HỌA SĨ NGỌC THỌ

Ký họa chân dung khắc họa thời cuộc

Người viết không có may mắn được gặp và trò chuyện cùng họa sĩ Ngọc Thọ khi còn tại thế. Nhưng ký họa của ông vẫn nói với tôi, trong im lặng, về những con người bình dị quá đỗi nhưng trên gương mặt luôn ánh lên vẻ đẹp của lo toan, vất vả và hy vọng. Tháng năm thanh xuân cùng bao bức họa của ông đã đi qua nhưng thanh xuân ấy vẫn hiện diện, vĩnh cửu, ngay trên những tấm giấy đơn sơ này.
0:00 / 0:00
0:00
Tối Cẩm Phả 28/3/1969, chì và chì than trên giấy.
Tối Cẩm Phả 28/3/1969, chì và chì than trên giấy.

Mỗi bức tranh khơi gợi một niềm hy vọng

Nụ cười tươi rói của người thợ mỏ trong một ký họa chân dung đôi, với dòng ghi chú “Cẩm Phả tối 28-3-69” thu hút ánh nhìn của bất cứ người đối diện nào, tôi chắc chắn vậy. Hai người thợ không còn đeo đèn rọi trên mũ. Các khoảng trắng trên gương mặt người bên trái, trên gương mặt và vùng cổ của người bên phải đem lại cảm nhận về ánh sáng phía trước họ.

Họa sĩ chỉ dùng một vài nét chì mảnh để định hình đường viền chiếc mũ bảo hộ, gương mặt, viền cổ áo nhân vật. Còn lại, ông dùng các vạt chì than nhẹ nhàng dựng hình. Chỉ cần một chút rìa bờ vai của nhân vật bên phải hơi nhô lên, gợi khối, đem lại cảm giác người này hơi lùi lại phía sau một chút. Mầu chì than bên trái đậm hơn bên phải chỉ một bậc, vẫn là để gợi khối tốt hơn, vẫn là cho thấy ánh sáng phía trước hơi chếch về bên phải và chắc hẳn, đó là ánh sáng từ chiếc đèn bão. Người bên trái có đôi mắt mở to, cương nghị, đang chăm chú vào một điều gì đó phía trước, một thứ gì đó để tập trung nhìn ngắm. Người bên phải thư giãn hơn, thể hiện ở miệng cười tươi tự nhiên và ánh nhìn dịu dàng.

Vì không có điều kiện được hỏi chuyện ông về dạng ký họa chân dung đôi này, nên có lúc, ngắm bức vẽ, tôi còn nghĩ hẳn là ông đã xem như đây là cách tiết kiệm giấy trong những ngày đi thực tế vùng mỏ giữa thời chiến. Nhưng dù hai nhân vật ở hai hoàn cảnh khác nhau, hoặc hai nhân vật ở cùng một hoàn cảnh nhưng không gần nhau như trên bức vẽ, sự tương đồng giữa hai nhân vật và sự kết nối tinh thần giữa họ là chân thật. Bởi cách mà họa sĩ dựng hình và nét lanh lẹ, tạo mảng ghép hai chân dung từ các vạt chì than liền mạch, chỉ gợi khối, gợi sự phân định giữa hai nhân vật nhờ một vài nét bút thật sự cần thiết, tinh tế. Tất cả đem đến cảm nhận giữa họ dường không có bất kỳ khoảng cách nào. Một sự sát cánh, đồng điệu!

Sự nhạy cảm, tinh tế của họa sĩ dẫn tôi ngược lại với một bức tranh mầu nước của ông, vẽ chân dung một bà cụ đang bế gọn đứa cháu trong lòng. Bức vẽ gợi khung cảnh của một đợt rét rơi rớt lại ở miền bắc (ghi ngày 17/3/1956), tức là khi họa sĩ đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Mỹ thuật Việt Nam.

Những mảng nhỏ mầu nâu hồng tinh tế về sắc độ trên gò má nhân vật góp phần khắc họa đậm nét gương mặt người già, trong kiểu rét buốt riêng có của miền bắc. Những vẩy mầu đen thưa hoặc mau, liền hoặc cách rời, tùy vị trí, thể hiện làn da nhiều nếp thời gian của nhân vật nơi khóe miệng, đôi bàn tay và đôi bàn chân vuông vức, dày dặn, thô tháp. Ông cũng không quên chi tiết một ngón chân út ở bàn chân bên trái của nhân vật hơi xòe ra. Khối người vững chãi, vòng tay ôm vừa đủ chặt em bé của bà cụ thể hiện tình cảm sâu sắc.

Sinh thời, họa sĩ Ngọc Thọ là một người lặng lẽ với rất nhiều thể nghiệm cùng đa dạng chất liệu và bút pháp tạo hình: Bảng mầu phong phú, bút lực mạnh mẽ, nội tâm phóng khoáng, nét vẽ dạt dào tình cảm, tự phá bỏ các nếp nghĩ quen thuộc.

Ông tập trung toàn bộ thời gian và tâm trí vào việc vẽ và luôn mong muốn có thể giữ lại mọi sáng tác của mình. Những ký họa hiện thực là nền tảng chắc chắn cho các thể nghiệm sau này của ông, với các trường phái ấn tượng, biểu hiện và có lúc, thiên về trừu tượng biểu hiện.

