Phong trào đồng khởi năm 1960

Sau khi Nghị quyết T.Ư 15 (khóa III) ra đời, hoạt động đấu tranh quân sự của các lực lượng vũ trang ở miền nam diễn ra sôi động. Qua các bức mật điện của Trung ương Ðảng và Bộ Chính trị, Xứ ủy Nam Bộ, các đảng bộ khu, tỉnh và các đảng bộ cơ sở kịp thời nắm bắt tinh thần của Nghị quyết T.Ư 15 với nội dung cốt lõi  được cán  bộ, đảng  viên và đông đảo quần chúng lĩnh hội là "Ðảng đã cho đánh rồi!". Nội dung "cốt yếu" ấy như một luồng sinh khí mới, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng và lực lượng vũ trang cách mạng miền nam.

Tháng 2-1959, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Khu 5, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng địa phương, nổi dậy chống địch dồn dân, phá các khu tập trung của địch, đòi trở về buôn làng cũ. Ngày 7-2-1959, đồng bào dân tộc Gia Rai nổi dậy phá khu tập trung Brâu, Ðồng Dầy (huyện Bác Ái, Bình Thuận); hai tháng sau, phá khu tập trung Tầm Ngân. Noi gương Bác Ái, đồng bào các dân tộc Xê Ðăng, Ê Ðê... ở Kon Tum, Chăm, Hrê..., ở Phú Yên liên tiếp nổi dậy, diệt ác ôn, bỏ làng cũ, vào rừng lập làng mới, sống bất hợp pháp với địch. Từ trong các cuộc nổi dậy này, xuất hiện nhiều hình thức tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng như tự vệ nhân dân, tự vệ mật, du kích thoát ly, trung đội vũ trang tập trung (Trung đội vũ trang 339 được thành lập gồm 43 chiến sĩ, trong đó 33 chiến sĩ là người dân tộc Co thuộc huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi).

Tại đồng bằng Nam Bộ, các đội vũ trang, sau một thời gian củng cố, xây dựng cơ sở vững chắc trong quần chúng, đã đẩy mạnh hoạt động diệt được nhiều tên ác ôn, đánh lui nhiều cuộc hành quân của địch, đặc biệt ở các căn cứ U Minh, Ðồng Tháp Mười.

Mùa thu năm 1959, cuộc khởi nghĩa Trà Bồng bùng nổ (ngày 28-8). Nơi đây, Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong những tháng năm trước đó, đã gây dựng được những căn cứ, cơ sở cách mạng vững chắc trong đồng bào các dân tộc Kinh, Co, Hrê, Cà Dong giàu lòng yêu nước, có truyền thống đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm. Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch, giữ quyền làm chủ nương rẫy ở các xã vùng cao, cài được cán bộ và quần chúng cách mạng vào hàng ngũ địch ở vùng thấp, lại có các đội cảm tử diệt ác, các đội tự vệ trông giữ thôn bản, do vậy, cuộc nổi dậy của quần chúng cách mạng nhanh chóng giành thắng lợi ở toàn bộ 16 xã của huyện Trà Bồng (ngày 31-8). Từ Trà Bồng, cuộc khởi nghĩa lan nhanh sang các huyện miền tây Quảng Ngãi như Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long, và cũng chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền cách mạng đã được  thành lập. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa, các đơn vị vũ trang, bán vũ trang xuất hiện ở Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long. Lực lượng vũ trang này, mà trước hết là các đơn vị vũ trang tập trung, là nòng cốt cho cuộc chiến đấu của quân và dân miền tây Quảng Ngãi chống trả các cuộc càn quét của Mỹ, ngụy.

Trong lúc nhân dân Trà Bồng nổi dậy, thì tại đồng bằng Trung Nam Bộ, các đội vũ trang tập trung, các đội vũ trang tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động, hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Nổi bật và gây tiếng vang lớn là trận đánh của Tiểu đoàn 502 (chủ lực Khu 8) tại Giồng Thị Ðam - Gò Quản Cung thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong (nay là Ðồng Tháp) vào ngày 26-9-1959. Trong trận này, lực lượng vũ trang ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn quân ngụy, bắt sống tại chỗ hơn 100 tên; súng đạn, chiến lợi phẩm thu được của địch đủ trang bị cho 23 đội vũ trang công tác của các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Mỹ An, tỉnh Kiến Phong và tỉnh Kiến Tường.

