Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn

Phát triển nuôi cấy ngọc trai thành ngành công nghiệp

Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.200 km, cùng hơn 3.000 hòn đảo, 3.100 con sông, và 2.511 hồ chứa lớn nhỏ, với tổng diện tích mặt nước hàng trăm nghìn héc-ta, trong đó có nhiều diện tích mặt nước rất phù hợp để phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai phát triển thành một ngành công nghiệp nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng.

Công nhân thực hiện việc cấy ngọc trai tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: NGUYỄN HOA
Công nhân thực hiện việc cấy ngọc trai tại Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: NGUYỄN HOA

Tiềm năng dồi dào

Đánh giá về tiềm năng, hiện trạng và những khó khăn cần giải quyết để phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Mạnh Thắng, người có nhiều năm làm việc tại Công ty cổ phần ngọc trai Việt Nam cho biết: Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển nghề nuôi cấy ngọc trai thành một ngành công nghiệp, mang lại nguồn lợi rất lớn.

Ông Thắng cho biết: Theo một số tài liệu khoa học đã công bố, hiện ở vùng biển nước ta có phân bố 13 loài trai thuộc ba giống, trong đó có bốn loài cho giá trị kinh tế cao, có thể nuôi cấy ngọc. Trên các sông, hồ nước ngọt khu vực Bắc Bộ có 39 loài, thuộc 19 giống, trong đó có ba loài trai nuôi cấy ngọc. Ngoài ra, còn tám loài trai sông thuộc giống vỏ dày từ 1 đến 2 cm có thể lấy làm nhân ngọc, được phân bố ở hầu hết các sông ít phù sa tại đồng bằng, trung du miền núi Bắc Bộ.

Cùng với lợi thế bờ biển dài, sông rộng, Việt Nam lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ ấm áp quanh năm. Trai nuôi sinh trưởng đều các mùa vụ, tốc độ tạo ngọc nhanh, có thể cấy ngọc quanh năm. Theo tính toán sơ bộ, nuôi cấy trai lấy ngọc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ cần sử dụng 1m2 diện tích mặt nước để nuôi cấy trai lấy ngọc có thể cho doanh thu gấp 16 đến 20 lần nuôi cá, hay nuôi các động vật thân mềm khác. Ngoài ra, vỏ, thịt trai và thịt cơ khép vỏ trai còn được dùng làm nguyên liệu sản xuất cho nhiều ngành nghề.

Nhiều vướng mắc

Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu về nuôi trai lấy ngọc đã được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương, như đề tài cấp Nhà nước "Sản xuất con giống, nuôi cấy ngọc trai và bào ngư thương phẩm" năm 1991-1995, hay đề tài cấp tỉnh "Thử nghiệm nuôi cấy ngọc trai lần hai loài Pinctada martensii Dunker ở vịnh Hạ Long, Quảng Ninh" năm 2011-2015; hoặc đề tài cấp cơ sở "Nghiên cứu quy trình và dây chuyền công nghệ sau thu hoạch ngọc trai" năm 1999-2006…

Trai lấy ngọc chưa được coi như một đối tượng nuôi chủ lực cho nên chưa quy hoạch, hoặc quy hoạch vùng nước không phù hợp để nuôi trai, hoặc chỉ quy hoạch diện tích mặt nước đang nuôi các loài cá hay động vật thân mềm khác mà không mở rộng ra những vùng nước mặn, ngọt phù hợp với trai nuôi. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư xin phép sử dụng mặt nước để nuôi cấy ngọc gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, hoặc không giải quyết được vì không có quy hoạch. Để nuôi trai lấy ngọc, trai sau khi cấy phải nuôi 12 tháng mới cho thu hoạch. Chưa kể muốn ngọc trai có kích thước chuẩn, cạnh tranh được trên thị trường, cần phải kéo dài thời gian nuôi lấy ngọc từ 24 đến 48 tháng, đòi hỏi diện tích mặt nước sử dụng phải tăng hai đến bốn lần. Tuy nhiên, theo Điều 12, Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 8-3-2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản, thì hạn mức diện tích và thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản được quy định như sau: “Diện tích mặt nước biển được giao để nuôi trồng thủy sản không quá một (01) ha. Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển ba (3) hải lý trở vào bờ hoặc không quá một trăm (100) ha trong vùng biển cách bờ từ ba (3) hải lý trở ra. Thời hạn giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản không quá hai mươi (20) năm, được tính từ ngày ghi trong quyết định giao, cho thuê mặt nước biển”. Như vậy quy định này không phù hợp để các doanh nghiệp nuôi cấy ngọc có quy mô công nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Vì vậy, đến nay nghề nuôi cấy ngọc trai vẫn chưa phát triển, nhiều công ty nuôi cấy ngọc trai trong nước phải ngừng sản xuất, hoặc chuyển đổi sang nuôi cấy thu hoạch tái xuất sang các nước khác, hay chuyển đổi sang kinh doanh hàng trang sức ngọc trai! Số doanh nghiệp nuôi cấy ngọc trai chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh…

Tạo cú huých cho ngọc trai Việt

Theo kỹ sư Nguyễn Mạnh Thắng, để nghề nuôi cấy ngọc trai trở thành một ngành công nghiệp, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, nhất là thêm cơ hội mới cho nhiều ngư dân các địa phương ven biển, hải đảo, trước hết ngành nông nghiệp cần bổ sung trai vào những đối tượng chủ lực nuôi hiện nay, và xác định chủ trương coi nuôi cấy ngọc trai là một định hướng kinh tế, từ đó có kế hoạch xây dựng quy hoạch, xác định lại nguồn lợi vùng tài nguyên ven bờ, cũng như các eo vịnh, hải đảo và sông hồ, mặt nước mặn, nước ngọt còn hoang hóa, nhất là mặt nước vùng vịnh, vùng biển có nhiều đảo, các hồ chứa nước tự nhiên, nhân tạo và các sông ít phù sa.

Hai là, để ngọc trai Việt Nam có thương hiệu quốc gia, phát triển bền vững và xứng với tiềm năng, cần tạo ra mô hình liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nuôi cấy ngọc với ngư dân, nhà khoa học, ngân hàng thương mại. Trong đó, một số doanh nghiệp có năng lực làm nòng cốt nghiên cứu sinh sản nhân tạo, nuôi cấy ngọc từ những loài trai có giá trị kinh tế cao; cung cấp các dịch vụ đầu vào chủ yếu trai nguyên liệu, nhân cấy ngọc và vật liệu chuyên dùng chất lượng cao; chuyển giao công nghệ nuôi cấy ngọc trai cho ngư dân, nông dân; bao tiêu sản phẩm, hoặc chế tác thành ngọc thương phẩm cho ngư dân.

Ba là, xử lý vấn nạn ngọc trai giả, hàng trang sức giả ngọc trôi nổi, quảng cáo tiếp thị thiếu trung thực. Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam vừa mới thành lập cùng các cơ quan hữu quan cần tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân quản lý giá cả đầu vào, đầu ra các sản phẩm; chất lượng con giống, nhân ngọc, chất lượng nuôi cấy ngọc, ngọc thương phẩm, cũng như chất lượng hàng trang sức quảng cáo tiếp thị, tìm kiếm thị trường khẳng định thương hiệu cho ngọc trai Việt Nam.