THỜI CỦA ÂM NHẠC “MÌ ĂN LIỀN”

Sinh hoạt âm nhạc của mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ có sự khác biệt rõ rệt. Nếu lứa 6X, 7X đổ về trước có thể nghe nhạc xưa, nhạc Trịnh không biết chán thì GenY, GenZ thường chỉ quan tâm tới những bài hát “đương đại”, cùng thời. Tuổi thọ của các bài hát dường như đang ngày càng ngắn lại…
0:00 / 0:00
0:00
Âm nhạc giải trí ngày nay không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghệ sân khấu và hình ảnh. Ảnh trong bài | YEAH1
Âm nhạc giải trí ngày nay không thể thiếu sự hỗ trợ của công nghệ sân khấu và hình ảnh. Ảnh trong bài | YEAH1

Trước đây có khái niệm phim “mì ăn liền” - chỉ dòng phim thị trường được sản xuất nhanh đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả vào những năm 1990. Nhìn lại, đó cũng là một thời kỳ hưng thịnh dù ngắn ngủi của phim Việt. Nó mang ý nghĩa tiêu cực khi ngày càng trở lên dễ dãi, sáo mòn và nhanh chóng bị khán giả quay lưng.

Gameshow vào cuộc

Nhìn sang thị trường nhạc giải trí, chúng ta đang chứng kiến giai đoạn “trăm hoa đua nở”, khi ai cũng có thể trở thành ca sĩ, nhạc sĩ nhờ các công cụ cho phép sản xuất thứ âm nhạc “mì ăn liền” (chỉ cần điện thoại thông minh và máy tính là có thể sáng tác, ghi âm, thậm chí cả phối khí). Tùy vào khả năng mà bạn có thể tự đảm nhiệm một số khâu, còn lại đều có thể thuê.

Tiếp theo, mạng xã hội cung cấp kênh phát hành cho tất cả mọi người. Vì vậy số lượng bài hát mới nở rộ chưa từng thấy. Nhưng có những bài đăng lên YouTube đạt tỷ view cũng đồng nghĩa với nhiều triệu bài khác chẳng mấy ai đoái hoài. Vì thế mà khâu phát hành đang ngày càng trở nên quan trọng.

Khi Xuân Nghi hát Summer Night trên Chị đẹp đạp gió sẽ có tầm 150 nghìn khán giả theo dõi trên sóng trực tiếp. Với họ, đây sẽ là buổi ra mắt của bài hát cho dù nó đã được ca sĩ phát hành từ 5 năm trước nhưng không mấy tiếng vang. Bộ máy lăng-xê bắt đầu hoạt động. Các trang tin âm nhạc bắt đầu bàn về nghệ sĩ và bài hát. Đội ngũ khán giả hâm mộ (hoặc cũng có thể được thuê) sẽ lao vào “cày view” tạo ra hiệu ứng bùng nổ cho Xuân Nghi cùng tất cả các “chị đẹp” lên sóng giai đoạn này. Riêng Summer Night đạt top 6 Spotify sau chưa đầy 1 tuần tái xuất nhờ gameshow.

Những tưởng Chị đẹp đạp gió sẽ tái sử dụng bài hát chủ đề của mùa một, nhưng không. Một sáng tác hoàn toàn mới của Hứa Kim Tuyền sẽ là nhạc hiệu cho chương trình, dù chỉ kéo dài 15 tuần lên sóng truyền hình. Tất nhiên vấn đề này còn liên quan đến tác quyền và hình ảnh, ê-kip mới sẽ chẳng tội gì dùng bài của người cũ.

Mỗi gameshow giờ đây là một kênh phân phối hiệu quả các bài hát cũ mới đan xen. Trong đó có những tác phẩm do các nghệ sĩ được yêu cầu sáng tác tại chỗ. Những bài hát này chỉ sau vài tuần có thể lên tới vài trăm nghìn lượt xem, một con số đáng mơ ước với sáng tác mới!

Tạm hình dung, bài hát khi xưa có sức sống của một tác phẩm văn chương thì nay nó tựa như một sản phẩm báo chí. Chính xác hơn, nó giống bài phát biểu, thông điệp của nghệ sĩ dưới dạng ca khúc. Những bài hát từ cảm hứng tức thì đó dễ khiến khán giả thấy thích thú, có khi một vài lời rap trong đó còn gây ấn tượng hơn nhạc. Và cũng không ai kỳ vọng những ca khúc kiểu Quá là trôi hay Nét (ra mắt tại vòng chung kết Anh trai vượt ngàn chông gai) sẽ có đời sống lâu dài, được nhiều người hát lại. Nó chỉ cần tạo sức hút cho gameshow, ngay khi đang diễn ra là đạt yêu cầu!

THỜI CỦA ÂM NHẠC “MÌ ĂN LIỀN” ảnh 1

Bài hát của Xuân Nghi gây chú ý nhiều hơn khi được quảng bá qua kênh... gameshow.

Bài hát đi cùng… hình ảnh

Sẽ không ai nghe nhạc mà không muốn kèm theo hình ảnh sinh động, bắt mắt, thậm chí được xây dựng công phu như một bộ phim ngắn. Vì thế, nhạc ngày nay không cần mới lạ, giông giống na ná một cái gì đã quen thuộc trước đó có khi lại là điểm cộng vì nó sẽ giúp bài hát lan truyền nhanh chóng.

Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ thị trường “thâm canh, tăng vụ”. Những bài hát “học tập” lộ liễu từ các bậc tiền bối cách đây độ mươi năm còn bị “bóc phốt”, nhưng giờ thì “đấu tố” không xuể vì quá nhiều. Và đương nhiên chắc cũng không được nhớ lâu.

Thị trường ngốn nhạc rất nhanh. Việt Nam cũng có vài bảng xếp hạng nhưng không được chú ý mấy. Sức sống và quyền lực của bài hát hay nghệ sĩ Vpop được đo chủ yếu bằng độ lan tỏa, dẫn đầu xu hướng trên YouTube, tính cho đến khi bị một MV khác truất ngôi. Và cuộc “mưu sinh” của các nghệ sĩ và ê-kip cứ thể tiếp diễn không ngừng. Vì ngừng lại có thể sẽ bị vượt lên và dễ mất đà.

Bài hát bây giờ muốn sống sót phải đi cùng hình ảnh, chứ “đi cùng năm tháng” xem ra quá xa vời. Với nhịp độ mỗi phút 28 bài hát mới được đăng lên Spotify (số liệu từ 2020, giờ chắc phải hơn) thì thế hệ hôm nay luôn thừa thãi nhạc để nghe rồi!

Tính thời sự, áp lực theo kịp xu hướng sẽ không thành vấn đề với nhạc xưa, nhạc truyền thống hay nhạc cách mạng. Nhưng đã muốn vào dòng chủ lưu, muốn chiếm thị phần thì phải tìm cách để bài hát gắn liền với số đông, với tuổi trẻ - đối tượng “ngốn” âm nhạc hằng ngày nhiều nhất.

Vì thế nhạc tình, nhạc teen sẽ có tuổi thọ ngắn hơn. Vì giờ mỗi thế hệ dường như càng có nhu cầu có ngôn ngữ âm nhạc riêng của mình (đặc thù cho thế hệ) .

Có thể thấy âm nhạc bây giờ Tây hơn, ca sĩ hát bằng tiếng Việt hay tiếng Anh không còn là vấn đề. Và về hình thức cũng không còn sự phân biệt quá rõ nét Tây-ta. Tuy nhiên sự lai căng, sùng ngoại chắc chắn không thể làm nên tiếng nói riêng.

