KHI ÐIỆN ẢNH TỰA LƯNG VÀO VĂN HỌC

Theo thống kê của tờ nhật báo Le Figaro (Pháp), cứ trung bình 5 bộ phim trên thế giới được sản xuất thì có 1 được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Có thể nói với điện ảnh, văn chương là “mỏ vàng” có trữ lượng vô tận để khai thác, là bức tường vững chắc để tựa lưng và cho ra đời những thước phim giá trị, trường tồn cùng lịch sử.
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” giúp độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được tiếp cận tác phẩm bằng ngôn ngữ điện ảnh hấp dẫn. Nguồn ảnh trong bài | ĐPCC
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” giúp độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được tiếp cận tác phẩm bằng ngôn ngữ điện ảnh hấp dẫn. Nguồn ảnh trong bài | ĐPCC

Cái bắt tay nồng ấm

Nhìn vào danh mục ngày một nối dài những sáng tác văn chương đã và đang đĩnh đạc “từ trang sách bước lên màn ảnh”, sẽ dễ hiểu tại sao Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII vừa qua chọn “phát triển sản xuất phim chuyển thể từ tác phẩm văn học” là chủ đề xuyên suốt cho buổi hội thảo - điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động nghề nghiệp dày đặc được tổ chức.

Và ở đó, câu chuyện làm thế nào để cái bắt tay giữa hai loại hình nghệ thuật trở nên nồng ấm, để phim ra đời có được sự đồng thuận tích cực giữa độc giả/khán giả, giữa nhà văn/đạo diễn khi chuyển thể/cải biên/lấy cảm hứng từ một sáng tác văn chương lại được xới xáo, mổ xẻ dưới đa chiều góc nhìn, thẳng thắn và đầy trách nhiệm.

“Phần lớn các nhà văn đều mong muốn tác phẩm được chuyển thể thành phim. Về mặt cốt truyện, văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay và xứng đáng để bước lên màn ảnh lớn. Những câu chuyện đó đều giàu tiềm năng để vượt ra ngoài biên giới, để có thể tiếp cận và chinh phục khán giả toàn cầu”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Để chứng minh nhận định ấy, có thể dẫn giải hàng loạt thí dụ về những tựa phim đương đại gặt hái thành công khi khôn ngoan xây dựng nền móng từ những trang văn lấp lánh vẻ đẹp câu từ. Những Thương nhớ đồng quê - Những người thợ xẻ - Tướng về hưu - Tâm hồn mẹ gặt hái biết bao giải thưởng trong và ngoài nước, nhờ điểm tựa truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Thời xa vắng, Mùa len trâu, Đời cát, Bến không chồng, Tuổi thơ dữ dội… mang sáng tác của những tên tuổi Lê Lựu - Sơn Nam - Hữu Phương - Dương Hướng - Phùng Quán lên phim. Rồi Đảo của dân ngụ cư, Chuyện của Pao đã đưa tác phẩm của Đỗ Phước Tiến - Đỗ Bích Thúy một lần nữa đến với độc giả yêu mến, thông qua một chiều kích khác.

Không chịu bó hẹp trong dòng phim tác giả/nghệ thuật, cái nền văn học vững chắc cũng trở thành bệ phóng để phim hành động Hương ga đạt 50 tỷ đồng ở thời điểm năm 2014, phim cho tuổi mới lớn Mắt biếc gặt hái tới 180 tỷ đồng doanh thu.

Mới đây nhất, thông điệp sâu sắc về sự trưởng thành, tình yêu, lòng bao dung và sự hy sinh trong tình bạn và tình yêu mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm trong truyện dài Ngày xưa có một chuyện tình đã được đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh bắc cầu đến với khán giả điện ảnh, trong bộ phim trong veo, đậm màu hoài niệm cùng tên. Phim - như những tác phẩm từng khai thác kho tàng văn học của tác giả “best - seller” trước kia (Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua…) đã nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé khi ra mắt, đã thu hút một lượng lớn độc giả hâm mộ nhà văn và đạt doanh thu mở màn khả quan. Phim cũng đã trở thành đại diện Việt Nam duy nhất trên đường đua HANIFF 2024 và mang lại cho nữ diễn viên chính Ngọc Xuân giải “Diễn viên trẻ triển vọng”.

Năm 2024 này, khán giả cũng được buồn vui cùng Bà già đi bụi - bộ phim mới nhất đưa sáng tác của cây bút đất Mũi Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh lớn, sau những Cánh đồng bất tận, Tro tàn rực rỡ, Biến mất ở Thư Viên… Giấc mơ hạnh phúc tuổi xế chiều cứ ngày một lớn dần lên trong trái tim bà già nơi miệt vườn sông nước Nam Bộ qua diễn xuất đầy thuyết phục của diễn viên gạo cội Minh Trang đã lấy được khá nhiều nước mắt của người xem. Có thể nói, một truyện ngắn nhỏ xinh với dung lượng chưa tới 2 nghìn chữ đã trở thành điểm tựa vững chãi để làm nên một bộ phim giàu tính nhân văn và thấm đẫm tình người.

KHI ÐIỆN ẢNH TỰA LƯNG VÀO VĂN HỌC ảnh 1

Phim “Đảo của dân ngụ cư” đưa tác phẩm của Đỗ Phước Tiến đến với đông đảo công chúng.

Hướng tới sự đồng thuận tích cực giữa các bên

Bên cạnh những lợi thế tích cực mà người làm phim có thể khai thác từ hiệu ứng sẵn có của tác phẩm/tác giả văn chương, việc chuyển thể/cải biên/lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, khi những bên liên quan không tìm được tiếng nói chung.

Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng làm dậy sóng dư luận tháng 10 năm 2023 là một thí dụ trực quan sinh động, khi nhận lại những chỉ trích gay gắt của người xem về những chi tiết sáng tạo quá đà, nội dung xuất hiện nhiều tình tiết “làm sai lệch lịch sử”. Dù khá thành công về doanh thu khi đạt tới hơn 140 tỷ đồng tiền vé nhưng lối đi “lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi và phiên bản truyền hình Đất phương Nam” vẫn là một bài học đắt giá cho ê- kíp làm phim nói riêng, giới điện ảnh nói chung khi dự định mang lại đời sống mới mẻ cho một tác phẩm được nhiều thế hệ nằm lòng.

Để tránh đi vào “vết xe đổ” kể trên, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải hiến kế, “chọn một tác phẩm văn học có nhiều yếu tố điện ảnh sẽ đem lại khả năng thành công nhiều hơn cho phim. Thêm vào đó, nhà làm phim cần chú ý nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc hoàn cảnh lịch sử, phục trang, đạo cụ, bối cảnh, tác phong sinh hoạt trong đời sống thường nhật... để tác phẩm chuyển thể đạt được độ thuyết phục cần thiết cho người xem”.

Cũng trong khuôn khổ cuộc hội thảo nói trên, đạo diễn trẻ Võ Thanh Hòa, người dành tới hơn ba năm triển khai dự án phim điện ảnh Kính vạn hoa bộc bạch, “sau khi nhận phim, tôi tìm hiểu và được biết 6/10 tác phẩm được cộng đồng chấm điểm cao nhất trên MTV chọn hướng chuyển thể từ văn học. Nhưng một khảo sát uy tín khác cũng cho thấy, nếu khán giả xem phim không cảm nhận được tinh thần cùng thái độ trung thành với tác phẩm văn học gốc, họ sẽ thấy bị phản bội. Bởi thế, có thể nói người làm phim chuyển thể bị đẩy vào tình thế trên đe dưới búa, khi vừa phải giữ trọn được hơi thở đời sống thập kỷ 90 nhưng vẫn phải thổi một làn gió đương đại hấp dẫn, thú vị của vài chục năm sau đó”.

Không chỉ đối mặt với những hệ lụy khó lường từ phản ứng độc giả/khán giả, chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” sau lần hợp tác, thậm chí có thể “từ mặt nhau” giữa nhà văn/đạo diễn đã xảy ra không ít. Ông Nguyễn Quang Thiều bày tỏ quan điểm: “nhà văn và đạo diễn phải có sự chia sẻ, người viết phải hiểu rõ khoảng cách và sự khác nhau giữa hai thế giới văn chương - điện ảnh để có thể cùng nhà làm phim nhìn về một hướng”. Còn nhà nghiên cứu Nhật Chiêu thì quyết liệt hơn, “một bên dùng ngôn từ, một bên dùng hình ảnh, hai phương tiện khác nhau sẽ cho ra những tác phẩm khác nhau, so sánh phim hay/dở hơn sách là vô cùng khiên cưỡng”.

KHI ÐIỆN ẢNH TỰA LƯNG VÀO VĂN HỌC ảnh 2

"Tro tàn rực rỡ” đưa hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lên phim và gặt hái rất nhiều giải thưởng uy tín.

Với tốc độ phát triển như vũ bão, ngành công nghiệp điện ảnh luôn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn kịch bản độc đáo, hấp dẫn, sáng tạo và nhân văn. Cái bắt tay với văn chương, đặc biệt là với những tác phẩm/tác giả được xếp vào hàng kinh điển hoặc lưu dấu thành công nhất định sẽ giúp phim ảnh có sẵn nền móng đầy hứa hẹn ngay từ bước khởi đầu. Một đội ngũ người hâm mộ sáng tác văn học vô cùng đông đảo, những đám đông coi nhà văn như thần tượng sẽ là điểm cộng giúp tối ưu hóa bài toán doanh thu khi phim ra rạp. Sức hấp dẫn từ trang viết sẽ thôi thúc độc giả mua vé, để xem sách lên phim thế nào? Thậm chí, những chê bai, bức xúc của họ sau khi xem phim cũng trở thành chiêu PR hữu hiệu kích thích trí tò mò của đám đông còn lại, lợi cả đôi đường.

Thêm vào đó, những tên tuổi văn chương sẽ giúp bài toán đề tài nhà làm phim hướng tới (như văn hóa vùng miền, đặc trưng tộc người, tinh hoa một vùng đất) trở nên dễ giải. Hướng tới tình yêu đầu đời tuổi mới lớn ư, cứ chọn Nguyễn Nhật Ánh là chắc thắng. Khắc họa đất và người nơi miệt vườn sông nước, đặc biệt nơi đất Mũi Cà Mau có ai hơn Nguyễn Ngọc Tư. Văn hóa Nam Bộ thì cứ chọn cây đại thụ Sơn Nam. Lùi về Bắc Bộ giai đoạn trước 1945, ai qua mặt nổi tác phẩm của Nam Cao - Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng… Tái hiện đời sống tộc người thiểu số nơi địa đầu biên giới Tây Bắc ư, cứ tìm trong tác phẩm Đỗ Bích Thúy…

Tóm lại, mối kết giao này mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Điện ảnh có thêm chất liệu quý giá để làm phim, văn chương có thêm một nhịp cầu kết nối với độc giả. Và đối tượng lớn nhất được hưởng lợi, tất nhiên, chính là công chúng!

KHI ÐIỆN ẢNH TỰA LƯNG VÀO VĂN HỌC ảnh 3

Trường hợp "Đất rừng phương Nam" là một bài học đắt giá khi dự định mang lại đời sống mới mẻ cho một tác phẩm được nhiều thế hệ nằm lòng.