Năm 2025

Triển vọng bùng nổ công nghiệp âm nhạc

Gameshow và concert - hai lĩnh vực vốn tưởng chừng tách biệt nhau bỗng kết hợp và tạo thành cú hích cho ngành tổ chức biểu diễn trong năm 2024. Dù ở hình thức nào, sự mạnh dạn đầu tư của nhà tổ chức, tài năng cộng khổ luyện của nghệ sĩ cùng với sự đồng hành của khán giả luôn làm nên những kỳ tích bất ngờ. Đó chính là sự khác biệt của công nghiệp văn hóa so với các ngành còn lại.
0:00 / 0:00
0:00
Những concert hoành tráng, mãn nhãn hoàn toàn “made in Vietnam” là điểm nhấn văn hóa của 2024. Nguồn ảnh trong bài | BTC
Những concert hoành tráng, mãn nhãn hoàn toàn “made in Vietnam” là điểm nhấn văn hóa của 2024. Nguồn ảnh trong bài | BTC

Quả ngọt đầu mùa

Ca sĩ Việt Nam làm concert (được hiểu như một liveshow quy mô SVĐ) trước đây được coi là sự kiện hy hữu. Trong hai thập niên gần đây, số ca sĩ làm được những buổi biểu diễn riêng thu hút 1-2 vạn khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mô hình concert tập thể, không phụ thuộc vào một cá nhân xuất chúng nào rộ lên trong năm 2024 và lập những thành tích chưa từng có. Cùng lúc diễn ra trong năm hai gameshow truyền hình là Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) và Anh trai say hi (ATSH) thu hút hơn 60 nam nghệ sĩ. Không tránh khỏi sự cạnh tranh, song cả hai chương trình đều được công chúng hưởng ứng nhiệt tình và khép lại bằng loạt concert hoành tráng ở cả hai đầu đất nước.

ATVNCG dường như là gameshow đầu tiên thể hiện sự kết nối mạnh mẽ nhiều thế hệ khán giả. Thực tế cho thấy những người săn lùng vé xem concert ATVNCG bao gồm nhiều độ tuổi, từ học sinh tới hưu trí. Sau thành công thu hút hơn 2 vạn khán giả tại TP Hồ Chí Minh, concert ATVNCG tại Hà Nội lại tiếp tục cháy vé sau 50 phút. Đơn vị phân phối vé cho biết, trong ít phút đầu mở bán, lượng truy cập kênh lên tới 126 nghìn người. Hàng người này mà tồn tại trong thực tế sẽ dài hơn 60 cây số (nếu mỗi người đứng cách nhau tầm 0,5m).

Thông tin từ nhà tổ chức ATSH cũng cho biết, lượng khán giả có nhu cầu dự concert 7/12/2024 tại Hà Nội lên tới 40 nghìn người, vượt quá sức chứa của SVĐ Mỹ Đình. Đáng lưu ý là các concert này bán giá vé cao không kém gì các buổi hòa nhạc trong khán phòng hoành tráng nhất, cao gấp đôi concert của Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn. Giá vé SEEN Festival 2023 diễn ra tại Hội An với sự tham gia của các sao châu Á hàng đầu kịch trần cũng chỉ tới 5,5 triệu đồng. Trong khi mức vé cao nhất của concert ATVNCG và ATSH lần lượt là 8 và 10 triệu đồng. Chưa kể ở thị trường chợ đen, giá vé này còn có thể bị nâng lên gấp 4-8 lần.

Qua đây có thể thấy nhu cầu được thưởng thức concert nội địa của khán giả lớn đến mức nào. Và khi kích hoạt được nhu cầu này, doanh thu đem lại không hề nhỏ. Tín hiệu này là điều vui mừng, vì công nghiệp văn hóa nước nhà bước đầu đã cho quả ngọt.

Chế biến công thức

Thật ra đường đến thành công- đo bằng concert bày cả ra đấy. Nếu không trải qua thời gian dài xây đắp danh tiếng như Mỹ Tâm thì phải có nguồn vốn lớn và chịu chi như Hà Anh Tuấn. Vấn đề là trước đây, ngoài cá nhân nghệ sĩ không ai dám mạnh dạn đầu tư vào mảng này.

Format của hai gameshow đình đám kể trên đều đúc rút từ công thức làm nên thành công toàn cầu của làn sóng Hàn Quốc. Đó là quy trình tuyển chọn (khâu này được nâng cấp bằng cách mời luôn những người đã có tên tuổi), huấn luyện (bổ túc kỹ năng), tiếp thị (qua gameshow, talkshow…) và công diễn (concert).

Hiện nay Hàn Quốc đã đi đến bước tiếp theo, thay vì tuyển thực tập sinh trong nước, họ tiến hành thử giọng toàn cầu. Rồi hợp tác quốc tế với các công ty, các nhạc sĩ, nhà sản xuất ngoài biên giới để cho ra những sản phẩm đa văn hóa hứa hẹn tầm mức phủ sóng nhanh, mạnh hơn nữa. Chẳng hạn tháng 6 năm ngoái, nhóm Tempest đã chọn Việt Nam làm nơi khởi đầu tour diễn quốc tế đầu tiên. Không phải tình cờ, vì thành viên Hanbin trong nhóm là người Việt.

Triển vọng bùng nổ công nghiệp âm nhạc ảnh 1

Yếu tố văn hóa truyền thống được lồng ghép trong các tiết mục của gameshow và concert Anh trai vượt ngàn chông gai.

Có thể thấy người Trung Quốc đã kế thừa công thức Hàn Quốc, kết hợp gameshow với công nghệ tạo dựng thần tượng và đã thành công với hai format Sisters who make wavesCall me by fire. Công thức mới này cũng lập tức phát huy tác dụng tại Việt Nam qua hai phiên bản Việt hóa là Chị đẹp đạp gió và đặc biệt là ATVNCG. Bài học và thành quả đem lại có thể sẽ khiến giới tổ chức biểu diễn trong nước tới đây mạnh dạn đầu tư vào những dự án tương tự.

Chính các nghệ sĩ cũng có thêm động lực để sớm thực hiện những dự án lớn cho bản thân. Bởi nếu những ngôi sao đang có đủ hoặc dư lượng fan như Sơn Tùng MTP hay Soobin Hoàng Sơn không nhanh chóng làm concert hoặc lưu diễn thì chẳng mấy sẽ phải đối mặt với một mùa gameshow và concert của lực lượng hùng hậu các “tài trai”. Và “sóng sau đè sóng trước” là điều sẽ có thể đến nhanh hơn dự kiến. Chẳng hạn ngay sau khi đoạt danh hiệu quán quân ATSH, HIEUTHUHAI nghe nói đã có mặt cùng Mỹ Tâm, Sơn Tùng MTP, Đen Vâu… trong nhóm 5 ca sĩ có mức cát-xê cao nhất.

Concert của hai show “Anh trai” có thể coi như chương trình riêng của một nhóm nhạc gồm hàng chục thành viên và trở thành bước đà thuận lợi để từng nghệ sĩ tham gia được nhận diện, từ đó phát triển sự nghiệp riêng về sau.

Tất nhiên cũng có những may rủi tùy định dạng. Chẳng hạn ATSH để khác biệt format với ATVNCG đã không chiêu mộ nam nghệ sĩ ngoài 30 (là độ tuổi nói chung đã ổn định sự nghiệp và tính cách) mà chuyển sang lăng-xê lứa nghệ sĩ trẻ.

Nổi tiếng nhanh khi không đi đôi với bản lĩnh, không trải qua quá trình trau dồi nghề nghiệp cũng dễ dẫn đến những hệ lụy. Chẳng hạn scandal quấy rối trên mạng của Negav vỡ lở trước thềm concert ATSH, trước đó là lùm xùm phát ngôn không đúng mực của người trong ê-kíp trên mạng xã hội, hay MV được xem là thảm họa của “anh trai” Phú Quý… đều ít nhiều ảnh hưởng đến vị thế chương trình. Dù chưa gây thiệt hại về kinh tế nhưng đây cũng là những rủi ro cần lường trước. Vì đã tham gia công nghiệp văn hóa, các mắt xích đều phải chuyên nghiệp và đồng bộ mới có thể tiến xa.

Kích hoạt khán giả

Yếu tố quan trọng làm nên những thành tích ấn tượng, bên cạnh việc kiện toàn về công tác sản xuất và tổ chức biểu diễn còn bao gồm sự hưởng ứng tích cực từ khán giả. Thậm chí có dấu hiệu cho thấy một bộ phận người hâm mộ đã chuyển hướng từ các thần tượng nước ngoài về với quốc nội. Đêm nhạc Kpop hội tụ các thành viên Super Junior, Apink, Highlight… dự định tổ chức vào 16 và 17/11/2024 tại sân Mỹ Đình đã phải hủy bỏ vì lượng vé bán ra không đủ. Rất có thể cũng vì khán giả không còn nhu cầu “hướng ngoại” nhiều như xưa.

Việt Nam chính thức có tên trong bản đồ của các tour diễn quốc tế kể từ hai đêm diễn của BlackPink tại SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội tháng 7/2023 thu về 300 tỷ đồng, nhiều hơn cả các điểm dừng ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Khán giả Việt những năm gần đây sẵn sàng bay ra nước ngoài để “đu” concert thần tượng. Dòng chảy này phần nào đã quay về với sân khấu trong nước, khi khán giả cảm thấy nhu cầu của mình được đáp ứng và “chiều chuộng”. Không chỉ ra sân để hát theo, nhảy theo thần tượng, họ còn được tham dự nhiều hoạt động bên lề để kết nối với nghệ sĩ mà họ yêu quý. Nhóm người hâm mộ Soobin Hoàng Sơn sẵn lòng và cũng sẵn tiền mua quảng cáo tặng thần tượng nhân sinh nhật tại quảng trường Thời Đại New York, Mỹ.

Tất nhiên nếu không phải đi đâu xa để được thể hiện tình yêu với âm nhạc, với thần tượng sẽ là điều tốt cho tất cả các bên. Việt Nam khi đã trở thành điểm đến chẳng đặng đừng của sao quốc tế cũng đồng nghĩa sẽ là địa chỉ hút “nhạc khách” từ các nước láng giềng. Và khi đó các dịch vụ du lịch, lưu trú cũng được hưởng lây từ trái ngọt của công nghiệp giải trí.

Không ít khán giả tỏ ra thích thú đến lâng lâng khi được sống trong văn hóa hâm mộ (fandom) quốc tế ngay ở trong nước với những thần tượng chung tiếng mẹ đẻ. Khi lòng hâm mộ gắn với niềm tự hào dân tộc, rất có thể sẽ có đột phá trong tương lai không xa. Hy vọng năm 2025 sẽ là thời điểm chúng ta được chứng kiến những bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa của công nghiệp giải trí và văn hóa Việt.