|
Ông HỨA NGỌC THUẬN: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
PV: Thưa ông, là đại biểu Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh dự Ðại hội, ông quan tâm vấn đề gì nhất trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng?
Ông Hứa Ngọc Thuận: Ðại hội X của Ðảng là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Ðại hội sẽ bàn và đưa ra những quyết sách để đưa đất nước tiếp tục phát triển theo đường lối đổi mới của Ðảng. Là đại biểu của một địa phương tôi quan tâm nhiều vấn đề xây dựng bộ máy chính quyền các cấp hiện nay.
Trong thời kỳ đổi mới, là một trung tâm kinh tế, văn hóa ở phía nam, TP Hồ Chí Minh thu được nhiều thành tựu to lớn toàn diện. Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước ở thành phố còn có những bất cập.
Trước đòi hỏi bức xúc của đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, biện pháp tiến hành cải cách hành chính, trước hết nhằm xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, có năng lực, hiệu lực và hiệu quả. Có thể nói, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tích cực thực hiện cải cách hành chính, có một số mô hình thí điểm thành công, được nhân rộng.
Mấy năm nay, cả nước thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 đã thu được những kết quả bước đầu, tạo được sự đồng tình rộng rãi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Kết quả rõ nhất là đã cải tiến và từng bước hoàn chỉnh thủ tục, quy trình giải quyết các dịch vụ hành chính công, cải tiến thủ tục, quy trình trong quản lý quy hoạch đầu tư, nhà đất và xây dựng, thu - chi ngân sách; chuẩn hóa, mẫu hóa nhiều thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, hạn chế phiền hà cho tổ chức và công dân khi giải quyết công việc.
Mặc dù đã dồn công sức thực hiện cải cách hành chính nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, chưa thật sự trở thành khâu đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân sâu xa là bộ máy tổ chức còn cồng kềnh, thủ tục còn rườm rà, gây khó dễ cho dân, lại thêm những công chức lợi dụng kẽ hở của thủ tục để nhũng nhiễu, tiêu cực. Người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu ca, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu.
* Vậy, theo ông, cần có những giải pháp nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước?
- Cải cách hành chính thực chất là xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân thật sự trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả. Ðể nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, theo tôi, trước hết cần tạo được sự chuyển biến căn bản về chất lượng của bộ máy hành chính trên tất cả các mặt: Thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy và cán bộ. Ba mặt này cần được quan tâm đồng bộ. Thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính. Công khai hóa thủ tục hành chính cho dân biết, dân thực hiện và kiểm tra, đồng thời công khai việc xử lý những cơ quan, công chức tùy tiện đặt ra những quy định gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của chính quyền phục vụ nhân dân phải được nhân dân đánh giá. Cùng với cải cách thủ tục hành chính, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và tổ chức bộ máy. Công khai minh bạch từ khâu tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, kiểm tra, đánh giá công chức. Thanh lọc những công chức tiêu cực, tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước. Một giải pháp cơ bản và cấp bách nữa là cải cách tổ chức, bộ máy hành chính, định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan: Bộ máy gọn nhẹ, cơ chế làm việc năng động, phân cấp trên cơ sở khoa học, và tính hiệu quả nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu giao dịch của người dân. Khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, khi có vụ việc xảy ra khó quy trách nhiệm, thực chất là làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền. Không coi trọng đúng mức vai trò, không có biện pháp thực hiện tốt việc chỉnh đốn, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức và xây dựng bộ máy tổ chức thì sẽ hạn chế rất nhiều đến kết quả thực hiện chương trình cải cách hành chính.
* Xin cảm ơn ông.
Ông THÁI VĂN HẰNG: Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát
PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác kiểm tra của các cấp ủy tỉnh Nghệ An trong thời gian qua?
|
Ông Thái Văn Hằng: Công tác kiểm tra gắn một cách tất yếu với sự lãnh đạo của Ðảng. Ðó là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là trách nhiệm, phương pháp, quy trình lãnh đạo của Ðảng ta. Ðồng thời, kiểm tra là nhiệm vụ của toàn Ðảng, của mỗi tổ chức đảng và đảng viên.
Những năm qua, các cấp ủy đảng của Ðảng bộ tỉnh Nghệ An đã coi trọng và thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra; đã ban hành nghị quyết chuyên đề và các quy định để tăng cường công tác kiểm tra và kỷ luật trong Ðảng; lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiều cuộc kiểm tra. Ðồng thời, tăng cường cán bộ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tính chiến đấu của Ủy ban kiểm tra các cấp. Nhờ thế, công tác kiểm tra đã phát hiện, xử lý được các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, kết luận được những vấn đề do cán bộ, đảng viên, nhân dân tố cáo và các cơ quan thông tin đại chúng phát hiện; góp phần tích cực chống suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; góp phần chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội mà đại hội đảng các cấp đề ra.
* Theo ông, nội dung công tác kiểm tra của Ðảng cần quan tâm những vấn đề gì để phù hợp với tình hình mới?
