Phát triển du lịch làng nghề ở Nhật Bản

NDO - Ðoàn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Hội Nghiên cứu khoa học Ðông - Nam Á vừa có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Oi-ta của Nhật Bản - nơi khởi xướng và thực hiện mô hình "mỗi làng một sản phẩm" khá thành công. Là nước công nghiệp phát triển, nhưng Nhật Bản vẫn phát triển các làng nghề thủ công một cách bền vững, đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị văn hóa cao.

Tỉnh Oi-ta nằm ở phía tây - nam Nhật Bản, cách Thủ đô Tô-ki-ô khoảng 500 km. Cuối những năm 70 thế kỷ trước, khi Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa đất nước, các ngành công nghiệp hình thành và phát triển thu hút mạnh mẽ lao động từ các vùng nông thôn. Thế hệ trẻ sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng dạy nghề đua nhau tìm đến các thành phố và khu công nghiệp, khiến cho vùng nông thôn trong đó có tỉnh Oi-ta trở nên vắng vẻ, dân số giảm mạnh, hầu như chỉ còn người già và trẻ em. Trước tình hình đó, tỉnh Oi-ta phát động phong trào "mỗi làng một sản phẩm" với ba nguyên tắc: Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu; tự tin sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Mỗi địa phương tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể để phát triển.

Ðến khu mua sắm Tô-ki-oa, một trong các chuỗi siêu thị lớn của Nhật Bản, chúng tôi thấy vô số các sản phẩm làng nghề thiết thực cho cuộc sống hằng ngày, từ nhành hoa, bó rau, cây nấm..., đến các sản phẩm chế biến như các loại rượu, nước ép trái cây, bánh cổ truyền, cá phi-lê... Các sản phẩm này tồn tại được ở siêu thị nhờ chất lượng cao, lại mang tính độc đáo của từng địa phương, cùng nghệ thuật đóng gói, bao bì đẹp và bắt mắt.

Ðể có được những sản phẩm có chất lượng cao lại có mẫu mã đẹp đòi hỏi bàn tay khéo léo và sáng tạo của nghệ nhân. