DƯ ÂM LIÊN HOAN PHIM QUỐC TẾ HÀ NỘI LẦN THỨ VII

NỐT TRẦM LẶNG LẼ

Ðêm bế mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII vừa chính thức khép lại, với chiến thắng đầy sức thuyết phục của điện ảnh Iran. Sau những tưng bừng lễ hội, lộng lẫy thảm đỏ và rầm rộ giao lưu, chất lượng khiêm tốn của những ứng viên nước chủ nhà năm nay đã để lại những nốt trầm lặng lẽ cho đông đảo người yêu phim Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Điện ảnh Iran đại thắng với ba giải thưởng (Phim truyện dài xuất sắc, Đạo diễn và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất) dành cho phim “Hard Shell” (Vỏ bọc). Ảnh | ANH VŨ
Điện ảnh Iran đại thắng với ba giải thưởng (Phim truyện dài xuất sắc, Đạo diễn và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất) dành cho phim “Hard Shell” (Vỏ bọc). Ảnh | ANH VŨ

Chiến thắng áp đảo của điện ảnh Iran

Từ 500 bộ phim thuộc 51 quốc gia và vùng lãnh thổ được gửi tới, Ban tổ chức đã sàng lọc và chọn ra 117 tác phẩm để trình chiếu liên tục tại ba cụm rạp lớn của Thủ đô, trong suốt năm ngày diễn ra Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF 2024).

Như đánh giá của Cục trưởng Cục Điện ảnh - Trưởng ban tổ chức Vi Kiến Thành, “các hoạt động chuyên môn sâu như hai cuộc hội thảo Tiêu điểm điện ảnh ĐứcPhát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, Triển lãm Các di sản của Việt Nam được Unesco công nhận-Trải nghiệm qua những thước phim điện ảnh, Chợ dự án sản xuất phim, các buổi giao lưu giữa đoàn làm phim với khán giả trước hoặc sau chiếu phim tại các rạp đã tạo được không khí sôi nổi, đa sắc màu, thu hút đông đảo công chúng khán giả Hà Nội và du khách quốc tế, góp phần vào việc giao lưu, học hỏi giữa các nhà làm phim của Việt Nam và quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Với vị thế chủ nhà, điện ảnh Việt Nam đã có màn ra quân khá rầm rộ tại sân chơi quốc tế kỳ này. Ngoài Ngày xưa có một chuyện tình - tác phẩm mới vừa ra rạp của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được ghi danh ở hạng mục phim truyện dài, chúng ta có tới 8 “thí sinh” trong danh sách19 phim ngắn dự thi (4 phim tài liệu, 3 phim hoạt hình và 1 phim ngắn).

Và trong gần 70 dự án đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ được BTC Chợ dự án đánh giá là “chất lượng rất cao và đa dạng”, Việt Nam cũng có tới 4/8 tựa phim tương lai được chọn vào vòng Thuyết trình. Đó là Người khóc thuê (Nhà sản xuất Đỗ Sơn/đạo diễn Đỗ Hà), Memento Mori: Nước (NSX/ĐD Marcus Mạnh Cường Vũ), Tôi muốn thuê hoài mãi mãi (Bùi Lê Nhật Tiên/Mc Floyd Nguyễn), Lời nguyền máu (Nguyễn Phạm Hoàng Quân/Nestor Sanchez Sotelo)…

Nhưng một bộ phim có thể “khiến người xem tin vào câu chuyện, tin vào nhân vật và tin vào sự lựa chọn của họ để viết nên một câu chuyện tình tay ba dịu dàng và đẹp như cổ tích” (nhận xét của nhà phê bình Lê Hồng Lâm) như Ngày xưa có một chuyện tình rõ ràng không phải là một gương mặt đại diện thích hợp để so tài tại một LHPQT - nơi luôn đề cao những ý tưởng độc đáo cùng ngôn ngữ kể chuyện giàu sức sáng tạo. Đặt bên cạnh những ứng viên “nặng ký” cùng hạng mục như Vỏ bọc (Iran), Nhà dột (Bỉ), Kẻ nói dối (Liên bang Nga), Khi nào mọi thứ mới trở lại như chưa từng (Đức), Tám cảnh hồ Biwa (Estonia)…, một tác phẩm lãng mạn với vẻ đẹp trong veo, thuần khiết của tuổi học trò vụng dại, ngây thơ đã tự đặt mình vào thế yếu, ngay từ bước khởi đầu.

Chính vì thế, kết quả mà điện ảnh Việt Nam nhận lại vô cùng khiêm tốn, so với đội hình ứng viên hùng hậu kể trên. Trong cả đêm bế mạc, chỉ duy nhất cái tên Ngọc Xuân được xướng lên ở hạng mục Diễn viên trẻ triển vọng cho lần đầu chạm ngõ làng điện ảnh, bằng một cô Miền xinh đẹp chỉ được đánh giá ở mức tròn vai.

Điện ảnh Iran nhiều năm nay vẫn giữ vững ngôi vị cường quốc, trên bản đồ điện ảnh thế giới. Nhưng trong lịch sử 7 kỳ tổ chức HANIFF, Vỏ bọc xác lập dấu mốc lần đầu tiên một bộ phim dài giành được ba giải quan trọng nhất (Phim dài xuất sắc nhất, Đạo diễn phim dài xuất sắc nhấtDiễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất). Không chỉ có vậy, quốc gia này cũng ôm nốt giải Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất cho nữ đạo diễn xinh đẹp sinh năm 1981 Nasim Forough với tác phẩm Typesetter (Thợ xếp chữ).

Đừng để phim Việt thất thế trên chính sân nhà

NỐT TRẦM LẶNG LẼ ảnh 1

Ngọc Xuân được xướng lên ở hạng mục Diễn viên trẻ triển vọng cho lần đầu chạm ngõ làng điện ảnh, bằng một cô Miền xinh đẹp chỉ được đánh giá ở mức tròn vai. Ảnh ANH VŨ.

Nếu chỉ nhìn vào số lượng những cái tên Việt Nam được trang trọng xướng danh trong kỳ HANIFF trước, hay ghé mắt trông sang những thành công ban đầu khá ấn tượng của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) trong hai năm trở lại đây, dễ dàng nhận thấy chất lượng tác phẩm Việt Nam dự thi HANIFF 2024 đã có sự thụt lùi đáng báo động.

Nhớ lại HANIFF 2022, Khu rừng của Páo của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt được vinh danh Phim ngắn xuất sắc nhất. Gương mặt trẻ Trương Thế Thiện được xướng tên ở hạng mục Đạo diễn trẻ triển vọng cho phim ngắn (từ 18 đến 35 tuổi) nhờ dấu ấn cá nhân đậm nét trong bộ phim Hành lang ký ức. Đặc biệt, vượt lên 6 dự án được tuyển chọn tham gia Vòng thuyết trình, Chúa đất của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn đã xuất sắc giành giải Nhất và Chachacha của đạo diễn Đỗ Quốc Trung vinh dự nhận Giải Ban giám khảo Chợ dự án phim. Chiếm đa số trong danh mục giải thưởng dành cho phim ngắn (2/4) và tuyệt đối trong Chợ dự án (2/2), sân chơi HANIFF 2022 đã định vị được thương hiệu “vườn ươm những tài năng điện ảnh tương lai”. Khi những tiếng nói mới lạ, khác biệt và đậm dấu ấn cá nhân của người trẻ được lắng nghe, được cổ vũ.

DANAFF lần I đã chứng kiến sự thăng hoa của phim Việt, khi ở hạng mục Phim châu Á dự thi, ngoài vị trí quán quân mà bộ phim tài liệu mang phong cách điện ảnh trực tiếp Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm) giành được, gương mặt trẻ Juliet Bảo Ngọc Doling cũng vinh dự trở thành Diễn viên nữ chính xuất sắc nhờ vai diễn xuất thần trong phim Tro tàn rực rỡ.

Hạng mục Phim châu Á dự thi của DANAFF lần II có sự góp mặt của hai cái tên nổi bật trong dòng phim độc lập - Phạm Thiên Ân với Bên trong vỏ kén vàng và Phạm Ngọc Lân với Cu li không bao giờ khóc. Hành trình tìm lại anh trai với những suy tư về quá khứ, về đức tin và lẽ sống cuộc đời của Thiện ở phim đầu hay đời sống hiện tại cùng những dư âm phức tạp của lịch sử Việt Nam được đan xen cùng góc nhìn trầm mặc đầy chiêm nghiệm của bà Nguyện trong phim sau đã thuyết phục được các thành viên BGK uy tín quyết định dành tặng Phạm Thiên Ân giải Đạo diễn xuất sắc nhấtPhim châu Á hay nhất cho tác phẩm của Phạm Ngọc Lân.