- Mặt trái của kinh tế thị trường, hằng ngày, hằng giờ tác động đến cán bộ, đảng viên. Thực tiễn đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, suy thoái về đạo đức, lối sống. Ở một số tổ chức đảng, kỷ luật kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ mất đoàn kết, tính chiến đấu và chất lượng sinh hoạt giảm sút. Có nơi cán bộ, cấp ủy chưa tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, vẫn còn tệ quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân, xa rời quần chúng. Ðể thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, Ðảng phải tiếp tục tự đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân. Phải tăng cường công tác kiểm tra là một tất yếu khách quan. Ðể thực hiện nhiệm vụ này, theo tôi, cần quan tâm một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra và kỷ luật. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về công tác kiểm tra. Tiếp tục coi việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của ủy ban kiểm tra các cấp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, trách nhiệm và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí chủ chốt.
Hai là, bổ sung nhiệm vụ giám sát cho ủy ban kiểm tra các cấp. Phải xây dựng tổ chức bộ máy đủ số lượng, coi trọng chất lượng cán bộ kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở; tăng thêm quyền hạn cho ủy ban kiểm tra, nhất là ủy ban kiểm tra cơ sở.
Ba là, quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra vi phạm. Ðiều lệ Ðảng, pháp luật nhà nước. Ðồng thời, phát huy cao độ vai trò giám sát của các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của tổ chức đảng và cơ quan nhà nước.
* Xin cảm ơn ông.
|
Ông LÊ NGỌC NAM: Ðẩy mạnh phong trào vì an ninh Tổ quốc
* Thưa ông, Công an thành phố Ðà Nẵng đã thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội góp phần quan trọng thực hiện Chương trình "5 không" của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố nhiệm kỳ qua. Là đại biểu Ðảng bộ TP Ðà Nẵng, xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được?
Ông Lê Ngọc Nam: Chúng tôi đặc biệt quan tâm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát động rộng rãi phong trào quần chúng vì an ninh Tổ quốc; tham gia phòng, chống tội phạm ngay từ cơ sở; mặt khác, tổ chức nhiều đợt tiến công tội phạm, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị. Vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, tội phạm được kiềm chế, góp phần cùng thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thực hiện chương trình, mục tiêu "5 không" của thành phố (không có người mù chữ; không có người ăn xin lang thang; không có hộ đói; không có vụ án giết người cướp của; không có người nghiện ma túy), công an thành phố chủ trì và tham gia hai mục tiêu là: Không để xảy ra tội phạm giết người cướp của và không có người nghiện ma túy trong cộng đồng. Ðây là hai mục tiêu vô cùng khó khăn, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Nhất là tập trung tổ chức tốt công tác phòng ngừa tội phạm.
Thời gian qua, hai mục tiêu này đạt kết quả khá tốt. Từ năm 2000 đến 2005, chỉ có một vụ án giết người cướp của, công an thành phố điều tra làm rõ, xử lý đối tượng. Về phòng, chống ma túy, lực lượng công an phối hợp tổ chức các biện pháp phòng ngừa ngay tại cơ sở phường, xã; giáo dục, cảm hóa người sau cai nghiện, tuyên truyền tác hại của ma túy; phát hiện, lập hồ sơ đề nghị đưa vào trung tâm cai nghiện đối với số người tái nghiện hoặc số mới phát hiện. Mặt khác, chúng tôi tổ chức đấu tranh mạnh với các loại tội phạm về ma túy. Nhờ làm quyết liệt, nên tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố nhìn chung ít phức tạp, chưa phát hiện các vụ buôn bán lớn, không có các tụ điểm phức tạp về ma túy, về cơ bản thực hiện được mục tiêu không có người nghiện ma túy trong cộng đồng.
* Ðể tiếp tục xây dựng thành phố Ðà Nẵng xứng đáng là đô thị loại 1 và thực hiện Chương trình "3 có" theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố, ông có thể cho biết những biện pháp tiếp theo của công an thành phố là gì?
- Về tư tưởng chỉ đạo, chúng tôi tập trung đẩy mạnh các mặt công tác nhằm giữ vững ổn định chính trị và trật tự-an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình "5 không". Ðồng thời, tổ chức thực hiện chương trình "3 có" (có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị). Mục tiêu là bằng các biện pháp công tác góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành pháp luật, loại bỏ các thói quen xấu, bảo đảm tốt trật tự-an toàn giao thông, trật tự đô thị, chống các tệ nạn xã hội, như: cờ bạc, số đề, mại dâm, ma túy..., vận động nhân dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm. Gắn thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
* Tại Ðại hội X của Ðảng, ông có kiến nghị gì với Ðại hội về công tác bảo đảm an ninh-trật tự trong tình hình hiện nay?
- Với chức năng là cơ quan tham mưu cho Ðảng về công tác bảo đảm an ninh-trật tự, chúng tôi xin đề xuất với Ðại hội:
Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự-an toàn xã hội, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Huy động cho được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân dưới sự điều hành của chính quyền các cấp tham gia công tác này. Cần tổ chức thật tốt, thật hiệu quả việc nhân dân tham gia phát hiện những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên để có biện pháp giải quyết kịp thời. Ðề cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh. Ðề nghị các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo xây dựng lực lượng công an cách mạng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Xin cảm ơn ông.