Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, nhất là phiên chất vấn các bộ, ngành về những vấn đề nóng hổi, thời sự được cử tri đặc biệt quan tâm.
Đề cập đến một số chính sách ban hành đang gây khó khăn trong quá trình thực hiện, cử tri xã Thụy Trình nêu ý kiến: Về chính sách đối với người có công, hiện nay Nhà nước cho phép di dời mộ liệt sĩ từ nơi khác về quê hương, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí (hơn 5 triệu đồng) để xây mộ. Trong quá trình thực hiện, trên địa bàn xã có 3 trường hợp không thể giải ngân được số tiền này, bởi vướng quy định, đó là tất cả nguyên vật liệu xây vỏ mộ như xi-măng, gạch, cát… phải có hóa đơn đỏ.
Trả lời ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị huyện Thái Thụy chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nắm ngay tình hình, xem vướng ở khâu nào. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý, tháo gỡ ngay cho nhân dân.
Liên quan đến hoạt động nuôi ngao trái phép, việc khai thác cát bừa bãi, tranh chấp với các hộ nuôi ngao, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn các xã ven biển, thậm chí xuất hiện tình trạng gửi đơn thư vượt cấp, cử tri Vũ Thị Xuân, xã Thụy Trường tha thiết đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nắm bắt và có phản hồi với tỉnh, bởi xã đã kiến nghị với tỉnh, huyện nhiều lần, nhưng đến nay chưa có biện pháp xử lý thấu đáo.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Quan điểm chung là nhà nước tạo điều kiện tối đa cho nhân dân để sản xuất, kinh doanh, nhưng phải làm theo quy định của pháp luật. Nếu làm trái phải cương quyết xử lý, ngoài ra những bà con làm ăn hợp pháp trên biển cần được bảo vệ.
Cử tri 8 xã thuộc huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tham dự buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri các xã An Tân, Thụy Quỳnh phản ánh về việc sáp nhập xã thời gian qua đang gây ra những khó khăn cho người dân trong đi lại, giải quyết công việc vì địa bàn trải dài; mặt khác cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập cũng gây lãng phí lớn cho Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Từ năm 2019 đến 2021, cả nước đã sáp nhập được 21 huyện, thông qua đó giảm được 8 huyện; sáp nhập được hơn 1.000 xã ở 45 tỉnh, thành phố và giảm được 621 xã. Việc sáp nhập đã tiết kiệm được chi phí trong hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức khoảng hơn 2.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế, xã hội. Về những tồn tại sau sáp nhập, Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó giao trách nhiệm cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương. Theo đó, từ năm 2023 đến 2030 sẽ tiếp tục tổ chức sắp xếp ở các tỉnh, thành phố còn lại.
Nhiều ý kiến khác của cử tri liên quan đến thẩm quyền giải quyết của tỉnh, huyện, thay mặt Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và sẽ chuyển nội dung để địa phương nắm bắt, xử lý.