Tùng “điên” giã từ cõi thực

NDO - Cái “điên” của Hoàng Hà Tùng dễ nhận diện ngay ở dáng vẻ bề ngoài: trang phục sặc sỡ quần yếm hoa vui mắt, tóc râu xơ xác, lẫn gương mặt dẫu nhàu nhĩ dấu vết thời gian cũng vẫn một kiểu ngơ ngác lành hiền rất đặc trưng nghệ sĩ. Bởi vậy cả cuộc đời rong chơi nghệ thuật dù được tưởng thưởng xứng đáng bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì Hoàng Hà Tùng vẫn chỉ là “Tùng điên” trong sự “xếch mé” mà đồng nghiệp, bạn bè, người thân, người hâm mộ gọi ông, theo một cách đầy yêu mến nuông chiều và gượng nhẹ...

NĂM 2017 ngay lúc mang trong mình bệnh nặng: ung thư, họa sĩ Hoàng Hà Tùng đùng đùng tự viết kịch bản tự dàn dựng, tự làm tổng đạo diễn “Chuyện của dòng sông đỏ” không dễ định dạng thể loại: nhạc kịch hay kịch hát hay opera hay gì đó.

Chỉ chắc chắn một điều ông quy tụ được trong vở diễn của mình nhiều gương mặt đình đám đương thời: từ Tùng Dương ca sĩ đến các nữ nghệ sĩ tài sắc như Thanh Thanh Hiền nức tiếng cải lương Bắc, Thu Huyền chèo sóng sánh Thị Mầu; từ nhạc sĩ Nguyễn Cường vốn bạn lâu năm đến nhạc sĩ Lưu Hà An đắt sô hay nhạc sĩ Lê Minh Sơn khó chiều…

Tùng “điên” giã từ cõi thực ảnh 1

Phố Nguyễn Biểu sơn mài - 2022 - Tranh Hoàng Hà Tùng

Một không gian đẹp, hoành tráng xâu chuỗi xuyên suốt giữa bảng màu trắng đỏ, được đẩy đưa đầy ngẫu hứng, Hoàng Hà Tùng vừa tinh tế vừa bốc đồng kể chuyện sông Hồng, câu chuyện về dòng sông gắn liền với những ưu tư của Hà Nội nghìn năm văn hiến. “Chuyện của dòng sông đỏ” cũng thêm một dấu chỉ chứng minh hỗn danh “điên” của ông họa sĩ thời điểm ấy (2017), đã dư tuổi 60, nhưng vẫn tưng tửng mình mình một kiểu, ngang tàng thể hiện chân dung hồn cốt cá nhân mà chẳng mấy bận tâm đến thái độ hay phản ứng của cả người đối diện và người thưởng ngoạn.

Bỏ đống tiền túi ra làm vở, kỹ lưỡng điệu nghệ đến từng bộ phục trang khoác lên mình từng nhân vật, “Chuyện của dòng sông đỏ” rốt cục được coi như thể nghiệm đầy chất ngông, sau nhiều những cái ngông tiêu tốn vô số cả tiền bạc lẫn thời gian lẫn sự trầm trồ dư luận của chính chủ… Nhưng rồ dại bất cần thế mới đúng chất Hoàng Hà Tùng, làm nghệ thuật đúng nghĩa vì yêu vì đam mê chứ chẳng nhắm đến lợi danh thường tình gì khác…

Dẫu vậy nói gì thì nói, Tùng có “điên” tới đâu khi đã lao vào công việc lại hết sức chỉn chu nghiêm ngắn. Chẳng thế, ngay thời điểm ăn lương viên chức, là họa sĩ thiết kế của Nhà hát nghệ thuật đương đại, Hoàng Hà Tùng đã được mời đảm nhiệm nhiều trọng trách “nguy hiểm”: Thiết kế sân khấu Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội ở sân vận động Mỹ Đình hồi 2010; thiết kế sân khấu lễ khai mạc Para Games 2003 - trong lần đầu tiên Việt Nam đăng cai giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật của khu vực.

Tùng “điên” giã từ cõi thực ảnh 2

Một góc xưởng vẽ của NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng.

Hoàng Hà Tùng nhiều năm ròng giao du với giới sân khấu ở vai trò thiết kế mỹ thuật, lại bước vào con đường nghệ thuật cũng bắt đầu từ sân khấu kịch. Học xong phổ thông đi bộ đội, năm 1981 xuất ngũ trở về theo học tại trường Mỹ thuật công nghiệp, kết bạn với các nghệ sĩ ở đoàn kịch nói Quảng Ninh như Bằng Thái, ham vui xao nhãng học hành để đi làm diễn viên. Vai đầu tiên trên sân khấu là: “một nhân vật bị bắn chết chưa đầy 2 giây sau khi xuất hiện”, tự thấy mình thiếu duyên với diễn xuất, Hoàng Hà Tùng vẫn quyết chí theo nghiệp sân khấu, nhưng rẽ sang địa hạt khác: họa sĩ thiết kế mỹ thuật.

