Phát triển hệ thống quản lý và giám sát hải trình tàu cá

Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam vừa nghiên cứu thành công hệ thống thông tin, định vị và quản lý tàu cá. Theo đánh giá của các nhà khoa học, với các tính năng mới, thiết bị có thể đáp ứng các yêu cầu trong kế hoạch hành động quốc gia và quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác, đánh bắt trái phép hải sản.

Lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát hải trình trên tàu cá.
Lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát hải trình trên tàu cá.

Vừa qua, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam đã ra đảo Bạch Long Vĩ để lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát hải trình trên tàu cá để trình diễn, giúp ngư dân tiếp cận thiết bị. Các chức năng của thiết bị, nhất là chức năng gọi điện thoại từ tàu cá về trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản Hải Phòng thu hút sự quan tâm của ngư dân. Ngư dân Nguyễn Văn Khởi (Quảng Bình) cho biết, lâu nay, từ ngư trường anh không gọi được về nhà mà chỉ gọi về trạm bờ thông qua hệ thống máy bộ đàm vì chỉ ở trạm bờ mới có thiết bị thu tín hiệu. Nhưng với thiết bị mới này, có thể gọi điện thoại hoặc nhắn tin vào điện thoại di động trên đất liền với cước phí bằng cước điện thoại di động, rất tiện lợi trong những chuyến đi biển dài ngày.

Thiết bị giám sát hải trình là hợp phần quan trọng nhất của hệ thống, đây là thiết bị được các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam nghiên cứu. Thiết bị giám sát hải trình có màn hình hiển thị lớn, với các chức năng: dẫn đường để tàu tới các vị trí đánh bắt; cảnh báo khi tàu ra khỏi hải phận quy định; lưu trữ toàn bộ hải trình vào bộ nhớ, hiển thị các tàu đánh cá cùng đội, nhóm; gọi điện thoại, nhắn tin vào mạng điện thoại cố định hoặc di động. Các bộ đàm sử dụng tần số HF (High Frequency) đã có sẵn trên các tàu cá hiện nay được sử dụng để làm phương tiện truyền dữ liệu giữa các tàu cá và trạm bờ, hoặc giữa các tàu với nhau mà không mất phí thuê bao hằng tháng. Trong trường hợp kênh truyền qua bộ đàm bị nhiễu, thiết bị tự động chuyển sang kênh truyền vệ tinh được tích hợp sẵn trên tàu cá. Ngoài ra, các nhà khoa học xây dựng hệ phần mềm quản lý, giám sát tàu cá để cơ quan chức năng quản lý toàn bộ số lượng tàu cá trong địa phương, quản lý tàu đi, về; giám sát hải trình tàu, xem lại hải trình các chuyến đi trong quá khứ; cảnh báo cho tàu, thuyền biết khi vi phạm lãnh hải; hiển thị thông tin dự báo thời tiết; thông báo, hướng dẫn các vùng thiên tai nguy hiểm, hỗ trợ thông tin công tác cứu hộ, cứu nạn…

Để thuận lợi cho chủ tàu hoặc người quản lý theo dõi và giám sát từ xa hoạt động của các tàu cá, nhóm nghiên cứu cũng phát triển một ứng dụng phần mềm theo dõi trực tuyến tàu cá trên điện thoại thông minh. Khi cài ứng dụng phần mềm này trên điện thoại di động, chủ tàu cá từ đất liền có thể theo dõi và liên lạc trực tiếp với tàu cá của mình tại bất cứ đâu trên biển trong suốt quá trình đánh bắt. Các báo cáo về sản lượng, nhu cầu phát sinh của ngư dân trên tàu cũng được cập nhật liên tục về điện thoại của chủ tàu trên đất liền.

Thạc sĩ Lê Văn Luân, chủ nhiệm đề tài cho biết, sau khi nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh bắt xa bờ của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã xây dựng, phát triển giải pháp, đáp ứng được nhu cầu thông tin của ngư dân và yêu cầu của cơ quan quản lý, nhất là khắc phục được những hạn chế của hệ thống thông tin hiện tại đang có trên các tàu cá. Điều kiện thuận lợi để ứng dụng hệ thống thiết bị của nhóm là tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ của Việt Nam đã được trang bị bộ đàm, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã có hệ thống trạm liên lạc trên bờ. Tính năng nổi bật của hệ thống thiết bị mà các bộ đàm hiện tại trên các tàu chưa đáp ứng được, đó là truy xuất được nguồn gốc thủy sản và điện thoại từ tàu về điện thoại cố định hoặc di động trên đất liền. Đồng chí Đào Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bạch Long Vĩ cho rằng, qua quá trình làm việc với các nhà khoa học và thử nghiệm trên các tàu cá ở Bạch Long Vĩ cho thấy, hệ thống thiết bị rất thiết thực để theo dõi hành trình trên biển của ngư dân, nhất là khi thời tiết ở vùng biển khắc nghiệt, thất thường. Tuy nhiên, cần có chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt, giảm chi phí ban đầu.

Để sớm có thiết bị đưa ra thị trường, vừa qua, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để triển khai sản xuất sản phẩm thiết bị giám sát hải trình tàu cá sử dụng công nghệ HF và công nghệ vệ tinh. Hiện nay, đã có một số địa phương có kế hoạch đặt hàng lắp đặt hệ thống này cho tàu cá. Do đó, việc sản xuất hàng loạt thiết bị giám sát hải trình tàu cá cần triển khai sớm để đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của ngư dân, góp phần tích cực giúp ngành thủy sản xây dựng, phát triển nghề khai thác hải sản bền vững trong thời gian tới.