Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng trọng tâm, trọng điểm

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Quảng Ngãi đã đạt những kết quả bước đầu, song qua nhiều năm triển khai bộc lộ nhiều “điểm nghẽn”cần sớm nhanh chóng tháo gỡ, nhằm tạo chuyển biến mới đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Một gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi.
Một gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 191 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao. Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều thay đổi về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất; thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái nhưng nay được mở rộng, đưa vào đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Nhờ đó, các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi bước đầu được người tiêu dùng đón nhận, doanh số bán hàng tăng lên khoảng 20%, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tăng đến 40%.

Nhận diện “ điểm nghẽn”

Theo đồng chí Hồ Trọng Phương, mặc dù chương trình OCOP đã thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh, nhưng việc xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm khơi thông. Phân tích “điểm nghẽn” lớn nhất, ông Hồ Trọng Phương cho rằng, hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức, bộ máy thực hiện chương trình OCOP còn nhiều bất cập; vai trò của chính quyền cấp xã chưa thể hiện rõ ràng.

Cụ thể, chưa đánh giá về tình hình sử dụng nguyên liệu thực tế của chủ thể tại địa phương, nguyên liệu mang tính thời vụ, không ổn định. Chủ thể tham gia chương trình OCOP chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cho nên giải quyết được ít công ăn việc làm lao động tại địa phương. Sản phẩm chưa xuất phát từ ý tưởng mà chủ yếu tập trung vào các sản phẩm sẵn có tại địa phương; chưa đánh giá được tiềm năng, lợi thế, bản sắc về giá trị về văn hóa, lịch sử tại địa phương cho nên sản phẩm đơn điệu.

Một số địa phương cấp huyện cơ cấu ủy viên Hội đồng OCOP không có đại diện sở, ngành quản lý sản phẩm mà chỉ tham gia hội đồng với vai trò là khách mời. Điều này, không đúng với quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì vậy, sản phẩm sau khi đánh giá, phân hạng phải bổ sung các chỉ tiêu kiểm nghiệm, sửa đổi hồ sơ nhiều lần gây tốn kém tài chính và thời gian cho chủ thể tham gia chương trình OCOP.

Đối với chủ thể chương trình OCOP, thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia nhưng quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường; việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm; một số chủ thể còn thiếu vốn đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến dẫn đến khả năng cạnh tranh sản phẩm OCOP trên thị trường yếu; nhiều chủ thể chưa mạnh dạn bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và trên các nền tảng ứng dụng khác.

Trong khi đó, dù các cấp, các ngành có nhiều chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nhưng chủ thể không tham gia, cho nên sản phẩm sau khi công nhận OCOP chưa được thị trường biết đến.

Riêng việc xây dựng sản phẩm tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm trùng lặp trên cùng một địa phương. Đơn cử, thành phố Quảng Ngãi có đến ba sản phẩm cá bống, ba sản phẩm đường phèn, đường phổi; huyện đảo Lý Sơn có hai sản phẩm tỏi trắng, tỏi đen; huyện miền núi Trà Bồng có ba sản phẩm nhang quế. Ngoài ra, sản phẩm tươi sống chưa qua chế biến, sản phẩm mùa vụ, không đủ khả năng cung ứng trên thị trường như củ sắn, dưa lưới, ớt, bưởi da xanh, ổi song được rất nhiều địa phương công nhận OCOP dù tính bền vững không cao...

Sản phẩm OCOP mang giá trị văn hóa

Để từng bước tháo gỡ những hạn chế nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ nhằm tạo những chuyển biến mới, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả với chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Theo ông Hồ Trọng Phương, trước mắt cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chương trình OCOP, xem chương trình là chìa khóa giúp khơi dậy tiềm năng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từ đó góp phần tôn vinh các giá trị đích thực tốt đẹp của chương trình OCOP tới người dân; phổ biến về cách làm hay, sáng tạo trong phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với gìn giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa địa phương.

Song song đó, tổ chức đào tạo, tập huấn các nội dung của chương trình OCOP cho cán bộ các cấp, chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh; chú trọng hướng dẫn triển khai lập phương án sản xuất, kinh doanh, tập huấn bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; công tác quản lý chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị.

Hướng dẫn các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình OCOP đến các xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất để đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm đã tham gia đánh giá, xếp hạng nhưng chưa đạt tiêu chuẩn OCOP (từ 1 sao đến 2 sao) để phát triển, nâng cấp sản phẩm tham gia đánh giá các lần tiếp theo.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó tập trung đánh giá chuỗi giá trị của các sản phẩm để có các biện pháp hỗ trợ theo chuỗi, khâu sản xuất. Ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, có lợi thế của từng địa phương, bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng.

Kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển các sản phẩm văn hóa du lịch gắn với làng nghề truyền thống nông thôn, du lịch sinh thái đối với các địa phương có tiềm năng du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập mới các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cấp huyện bảo đảm thành phần theo đúng quy định.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại địa phương bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích, số lượng gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm OCOP. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các siêu thị, trung tâm thương mại, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

“Các huyện, thị xã, thành phố khi đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP phải bảo đảm đúng bản chất, giá trị văn hóa là “trục sản phẩm địa phương làng/xã”, tập trung khai thác các bản sắc, lợi thế đặc trưng của các sản phẩm để tạo sự khác biệt với các sản phẩm có tính phổ biến của nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia và nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh”, ông Hồ Trọng Phương kiến nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho rằng, vấn đề cấp thiết đặt ra là các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận; tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận các sản phẩm do chủ thể không sản xuất hoặc sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn, không có tiềm năng phát triển.

Đối với sản phẩm OCOP, cần tập trung nâng cao chất lượng, rà soát các sản phẩm được thị trường đón nhận để tiếp tục đầu tư, hỗ trợ phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm.