lâu lâu bước trên mặt đất, ngộ ra bằng cách vẽ loạt tranh khổ nhỏ để thanh khoản dễ dàng hơn, một kiểu lấy ngắn nuôi dài, xong đủ tiền trang trải toan vải lại bắc thang... vẽ. Nghệ thuật là đích đến, quá trình thực hành nghệ thuật là con đường đi tới cái đích ấy, với Mai Đại Lưu và những nghệ sĩ như anh, chính từng bước chân trên con đường dằng dặc dài mới đem lại cảm hứng, tạo nên những khoái cảm chẳng cái giá nào có thể cân được chứ chưa hẳn là điểm đến. Bởi vậy, tiếp cận tác phẩm của Mai Đại Lưu, người xem cũng dễ vỡ òa cảm xúc khi được chạm tới một thứ nghệ thuật chân thành, hừng hực những tiếng reo vui dù tác giả có suy tư giằng xé tới đâu.
Sinh năm 1983 tại Nam Định, bên một làng ven đô cách thành phố đúng con sông Đào hiền dịu, Mai Đại Lưu từng rời quê vào phương nam lập nghiệp bằng những công việc lao động thời vụ. Nhưng giấc mơ nghệ thuật đeo đẳng, đứa bé vẽ ám ảnh tâm trí không buông, cho đến một sự tình cờ đẩy đưa, cũng là sắp đặt cố ý của số phận, Mai Đại Lưu ngược ra bắc, thi vào Mỹ thuật Yết Kiêu, học một lèo từ đại học lên cao học. Ở tuổi bạn bè cùng thời cùng lứa có khi đã thành tên tuổi, Mai Đại Lưu vẫn cặm cụi học hành, cặm cụi tích lũy những trải nghiệm và nhất quán với con đường mình đã chọn.
Ở Mai Đại Lưu có sự tự tin trong trẻo, có cả sự ngạo nghễ khiêm nhường, có sự khoáng đạt bản năng dẫn dắt và cả sự lương thiện cố hữu. Vậy nên nghệ thuật của họa sĩ 8X này, sống động nhất ở những bức sơn dầu khổ lớn. Biểu hiện dẫu rừng rực, ào ạt trên mặt toan vải những sắc mầu mạnh mẽ, những tạo hình đôi lúc kỳ quái, thì ẩn sâu dưới từng lớp sơn dầu, tận cùng ở Trong rừng sâu, hay lẩn khuất giữa Vườn mộng ảo vẫn luôn là một Mai Đại Lưu ấm áp, hồn hậu; một nghệ sĩ luôn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực.
![]() |
Một tác phẩm của Mai Đại Lưu |
Không biết Mai Đại Lưu giữ được sự trẻ thơ đến lúc nào, hay thực ra đến thời điểm nào đó, đứa bé con sẽ (có thể) rời bỏ Mai Đại Lưu, hoặc anh lại chủ động làm khác mình đi, tìm một đường hướng mới, nhưng dẫu có biến chuyển thế nào, lựa chọn không toan tính thực dụng trong nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ cũng đã đem đến những thăng hoa cho từng bước chân trên con đường làm nghề của chính họ. Và từ đó, công chúng cũng được hưởng lợi, được thụ hưởng những xúc cảm không thể quy đổi mà nghệ thuật đem lại.