Trở thành sinh viên Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, là học trò “chân truyền” của “một người Hà Nội phong lưu” - NSND, họa sĩ Bùi Huy Hiếu - Hoàng Hà Tùng được thụ hưởng những tài hoa và khí chất rất Hà Nội nhờ thầy. Từ những hữu duyên đó đã góp phần đắp bồi nên bản ngã Hoàng Hà Tùng, tác thành một “Tùng điên” không đụng chạm tới số đông.

Quê Hải Dương, sinh ra ở vùng Chí Linh (nơi có dãy núi Phượng Hoàng nhất mực linh thiêng mà trên đỉnh cao nhất đặt đền thờ thầy giáo Chu Văn An), nhưng phần lớn thời gian, Hà Nội mới là sân khấu cho Hoàng Hà Tùng trình diễn. Cả một đời rong chơi, vẽ, thiết kế mỹ thuật sân khấu, kết giao với đông đảo bạn bè nghệ thuật, Tùng “điên” gắn bó mật thiết với Hà Nội, yêu Hà Nội… và thành một người Hà Nội đúng theo cách mà đạo diễn Lê Hoàng từng viết: “Ra Hà Nội gặp Cụ Rùa mà không gặp Tùng điên thì coi như đã phí tiền vé”…

Cả cuộc đời rừng rực lửa, không chỉ thể hiện ở cái “màu đỏ đặc trưng phương đông, chứa chất nhiều thông điệp sâu xa”, làm căn cốt cho hội họa của ông, mà hơn hết ở cách chơi với nghệ thuật vừa hào sảng ồn ào vừa lầm lụi bi thương. Trong già chục năm đối mặt với bệnh tật, liên tiếp những trận cấp cứu và nằm viện điều trị dài ngày, Hoàng Hà Tùng luôn lạc quan sắp đặt lĩnh xướng các sự kiện của riêng mình.

Từ những triển lãm cá nhân trải dài từ Hà Nội tới quê nhà Hải Dương rồi ra tận nước ngoài, hay những vở diễn sân khấu lôi được công chúng tới nhà hát, người đàn ông giàu nhiệt huyết sục sôi năng lượng luôn biết cách khiến cho mỗi ngày trong chuỗi thường ngày hữu hạn của mình trở nên đa sắc màu, giàu thanh âm.

Trong thế giới “tỉnh điên”, “thực mộng” Hoàng Hà Tùng khởi xướng, hội họa của ông cũng thành kỳ bí, lúc gần gụi dễ cảm như cách ông mang “chân dung những người nông dân Việt Nam” sang triển lãm tại Hà Lan; lúc rồ dại bốc đồng kiểu ông dựng hình tượng nàng thơ của cuộc đời mình mà nguyên mẫu nhìn vào cũng mất hồn mất vía.

Tùng “điên” gắn với nhiều giai thoại, hoặc được gán cho nhiều giai thoại, vui vui như chuyện ông hơn một lần tự tổ chức đám tang của mình; thu hút sự trầm trồ là diễn tiến mối tình đơn phương theo suốt cả cuộc đời với nữ nghệ sĩ điện ảnh hàng đầu, người đàn bà đẹp Lê Vân… Cách mà Tùng “điên” tôn thờ Lê Vân dường như cũng na ná kiểu thi sĩ Bùi Giáng dành cả tâm huyết vào chuyện tình tưởng tượng với kỳ nữ Kim Cương: “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau/ Tóc xanh dù có phai màu/ Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng/ Xin chào nhau giữa lúc này/ Có ngàn năm đứng ngó cây cối và/ Có trời mây xuống lân la/ Bên bờ nước có bóng ta bên người…”, chỉ là mối tình si của người nghệ sĩ “điên” trong thế giới nghệ thuật của riêng mình mà quyết không để ảnh hưởng tới thế giới hiện hình trong đời thực.

Tùng “điên” giã từ cõi thực ảnh 3

NSND - họa sỹ Hoàng Hà Tùng

Sinh năm 1956, sống trọn một cuộc đời rực rỡ sắc màu, NSND, họa sĩ Hoàng Hà Tùng đã giã biệt cõi thực vào ngày thu buồn, thứ sáu mười ba, sau cơn bão lớn... Hơn 10 năm chung sống với bệnh tật, trừ những lúc điều trị trong viện, Hoàng Hà Tùng chẳng bao giờ xuất hiện bằng dáng vẻ một bệnh nhân mang án “tử”.

Ông luôn thế, lưu trong nỗi nhớ bạn bè bằng hữu, là một nghệ sĩ sục sôi nhiệt huyết, một gã “điên” chỉ “điên” ở nghệ thuật mà hồn hậu ấm áp giữa cuộc sống thực. Có lẽ thế, từ khi mắc bệnh, biết mỗi ngày sống là được hưởng lãi lũy tiến thêm nhiều lần, Hoàng Hà Tùng đã nhân lên gấp bội lần phần “lãi” ấy bằng cả loạt các tác phẩm hội họa, sân khấu…, bằng những cuộc triển lãm, những cơ hội giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, bằng cả tình yêu cuộc sống cuồng nhiệt, ngạo nghễ và đắm đuối. “Tùng điên” luôn chất chơi trong cuộc đời và nghệ thuật, chính bởi vậy cuộc đời và nghệ thuật cũng giã biệt ông bằng sự thảng thốt tiếc nuối mà không hề u sầu, bi lụy nỉ non…

back to top