Tìm “tiếng vọng” từ Việt Nam của 30 năm trước

“Mỗi khi nhân vật của tôi cầm lên bức ảnh chụp chính mình từ 30 năm trước, nhiều xúc cảm sẽ nối nhau vụt đến trên gương mặt họ: bất ngờ, suy tư, xúc động, rồi bừng nở hạnh phúc trong một nụ cười” - nhiếp ảnh gia Andy Soloman kể - “Ở khoảnh khắc kỳ diệu ấy, tôi thấy mọi cách biệt giữa hiện tại và quá khứ - cũng như giữa tôi và họ, đều lui lại phía sau…”.
0:00 / 0:00
0:00
Những người đàn ông ngồi quán nước tại Hà Nội 30 năm trước - Andy Soloman.
Những người đàn ông ngồi quán nước tại Hà Nội 30 năm trước - Andy Soloman.

1

Cái tên Andy Soloman hẳn không xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những người yêu nhiếp ảnh Thủ đô. Tháng 10/2024, triển lãm ảnh Hà Nội - một thời để nhớ do ông và tác giả Lê Bích được tổ chức. Ở đó, phần trưng bày của Andy gồm 52 bức ảnh đen trắng, chụp cảnh vật và con người Hà Nội giai đoạn 1992-1994.

Nhưng, câu chuyện của ông không dừng ở một triển lãm!

Năm 1992, Andy tới Hà Nội vào tuổi 30, với tư cách một nhà báo nước ngoài. Đó là thời điểm Việt Nam vẫn đang bị bao vây, cấm vận. Dù vậy, như lời kể, sự niềm nở và hiếu khách cũng như nụ cười thường trực trước một “ông Tây” của những người dân nơi đây giúp ông nhận ra, giữa những tháng năm vất vả, người Việt Nam vẫn tự tin, vẫn khao khát được bước ra chia sẻ với thế giới bên ngoài.

Từ kế hoạch ban đầu của một chuyến lưu trú dự kiến vài tuần, hành trình của Andy được kéo dài ra nhiều tháng, với những chuyến đi và chụp ảnh trải khắp đất nước này. Rồi thêm 7 năm nữa, khi ông trở thành một chàng rể Việt Nam.

Thời gian trôi đi suốt vài chục năm sau đó, cho tới một sự tình cờ thú vị. Bốn năm trước, Andy nổi hứng scan và đưa vài bức ảnh chụp hội pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh) năm 1994 lên mạng để chia sẻ với những người bạn Việt Nam. “Đó là lần cuối cùng lễ hội này được phép đốt những quả pháo khổng lồ sau đám rước” - Andy kể. “Ảnh được cất trong ngăn kéo gần 30 năm nên tôi phải chỉnh sửa nhiều chi tiết đã bị hỏng”.

Hóa ra, không chỉ bạn bè, rất nhiều người xem tại Việt Nam hào hứng trước những tác phẩm này. Andy nhận được hàng trăm tin nhắn và lời cảm ơn, nhất là từ những người dân Đồng Kỵ.

Một phụ nữ chia sẻ nghẹn ngào: Sau nhiều năm không lưu giữ được hình ảnh nào của ông nội, chị nhìn thấy người ông đã mất của mình giữa đám rước. Rồi một thanh niên khác, lúc đó mới 15 tuổi cũng rưng rưng kể rằng, anh được thấy lại cả ông nội lẫn bố mình.

Mọi thứ giống như một dòng thác cảm xúc, đưa Andy quay về với một Việt Nam đầu thập niên 1990, thời điểm không nhiều người lưu giữ được những kỷ niệm hay những khoảnh khắc bằng hình ảnh. Và ông hiểu thêm về hạnh phúc của nhân vật, nếu “gặp lại” chính mình hoặc người thân, qua những bức ảnh cũ.

