“Mất tích” khỏi chốn phim trường ba năm, Lưu Trọng Ninh trở lại với liên tiếp các dự án phim đình đám. Ngay sau khi ra mắt “Hoa cỏ may” phần 3 chưa lâu, anh đã nhanh chóng giới thiệu bộ phim “Thương nhớ ở ai” được làm lại từ bộ phim từng gây tiếng vang “Bến không chồng” – chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng, với sự trợ giúp của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh.
Chia sẻ về cơ duyên dẫn đến bộ phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, ban đầu anh không có ý định làm lại một bộ phim điện ảnh như vậy, nhưng được đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) gợi ý, anh đã viết một lèo kịch bản của năm tập phim. Khi đọc kịch bản, đạo diễn Đỗ Thanh Hải gọi lại cho đạo diễn Lưu Trọng Ninh, và nói rằng kịch bản này đã thoát hoàn toàn khỏi bộ phim điện ảnh. Vậy là bộ phim được lên kế hoạch sản xuất.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói: “Làm phim với VFC, tôi phải làm những dự án thật to tát, cho đáng”. Chính vì thế, “Thương nhớ ở ai” là tập hợp của rất nhiều những kỹ lưỡng, chau chuốt từ câu chuyện, diễn viên, trang phục, nhạc phim cho đến hình ảnh, đến mức chỉ cần xem trailer là đủ thấy được bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng và cầu kỳ đến thế nào.
Để tạo dựng khung cảnh một ngôi làng ở vùng nông thôn Bắc Bộ thời kỳ sau chiến tranh thật điển hình, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã đi quay cảnh ở 18 ngôi làng khác nhau, sử dụng kỹ xảo để tạo ra một ngôi làng đẹp tuyệt với đầm sen, ruộng lúa thẳng cánh cò bay, con đường triền đê, những ngôi đình, ngôi nhà cổ, cầu ngói, ao làng, thủy đình, thậm chí cả những ngọn núi đá vôi được phủ xanh cây và xám thời gian… Tất cả đều được xử lý bằng công nghệ một cách tinh vi và khá nhuyễn, như lời đạo diễn: “Tôi dâng cho khán giả một ngôi làng tuyệt đẹp đã mất, một ngôi làng không thể tìm thấy được ở đâu trên khắp đất nước này”. Phần hình ảnh của phim do Giám đốc hình ảnh, NSƯT Hoàng Tích Thiện đảm nhiệm, chính anh cũng phải thừa nhận đây là bộ phim truyền hình cầu kỳ nhất trong số các phim anh từng làm, với đầu tư chi phí và thời gian nhiều gấp 3-4 lần phim khác. Và “Thương nhớ ở ai” thực sự đã trở thành một trong những bộ phim truyền hình Việt đậm chất điện ảnh nhất từ trước đến nay.
Với khoảng 2.000 cảnh quay, ê kíp xử lý kỹ thuật đã phải làm việc liên tục trong hai năm mới hoàn thành, nhưng điều đáng kinh ngạc là ở đây họ làm việc với một mức thù lao vỏn vẹn 250 triệu cho 40 người trong hai năm.
Dàn diễn viên của phim, ngoài Thiện Tùng và Lâm Vissay là hai gương mặt đã khá quen thuộc với khán giả, thì phần lớn những diễn viên còn lại đều là tay ngang, thậm chí có người còn chưa bao giờ đóng phim, như Trà My, Ngọc Anh, Hồng Kim Hạnh, Jimmy Khánh... Đạo diễn chia sẻ: “Tôi chọn diễn viên dựa trên cảm tính của mình, nhiều khi chỉ là hết sức tình cờ. Thí dụ như Trà My vai Hạnh, cô ấy tình cờ gọi cho tôi khi tôi mới ở trong nam ra, và đang rất không ưng ý với những phần đã quay được của bộ phim này. Tôi chợt nảy ra ý định mời cô ấy thử vai, và kết quả là tôi đã đảo lộn toàn bộ dàn diễn viên của phim để lựa chọn được nhân vật ưng ý”.
Phan Hương hát ca trù trong phim.
Âm nhạc cũng là điểm nhấn đáng nhớ trong “Thương nhớ ở ai”. Quan họ, ca trù, chèo…, những bộ môn nghệ thuật truyền thống trải dưới không gian đặc trưng của vùng đồng quê Bắc Bộ đã đem lại rất nhiều cảm xúc cho bộ phim. Phim không thuê các ca nương chuyên nghiệp lồng tiếng, mà tự diễn viên phải hoàn toàn thể hiện. Phan Hương, người vừa nổi đình đám trong “Người phán xử”, vào vai một cô ca nương bị ruộng rẫy trong phim này, đã bỏ ra ba tháng theo học NSƯT Bạch Vân để học cách hát cho đúng, gõ phách cho chuẩn một làn điệu ca trù. Ca khúc của phim và toàn bộ phần nhạc phim do nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng đảm nhiệm, đã tạo ra cho bộ phim một hiệu ứng thật đặc biệt mà không hề liên quan đến kỹ xảo hình ảnh.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói: “Nếu như “Bến không chồng” chỉ gói gọn trong thế giới của những người đàn bà không có chồng, thì “Thương nhớ ở ai” là một thế giới cho tất cả mọi người, không chỉ riêng ai”. Lên sóng vào 14 giờ 20 các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, “Thương nhớ ở ai” hứa hẹn sẽ xứng đáng với sự chờ đợi của khán giả.