Những thành tích đáng khích lệ kể trên, rất tiếc, phần đa đều phải nhờ vào yếu tố may mắn. Khi đúng thời điểm tổ chức sự kiện, những tác phẩm chất lượng cao và đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện mà Ban tổ chức đề ra đột nhiên cùng xuất hiện, những ý tưởng làm phim đậm đặc văn hóa bản địa được soi chiếu dưới góc nhìn cá nhân hóa độc đáo đột nhiên cùng gửi tới Chợ dự án.

Bởi đáng buồn là ở cả ba ngày hội điện ảnh tầm cỡ châu lục và quốc tế do chính Việt Nam khởi xướng và tổ chức định kỳ trong hơn chục năm qua, tình trạng thụ động, “ăn đong” trong chọn lựa phim dự giải của nước chủ nhà đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Câu hỏi “tác phẩm nào sẽ đại diện Việt Nam tham dự HANIFF, DANAFF hay Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF)” thường chỉ tìm được câu trả lời, khi thời điểm khai mạc đã cận kề.

Thậm chí, sự kiện HIFF đầu tiên tổ chức tháng 4/2024 vừa qua vẫn phải chứng kiến một thực tế không vui, sau khi đã có hàng năm trời chuẩn bị. Trong danh mục tranh giải của hai hạng mục chính (Phim Đông Nam Á và Phim đầu tay hoặc thứ hai) đều không hiện diện một gương mặt nước chủ nhà, trong khi mỗi quốc gia láng giềng (như Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia) đều gửi gắm tới 2 hoặc 3 đầu phim tranh giải.

Với thông lệ tổ chức hai năm một lần (của HANIFF) hay diễn ra thường niên (như DANAFF và HIFF), điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thừa thời gian và khả năng chuẩn bị chu đáo một “thực đơn ngon miệng” để “đãi khách”. Tài lực, vật lực đổ vào tổ chức sự kiện, nâng tầm khách mời, Ban giám khảo và chiêu mộ những bộ phim đẳng cấp tham gia sẽ trở thành vô nghĩa, nếu những ứng viên tranh tài của chính chúng ta không in đậm được dấu ấn tài năng trên chính sân nhà.

Thay vì “so bó đũa chọn cột cờ” một gương mặt dự thi cho mỗi kỳ tổ chức với tâm thế bị động “có gì dùng nấy” như đã và đang làm, chuẩn bị một số “thí sinh tiềm năng” để thi thố cho HANIFF 2026 là việc cần phải làm ngay, khi HANIFF 2024 với dư âm nốt trầm lặng lẽ vừa khép lại.

Để chủ động chuẩn bị cho cả những LHPQT tầm khu vực và thế giới trong tương lai. Để slogan Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh mà HANIFF 2024 đưa ra là cái đích sẽ được hiện thực hóa, chứ không dừng ở một khẩu hiệu nói cho vui mồm.

Các giải thưởng chính của HANIFF lần thứ VII

Phim dài xuất sắc nhất: Hard Shell (Vỏ bọc) của Iran; Phim ngắn xuất sắc nhất: A Bird Flew (Khi chú chim cất cánh) của Colombia;

Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất: Majid-Reza Mostafavi - Hard Shell (Vỏ bọc) của Iran; Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất: Payman Maadi - Hard Shell (Vỏ bọc) của Iran; Diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất: Tiina Tauraite - 8 Views of Lake Biwa (Tám cảnh hồ Biwa) của Estonia;

Diễn viên trẻ triển vọng: Ngọc Xuân - Once Upon a Love story (Ngày xưa có một chuyện tình) của Việt Nam; Giải Mạng lưới các Ủy ban điện ảnh châu Á (AFCNet) cho phim dài - Liar (Kẻ nói dối) của Liên bang Nga.

Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất: Nasim Forough - Typesetter (Thợ xếp chữ) của Iran; Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim ngắn: The Rubber Tappers (Những người gỡ mủ cao su) của Campuchia.