Cuối năm 2022, Andy cùng vợ bay sang Việt Nam và bắt đầu tìm lại những nhân vật cũ. Ông đặt cho dự án của mình cái tên Echoes: Vietnam Retraced (Những tiếng vọng: Tìm lại Việt Nam trong hồi tưởng). Từ TP Hồ Chí Minh, họ thuê xe máy, chạy ngược lên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Năm 2024 vừa rồi là một chuyến đi khác: Từ London, hai vợ chồng quay lại Việt Nam và tiếp tục tìm về Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội.

Tìm “tiếng vọng” từ Việt Nam của 30 năm trước ảnh 1

Andy Soloman (phải) gặp lại ông Đào Văn Pai, một trong những nhân vật của mình sau 30 năm. Ảnh | Lê Bích

2

“Công cụ” chính trong hành trình của Andy là các bức ảnh cũ. Dựa trên ghi chép trong sổ tay, ông tìm về nơi chụp ảnh khi xưa, đưa ảnh và… hỏi thăm tất cả những người dân tình cờ gặp trên đường.

Không phải bao giờ mọi chuyện cũng suôn sẻ theo cách ấy. Ở chuyến lên Tây Nguyên, vợ chồng Andy có lúc tưởng như vô vọng. Đường sá và cảnh vật thay đổi quá nhiều, còn những bản cũ đã rời đi sau những cuộc di cư. Chỉ nhờ may mắn tìm thấy một điểm check-in trên mạng, Andy mới có dịp hỏi thăm và gặp lại ông Ksor Kok - “người quen” đầu tiên từ những bức ảnh xưa .

Hoặc, tại bản Chòi Hồng (Võ Nhai, Thái Nguyên), Andy tìm được Đào Văn Pai - người đàn ông cầm chiếc khèn Mông trong một bức ảnh chụp năm 1992. Dù vậy, cuộc hội ngộ của họ lại gặp một vấn đề lớn: “Nhân vật chính” không chịu tin người trong ảnh là mình ở tuổi 30. Phải sau một đêm lục lại trí nhớ, cộng cùng sự xác nhận từ vợ con, ông Pai mới gật đầu, kèm theo một nụ cười vui mừng... hết cỡ!

“Tôi đã gặp một số trường hợp như thế. Đó không phải là câu chuyện của trí nhớ” - Andy hào hứng kể. “Ở Việt Nam khi xưa, ông Pai thuộc về số ít những người gần như không biết tới nhiếp ảnh trong những năm tuổi trẻ. Họ không có sẵn ý thức về hình ảnh của mình”...

Bù lại, với một số nhân vật, thế giới đã được thu hẹp nhờ công nghệ và giúp mọi chuyện trở nên dễ dàng. Bức ảnh chụp các học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) là một thí dụ. Ba chục năm trước, Andy bấm máy trong một lần đi qua trường, dừng lại trò chuyện và được bác bảo vệ niềm nở mời vào. Để rồi, vừa qua, sau khi đưa lên mạng, gần như “đủ bộ” các cựu học sinh đứng hàng đầu trong ảnh đã cùng tập hợp để tới dự cuộc triển lãm của ông.

“Sau 3 thập niên, những học sinh tiểu học với đôi dép lê và bộ quần áo giản dị khi xưa bây giờ đã sắp bước sang tuổi 40. Họ đều khá thành đạt công việc và có cuộc sống hạnh phúc” - Andy hào hứng kể. “Nhóm trưởng của họ, một kỹ sư IT, đã tặng tôi chiếc áo đồng phục của lớp”.

Thậm chí, Andy đã nhận lại những bất ngờ thú vị. Sau khi bức ảnh chụp những người đàn ông ngồi uống nước chè trên vỉa hè Hà Nội được một tờ báo điện tử đăng lại, có độc giả phản hồi, rằng một trong số họ chính là bố mình: “Ông đã mất 26 năm nay. Lần đầu tôi mới được nhìn thấy bố cười tươi như vậy và đây có lẽ là bức ảnh đẹp nhất của ông. Ngàn lần cảm ơn tác giả”. Còn với Andy, ông đang cố gắng liên lạc với độc giả ấy, để gửi tặng một tấm ảnh được in và đóng khung cẩn thận.