Chiến công của Tiểu đoàn 502 ở Giồng Thị Ðam - Gò Quản Cung đã cổ vũ nhân dân và các đội vũ trang từ vùng ven Ðồng Tháp Mười đến các tỉnh miền tây đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh các hoạt động diệt ác, trừ gian, xây dựng đoàn thể, cơ sở cách mạng. Ở Long An, Tiểu đoàn 506 phân tán lực lượng thành nhiều tiểu đội, vũ trang tuyên truyền tại tám xã thuộc huyện Ðức Hòa, các xã ven sông Vàm Cỏ Ðông, Thạnh Lợi, Bình Ðức và Thủ Thừa. Ở Rạch Giá, Tiểu đoàn U Minh đánh diệt chi khu quân sự Kiến An, huyện An Biên. Tại Cà Mau, lực lượng vũ trang tỉnh đánh phá đồn Vàm Cái Tàu, đồn sông Ðốc, diệt một trung đội địch ở Hòn Khoai, chặn đánh địch càn quét ở Năm Căn, Cái Nước...

Giữa tháng 11-1959, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập hội nghị lần thứ 4, bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 15. Căn cứ vào tình hình hiện tại, Xứ ủy xác định một số nhiệm vụ cơ bản, trước mắt của Ðảng bộ Nam Bộ, trong đó nhấn mạnh phương châm chính là: lấy đấu tranh chính trị rộng rãi, mạnh mẽ của quần chúng làm chính, có kết hợp đúng mức với hoạt động vũ trang và giữ thế công khai hợp pháp cho phong trào nói chung... Bản Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy vạch ra những công tác cụ thể nhằm quán triệt Nghị quyết Trung ương 15, trong đó đề cập việc đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, thiết thực hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng và Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ lần thứ 4, tháng 12-1959, Liên tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ triệu tập đại biểu các tỉnh Kiến Phong, Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, An Giang, tổ chức hội nghị tại Hồng Ngự (Kiến Phong) nhằm bàn định các biện pháp thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên giành những thắng lợi mới. Hội nghị Liên tỉnh ủy quyết định: phát động quần chúng khởi nghĩa ở xã, ấp, với phương châm: nổi dậy đều khắp, không để nổi cộm từng điểm, khiến địch có thể tập trung lực lượng đàn áp, ta không giữ được phong trào; phải đưa đông đảo quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh với địch và phải giữ cho được thế đấu tranh hợp pháp; hoạt động vũ trang phải khôn khéo, tránh nặng về đấu tranh vũ trang đơn thuần. Hội nghị Liên tỉnh ủy kết thúc, các đại biểu nhanh chóng trở về tỉnh, khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị khởi nghĩa theo chủ trương trên đây.

Ðầu năm 1960, tại Bàu Giá (Tây Ninh), Ban quân sự Liên tỉnh miền Ðông Nam Bộ họp bàn việc thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy đã đi đến quyết định tổ chức trận tiến công căn cứ Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân ngụy đặt tại Tua Hai nhằm gây tiếng vang, cổ vũ và thúc đẩy phong trào nổi dậy của đông đảo quần chúng.

Trong lúc ở miền Ðông Nam Bộ, lực lượng vũ trang ta đang chuẩn bị cho trận đánh Tua Hai, thì ngày 17-1-1960, cuộc khởi nghĩa Bến Tre bùng nổ, bắt đầu từ ba xã điểm: Ðịnh Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (huyện Mỏ Cày). Ðược các tổ hành động, các đơn vị tự vệ, các tiểu đội vũ trang lấy danh "Tiểu đoàn 502" hỗ trợ diệt ác, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, cuộc nổi dậy của nhân dân ở đây nhanh chóng giành thắng lợi. Các đội vũ trang số được trang bị  thêm vũ khí lấy được của địch, số thành lập mới, khẩn trương triển khai lực lượng, bảo vệ quần chúng đấu tranh với địch, chống địch càn quét, bắt bớ. Phong trào đồng khởi nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh Bến Tre. Chỉ trong một tuần (từ 17 đến 24-1-1960), nhân dân 47 xã thuộc các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nhất tề nổi dậy, giải phóng xã, ấp khỏi ách kìm kẹp của địch. Nhân dân và lực lượng vũ trang Bến Tre bắt 300 tên tề điệp, dân vệ, bức rút, bức hàng 37 đồn, thu 150 súng, nhiều đạn và lựu đạn. Với lực lượng hiện có và số súng đạn thu được, tỉnh Bến Tre đã thành lập được đại đội vũ trang đầu tiên mang phiên hiệu 264.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Bến Tre giành thắng lợi là một điển hình về khởi nghĩa ở đồng bằng, của phương thức nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, có lực lượng vũ trang vừa hỗ trợ.

Cùng với Bến Tre, nhân dân và lực lượng vũ trang ở miền Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ đã vùng lên mạnh mẽ, giành được những thắng lợi to lớn. Từ trong các cuộc nổi dậy của quần chúng, các đại đội vũ trang tập trung lớp mới thành lập, lớp được trang bị mạnh, hỗ trợ ngày càng tích cực hơn cho cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng.

