Phát triển hạ tầng cho xe điện Việt Nam

NDO -

Ngày 3/9, hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” theo hình thức trực tuyến công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Event) đã được Báo Giao thông phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường.

130 khách mời là lãnh đạo và các chuyên viên của các bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Công thương, Khoa học công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; các viện nghiên cứu, chuyên gia các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng 22 doanh nghiệp sản xuất ô-tô - xe máy đang hoạt động tại Việt Nam,… tham dự hội thảo.

Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi về xu thế phát triển các loại xe thân thiện với môi trường, xe điện; rà soát các quy định, chính sách hiện có; bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật đồng bộ, phù hợp, góp phần phát triển loại phương tiện này.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết: “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, xác định khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình”, đồng thời nêu rõ, phát triển ngành công nghiệp ô-tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đã và đang tích cực tham gia các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với dân số gần 100 triệu dân, trong khi số lượng xe điện còn rất hạn chế nên Việt Nam được coi là một thị trường rất tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường. 

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô-tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường. Từ thực tế trên, đặt ra vấn đề quản lý Nhà nước thông qua các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và xây dựng các quy định quản lý, các cơ chế chính sách để phát triển loại phương tiện này.

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp để phát triển các loại hình phương tiện vận tải hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông. 

Phát triển hạ tầng cho xe điện Việt Nam -0
Phó Vụ trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh. 

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, ngoài hạn chế về hạ tầng, các chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam cũng hầu như chưa có.

Vì vậy, để phát triển tương xứng cần có một số giải pháp như áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô-tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện;…

Theo đánh giá của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ), mặc dù đã có những cố gắng nhưng số lượng TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) và QCVN (quy chuẩn Việt Nam) đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện.

Điều này đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung thêm trên cơ sở hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trên thế giới để tăng sự thích nghi và hội nhập của nền kinh tế khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới,...

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít. Năm 2019, cả nước chỉ có 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe, tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Thị trường sản phẩm xe điện ở Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường hấp dẫn với số lượng các nhà sản xuất và lắp ráp các sản phẩm xe điện đang tăng nhanh.

Phát triển hạ tầng cho xe điện Việt Nam -0
Phó Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Trương Bá Tuấn.

Tham luận tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. 

Để hiện thực hóa được mục tiêu nêu trên đòi hỏi Việt Nam phải có các chính sách phù hợp, trong đó có vai trò không thể thiếu của các công cụ kinh tế, trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại hàng hoá thân thiện với môi trường, trong đó có ngành công nghiệp ô-tô. Cụ thể như các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường, Chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác.

Phát triển xe điện là một chủ trương được Đảng và Nhà nước khuyến khích trong giai đoạn hiện nay. Để thúc đẩy phát triển sử dụng xe điện, bên cạnh sản phẩm xe điện có giá thành hợp lý, sử dụng của trạm sạc tiện lợi cũng rất cần thiết.

Nếu chúng ta có được hệ thống trạm sạc đồng bộ, sẽ thúc đẩy việc sử dụng xe điện trong nước, nghĩa là cần có chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển trạm sạc, bên cạnh chính sách thúc đẩy sản xuất xe điện.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, trên toàn thế giới đã có 10 triệu chiếc xe điện vào cuối năm 2020. Số lượng xe điện bán ra tăng 41% vào năm 2020, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô-tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khoảng 3 triệu ô-tô điện đã được bán trên toàn cầu (chiếm 4,6% thị phần) và Châu Âu lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Hiện các Chính phủ trên thế giới đã chi 14 tỷ USD để hỗ trợ doanh số bán ô-tô điện, tăng 25% so với năm 2019, chủ yếu từ các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn ở Châu Âu.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, trên toàn thế giới đã có 10 triệu chiếc xe điện vào cuối năm 2020. Số lượng xe điện bán ra tăng 41% vào năm 2020, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô-tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khoảng 3 triệu ô-tô điện đã được bán trên toàn cầu (chiếm 4,6% thị phần) và Châu Âu lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Hiện các Chính phủ trên thế giới đã chi 14 tỷ USD để hỗ trợ doanh số bán ô-tô điện, tăng 25% so với năm 2019, chủ yếu từ các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn ở Châu Âu.

Triển vọng ngắn hạn cho doanh số bán xe điện được đánh giá khá sáng sủa. Trong quý I năm 2021, doanh số bán ô-tô điện toàn cầu tăng khoảng 140% so cùng kỳ năm 2020, được thúc đẩy bởi doanh số bán xe ở Trung Quốc với khoảng 500 nghìn xe và ở Châu Âu khoảng 450 nghìn xe. Doanh số bán ô-tô điện tại Mỹ tăng gấp hơn hai lần so với quý đầu năm 2020.