Nhận định về thị trường nội địa nước ta, Phó Viện trưởng Khoa học Tài chính (Bộ Tài chính) Lê Hải Mơ cho rằng, dung lượng thị trường Việt Nam là lớn, nếu khai thác tốt thị trường này thì đây chính là giải pháp hiệu quả để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Từng bước mở rộng thị trường nội địa sẽ làm cho hàng hóa đến với người tiêu dùng một cách gần nhất, nhanh nhất.
Ðể người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì việc phát triển và mở rộng thị trường nội địa là cần thiết. Cùng chung quan điểm này, theo Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú, thị trường nội địa Việt Nam rất tiềm năng với 86 triệu dân, doanh số hằng năm 50 tỷ USD/năm, dân số trẻ độ tuổi 18-30 tuổi chiếm tới 60%, tốc độ lưu chuyển hàng hóa tăng bình quân 20%/năm (trừ năm 2007 và năm 2008 tăng 10%/năm)...
Tuy nhiên, Chủ tịch Vũ Vinh Phú cho rằng, những năm qua, thị trường này còn bộc lộ nhiều bất cập cần khắc phục. Thứ nhất là thị trường không ổn định do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, tình hình thiên tai, dịch bệnh, lạm phát, khủng hoảng tài chính thế giới... đều tác động trực tiếp đến thị trường nội địa. Về chủ quan, năng suất lao động, nhất là trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp còn thấp, khiến giá thành sản phẩm thường cao. Tình hình thiên tai, dịch bệnh chưa được khống chế thành công, làm ảnh hưởng tới đầu vào sản xuất. Hệ thống phân phối chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, quản lý nhà nước chưa hiệu quả. Chẳng hạn theo Luật Cạnh tranh, hàng hóa của một doanh nghiệp chiếm từ 30% thị phần trở lên thì giá hàng hóa phải được Nhà nước quản lý, nhưng có doanh nghiệp kinh doanh dầu ăn chiếm tới 30% thị phần nhưng giá cả không ai quản lý, kiểm soát. Thứ hai, thị trường nội địa còn manh mún, chắp vá với rất nhiều tầng nấc trung gian, chưa tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến lưu thông. Ðiều này khiến chất lượng, giá cả hàng hóa trên thị trường khó có thể quản lý chặt chẽ. Thứ ba, vai trò của hệ thống thương mại nhà nước chưa rõ nét. Hiện các tổng công ty thương mại nhà nước chỉ chiếm khoảng 4%-5% thị phần, còn lại 95% là thị trường tự do. Vì vậy, không có lực lượng hàng hóa đủ mạnh để kiểm soát thị trường khi xảy ra sốt giá, sốt hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại do tiềm lực tài chính hạn chế nên chủ yếu kinh doanh không có dự trữ, mua đến đâu bán đến đó. Thứ tư, hoạt động của các hiệp hội liên quan thị trường nội địa chưa phát huy hiệu quả mà nguyên nhân chính là do những quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội còn lỏng lẻo...
Những bất cập nêu trên nếu được khắc phục triệt để sẽ thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường nội địa. Theo Chủ tịch Vũ Vinh Phúc, trước hết, cần cơ cấu lại nền kinh tế để ổn định thị trường nội địa như đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu; đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, từ đó giảm giá thành sản phẩm; xây dựng hạ tầng giao thông tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ giá thành sản xuất các mặt hàng, nhất là những mặt hàng còn độc quyền như xăng dầu, điện, nước..., công khai, xử lý nghiêm những hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, chống buôn lậu gian lận thương mại. Quy hoạch xây dựng hệ thống phân phối nội địa một cách khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường thông qua việc xây dựng, hoàn thiện các luật, hạn chế những kẽ hở cũng như tổ chức triển khai luật nghiêm túc; đổi mới tư duy quản lý, nâng cao năng lực và củng cố đội ngũ cán bộ quản lý thị trường. Tập trung xây dựng một số doanh nghiệp thương mại nhà nước lớn, đủ sức kiểm soát thị trường khi có biến động về giá cả, nguồn hàng. Nâng cao vai trò của các hiệp hội như Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách ban hành luật về hội...
Rõ ràng thị trường nội địa Việt Nam lớn và đầy tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tốt và chiếm lĩnh thị trường này không? Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu, bỏ quên thị trường nội địa. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, việc các doanh nghiệp Việt Nam quay trở lại phát triển thị trường nội địa là cần thiết và không hề muộn. Với lợi thế am hiểu văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, doanh nghiệp trong nước có nhiều lợi thế để khai thác thị trường này. Ðối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì những kinh nghiệm cọ xát cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng sẽ giúp các doanh nghiệp quay trở lại xâm nhập thành công thị trường nội địa. Mặc dù vậy, quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp phải tạo ra hàng hóa có chất lượng cao với hình thức, mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường tiếp thị, quảng cáo, mở rộng hệ thống phân phối, mạng lưới bán lẻ để người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng hàng hóa trong nước sản xuất với chi phí thấp nhất, qua đó tăng sức mua của thị trường, thúc đẩy người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.