Nhưng có lẽ, họa sĩ đã để tâm thật nhiều tới việc miêu tả bằng được đôi mắt đã đậm dấu tuổi già, hơi nhìn xuống, có phần ưu tư. Chỉ là một chấm nhỏ xíu nguyên mầu giấy ở khóe mắt bên trái là đủ, một cách “điểm nhãn” tinh tế, còn lại đều là những nét, vẩy mầu đen đậm nhạt dứt khoát, mà không kém phần tha thiết. Tấm áo bên trong của bà có một mảnh vá. Nhưng sát ngay miếng vá ấy là gương mặt bầu bĩnh của đứa cháu đang ấp vào. Em bé này khoác tấm áo bông có điểm nhiều bông hoa đỏ hồng, chiếc mũ len cũng viền hoa mầu đỏ. Cách lựa mầu sắc và chi tiết như vậy đã khiến cho khoảng trung tâm của bức vẽ ánh lên một sự ấm áp, như là gợi một hy vọng để cân bằng lại với nét ưu tư trên gương mặt của người bà.

Và ngưng đọng lại thời gian

Ký họa là để ghi lại cảm xúc đầu tiên trước cảnh sắc, con người nhưng do nhiều tác động của ngoại cảnh, họa sĩ không dồi dào không gian và thời gian để nấn ná, căn chỉnh, chọn lọc nên thường phải vẽ nhanh. Vậy là bao nhiêu bén nhạy của quan sát và tính toán chuyên môn, của điêu luyện kỹ thuật và của cảm tình chủ quan được hòa quyện lại, dồn tuôn qua nét bút, vạt mầu… Đặc biệt là trong bối cảnh của chiến tranh, những chuyến đi thực tế của các họa sĩ vẫn diễn ra, trong sự khẩn trương và vất vả bởi nguy hiểm của bom đạn không chừa bất kỳ ai.

Ký họa chân dung khắc họa thời cuộc ảnh 1

Một ký họa mầu nước tại Hải Phòng, 1966.

Bên cạnh các chuyến đi vùng mỏ, dữ liệu ký họa để lại của họa sĩ Ngọc Thọ cho thấy trong những năm tháng ở miền bắc trước năm 1975, ông cũng tranh thủ đi đến một số làng quê nông thôn điển hình như Thư Thị (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tình Hưng Yên).

Đặc biệt, ông có những chuyến đi thực tế vùng cảng Hải Phòng (năm 1966), nơi ông đã ký họa mầu nước hình ảnh từ phía sau những người chị, người mẹ đang đứng, ngồi trên giàn giáo lênh khênh, cặm cụi sơn, hàn xì thân tàu biển. Nhưng có những người trong số họ không mặc trang phục của công nhân, mà là quần lụa (satin) đen, ống rộng với tấm áo cánh màu nâu hồng, mầu rêu nhạt, đội nón, thêm chút vảy mầu đen trên lưng áo gợi hình ảnh mái tóc đen dài, được buộc lại gọn gàng.

Những dáng hình nhỏ bé, mảnh mai ấy đối lập với thân tàu to lớn, thẫm đen, với những cần cẩu cao vút, ngạo nghễ, những bộn bề, ngổn ngang của bối cảnh thực địa. Bức vẽ như làm ngưng lại một khoảnh khắc thời cuộc, gợi mở trong tâm trí người thưởng lãm nhiều suy tưởng về miền bắc trong năm tháng chiến tranh, khi phái nữ gánh vác thay phái nam rất nhiều việc ở hậu phương và hậu phương ấy cũng có lúc chịu mưa bom bão đạn…

Những bức ký họa chân dung các cô thợ hàn vẫn khoác trên vai chiếc mặt nạ, đôi tay vẫn cầm nguyên chiếc mỏ hàn có gắn que hàn hay cô công nhân kiêm tự vệ có mái tóc dài tết đôi, hai tay cầm chắc cây súng trường, gương mặt trẻ trung mà trầm tĩnh, cương nghị đều được ông ghi chú ký họa ở Hải Phòng trong tháng 10/1966. Tất cả tiếp tục tâm tình với người đối diện về nhiều chiều kích quá khứ khác.

“Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói, ký họa như là nhịp thở trái tim họa sĩ” - bà Yên Hòa, người vợ tao khang đã nói như vậy trong một dịp hàn huyên về thời kỳ sung sức của ông - dành trọn cho các chuyến đi và vẽ.

Trong một bảng màu dung dị và tùng tiệm, ký họa của Ngọc Thọ còn nổi bật lên một điểm chung: Họa sĩ đã thể hiện được một cách chân thành hiện thực khách quan của đất và người nơi ông đến. Ông không lãng mạn hóa hiện thực hay chỉ muốn đặt để đối tượng trước mắt như một điểm tựa cho những thể nghiệm hình thức. Ông ghi nhận những hiện hữu ngay ngắn trước mắt với tất cả tấm tình: ưu tư, nhẹ nhõm, lo lắng, điềm tĩnh… Và ở đó, chứa đựng vừa đủ những chi tiết tưởng như bình dị mà lạ thay, lại khắc họa sâu sắc đặc trưng thời điểm hiện hữu ấy, biến từng khoảnh khắc thành như ngưng đọng, vĩnh cửu.

Họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016), nguyên quán Bình Thuận. Sớm tham gia kháng chiến ở Nha Trang và tập kết ra bắc năm 1954, ông là sinh viên khóa đầu tiên (Khóa Tô Ngọc Vân, 1955-1957) của Trường Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) sau khi từ chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô Hà Nội.

Ông là giảng viên tại Trường trung cấp Mỹ thuật công nghiệp (nay là Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp) từ năm 1962 cho đến khi nghỉ hưu.