Trong khi địch đang phải lo đối phó cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân ta trên khắp miền nam, thì đêm 25 rạng ngày 26-1-1960, dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến (Tám Kiến Quốc), ba đại đội bộ binh và một đại đội đặc công thuộc Ban quân sự miền Ðông Nam Bộ, cùng bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh, dân quân, du kích, nổ súng tiến công căn cứ Tua Hai trên bốn hướng. Quân ta nhanh chóng làm chủ căn cứ Tua Hai. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hai tiểu đoàn địch, thu 500 súng các loại. Chiến thắng Tua Hai có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn. Ðây là trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang miền nam, đánh dấu bước phát triển về trình độ tổ chức, chỉ huy và khả năng tác chiến của bộ đội ta; là đòn đột phá mở đầu cho phong trào đồng khởi ở miền Ðông Nam Bộ. Ðối với địch, đây là đòn đánh khiến chúng hoang mang, lo sợ, nhất là những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.

Sau chiến thắng Tua Hai, nhân dân ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu..., tỉnh Tây Ninh, đã kết hợp đấu tranh chính trị, với đấu tranh vũ trang và binh vận bức rút 30 đồn bốt địch, giải phóng hoàn toàn 24 xã, làm tan rã từ 70 đến 80% tề điệp ở cơ sở. Tỉnh Tây Ninh thành lập Tiểu đoàn 14, các huyện thành lập được đại đội và ở các xã thành lập được các đội du kích thoát ly.

Từ Tây Ninh, phong trào lan nhanh sang các tỉnh miền Ðông Nam Bộ như Long An, Thủ Dầu Một, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Gia Ðịnh... Tại các địa phương này, phong trào nổi dậy của quần chúng diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ.

Ở Nam Trung Bộ, lực lượng vũ trang Bình Thuận đã mở đầu cho bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng ở Bình Thuận bằng trận thắng lớn, tiêu diệt chi khu quân sự Hoài Ðức, phá khu tập trung Bắc Ruộng, ngày 31-7-1960. Ðòn tiến công của lực lượng vũ trang có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy phong trào nổi dậy của quần chúng phá các khu tập trung, trở về làng cũ ở cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Khu 5. Tại Quảng Trị, lực lượng vũ trang ta tiến công địch ở Tuồi Muồi (7-1960) và một số nơi khác, thúc đẩy phong trào nổi dậy của quần chúng cách mạng ở nam Ðường 9, tây Thừa Thiên. Trên khắp miền nam, phong trào đồng khởi lan tỏa nhanh chóng và có sức lôi cuốn to lớn. Ở đâu có quần chúng cách mạng nổi dậy, thì ở đó các tổ chức đảng có điều kiện phục hồi, phát triển, lực lượng vũ trang cách mạng qua đó có bước phát triển nhanh chóng, khá mạnh mẽ. Ðòn tiến công quân sự của các lực lượng vũ trang chẳng những hỗ trợ đắc lực cho đòn tiến công chính trị, mà còn tự khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nó trong phong trào đồng khởi năm 1960 ở miền nam. Nhưng quan trọng hơn, phong trào đồng khởi đã đập tan một mảng lớn chính quyền cơ sở ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Tại đây, chính quyền cách mạng được thiết lập, căn cứ kháng chiến được mở rộng và củng cố. Ðó là những nhân tố, những điều kiện mà dựa vào đó, lực lượng vũ trang của cách mạng miền nam có thêm những thuận lợi rất cơ bản để phát triển, để đẩy mạnh tiến công. Thật vậy, từ trong phong trào đồng khởi, đã xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang cách mạng: các đội tự vệ và du kích ở xã, các đội vũ trang ở tỉnh và huyện, các đơn vị bộ đội tập trung ở các khu. Sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh cách mạng, sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng vũ trang ở miền nam là cơ sở quan trọng cho việc ra đời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (ngày 20-12-1960), vừa làm chức năng tập hợp lực lượng, vừa làm chức năng của chính quyền cách mạng. Cùng với việc ra mắt các Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh, huyện, xã, Ban Chỉ huy quân sự các cấp khu, tỉnh, huyện cũng được thành lập, giúp cấp ủy đảng chỉ đạo và chỉ huy các đơn vị vũ trang, động viên thanh niên tòng quân, tiếp nhận sự giúp đỡ vật chất của nhân dân cho các lực lượng vũ trang.

THÁNG 1-1961, theo chủ trương của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Tổng Quân ủy, lực lượng vũ trang cách mạng miền nam mang tên "Quân giải phóng miền nam" - bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Ðảng ta trực tiếp lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện. Tiếp đó, ngày 15-2-1961, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam ra tuyên bố thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng ở miền nam với tên gọi "Lực lượng vũ trang giải phóng miền nam Việt Nam". Lực lượng này ngày càng phát triển, ngày càng lớn mạnh, thật sự là nòng cốt cho việc phát động cuộc chiến tranh nhân dân đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền nam.