Tìm “tiếng vọng” từ Việt Nam của 30 năm trước ảnh 2

“Em bé đan len” - nhân vật mà Andy khao khát tìm lại sau 30 năm.

3

Tất nhiên, với độ lùi 30 năm, không ít những nhân vật của Andy đã qua đời và ông chỉ có thể tặng lại, như một món quà kỷ niệm cho người thân trong gia đình. Nhưng với nhà nhiếp ảnh này, đó luôn là những cuộc gặp gỡ chân tình và đầy xúc động.

Một trong số họ là ông Truyền, sống tại ngõ Phất Lộc, từng trò chuyện và mời rượu ông trong lần chụp ảnh năm 1993. “Con gái ông dẫn tôi lên phòng thờ thắp hương cho bố rồi nức nở, tôi cũng bật khóc” - Andy kể. “Giây phút ấy, khoảng cách mênh mông của 30 năm như bị xóa nhòa, để tôi trở lại với người bạn gặp một lần duy nhất khi xưa”.

Ở một bức khác, Andy ghi lại hình ảnh người phụ nữ hơn 70 tuổi, bán đồ lưu niệm tại một cửa hàng nhỏ trên phố Đinh Tiên Hoàng và nói tiếng Pháp rất giỏi. Trò chuyện, anh biết thêm, bà xuất thân trong một gia đình doanh nhân cũ thời Pháp, sống ngay cạnh Hồ Gươm.

“Bà cũng đã mất được khoảng 15 năm, trước khi tôi quay lại lần vừa rồi. Cầm tấm ảnh cũ, con gái bà đặt lên giá sách - nơi có những kỷ vật như chiếc kính và cuốn từ điển tiếng Pháp của mẹ và òa khóc”, Andy bùi ngùi.

Với ông, những nhân vật ấy là đại diện cho một lớp người Hà Nội lớn tuổi khi xưa, những người mà bên trong thái độ bình tĩnh của họ luôn ẩn chứa sức mạnh được rèn luyện qua nhiều tháng năm chịu đựng.

Đến giờ, khoảng gần 20 nhân vật/nhóm nhân vật từ những bức ảnh cũ đã được Andy tìm thấy. Nhưng con số ấy sẽ không dừng lại - khi theo dự kiến, những đợt kiếm tìm mới sắp được ông triển khai tại Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La và cả Quy Nhơn, Huế.

Thêm nữa, một cuộc triển lãm của ông cũng sẽ được tổ chức vào năm tới, với những bức ảnh chụp nhân vật ở cả 2 thời điểm trước và sau dấu mốc 30 năm.

“Tôi muốn độc giả cùng chia sẻ về câu chuyện của mỗi nhân vật trong 30 năm qua. Bởi xét cho cùng, trong sự đổi thay của mỗi cá nhân bình thường, chúng ta đều nhìn thấy sự đổi thay của một đất nước, đặc biệt là Việt Nam với những thăng trầm từng có” - Andy chia sẻ. “Chỉ có tình cảm từ những người Việt Nam là không đổi thay. Sau 3 thập niên, họ vẫn đến với tôi bằng sự ấm áp và chân tình như vậy”.

“Cô bé đan len”

Một trong những nhân vật Andy Soloman mong muốn tìm lại nhất những năm qua là “cô bé đan len”. Ông chụp bức hình này vào quãng năm 1992, tại một ngõ nhỏ ngoài đê sông Hồng. Nhân vật chính là một cô bé khoảng 10 tuổi, đang mải mê với cuộn len và đôi kim đan tới mức không nhận ra Andy bấm máy. Anh cũng không kịp ghi tên và địa chỉ của cô. “Bền bỉ và kiên nhẫn, cô bé ấy khiến tôi nghĩ tới những người Hà Nội trong một giai đoạn rất đỗi khó khăn. Họ tự tin và cần cù để bước tới tương lai từ nỗ lực của mình” – ông nói.