Chuyện một bài hit được nhiều người hát chung đã trở nên “xưa như Diễm”. Có một nhạc mục riêng là thể hiện đẳng cấp của nghệ sĩ chuyên nghiệp, vì họ có ý thức tránh rắc rối về tác quyền hoặc đơn giản, đủ tài năng để tự lo sáng tác cho chính mình. Những ca sĩ-nhạc sĩ có chỗ đứng trong nghề… ca sĩ nhiều hơn hẳn hơn xưa. Có thể kể đến Vũ Cát Tường, Lê Cát Trọng Lý, Phan Mạnh Quỳnh, Hoàng Dũng, Vũ, Thắng, Bùi Công Nam… và tất nhiên cả Sơn Tùng- MTP, Đen Vâu, Binz... Thực tế, ai có nguồn bài của người nấy cũng làm nảy sinh một lượng sáng tác mới nhiều hơn hẳn so với những thập niên trước.

Đi tìm người nghe

THỜI CỦA ÂM NHẠC “MÌ ĂN LIỀN” ảnh 2

Chỉ cần thu phục được khán giả, ngôi sao sẽ không lo bài hát của mình bị ế nữa.

Tìm người nghe trước khi ra sản phẩm là việc của các ngôi sao bây giờ. Trong thời buổi gần như ai cũng có thể sáng tác được bài hát. Chỉ cần nghĩ ra giai điệu, hát vào điện thoại, nhờ người chép ra (nếu không thể tự ký âm), đặt lời… là một bài hát mới ra đời. Rất nhiều sáng tác kiểu thế được ném lên mạng xã hội mỗi ngày rồi nhanh chóng chìm nghỉm, tỷ lệ thành công chắc chắn là vô cùng thấp.

Nghệ sĩ ngày nay vẫn có những cách riêng để chứng tỏ sự nổi trội, trong hoàn cảnh ai ai cũng có thể thực hành nghệ thuật. Một số tự sáng tác, tự sản xuất. Cách này không chỉ giúp họ tiết kiệm tiền bạc mà cả rút ngắn tiến độ ra mắt. Trong cùng thời gian, ai có nhiều sản phẩm hơn chắc chắn độ nhận diện sẽ lớn hơn, sự nghiệp phát triển nhanh và vững vàng hơn.

Vũ đạo cũng là một giải pháp hữu hiệu. Hoặc đầu tư hình ảnh qua MV, thời trang, thiết kế sản phẩm… đều có thể tăng độ nhận diện cho bài hát. Một số ít, cứ ra sản phẩm lại tung một tin đồn gì đó về bản thân cũng không nằm ngoài mục đích tương tự.

Gần đây, các gameshow truyền hình cung cấp một gói giải pháp hữu hiệu, khi vừa giúp nghệ sĩ phủ sóng vừa cấp tốc bồi dưỡng một loạt kỹ năng phù hợp với thời đại mới. Chương trình cũng đem lại cho nghệ sĩ một lượng người hâm mộ sẵn sàng hành động, như “cày view” không biết mệt mỏi cho các sản phẩm ra mắt hằng tuần. Đó cũng là một thứ vũ khí giúp các nghệ sĩ sống sót, trong thời của nhạc nhanh, nhạc ăn liền.

Cứu cánh của nghệ sĩ ngày nay là phải trở thành thần tượng trong thời gian ngắn. Điều này bảo đảm cho họ một lượng khán giả trung thành, sẵn sàng đón nhận và “nuôi nấng” mỗi sản phẩm họ tung ra. Vì thế, ngôi sao ngày nay có xu hướng thân thiện và chiều chuộng khán giả của mình hơn xưa.

Người hâm mộ cũng vì thần tượng mà sẵn sàng đầu tư những khoản lớn như mua quảng cáo hẳn ở quảng trường Thời đại bên Mỹ hoặc giúp thần tượng chiến thắng các giải thưởng được định đoạt bởi tin nhắn bình chọn. Tất cả tạo nên một thị trường sôi động, ở đó, bài hát dù quan trọng nhưng cũng chỉ là một mắt xích mà thôi.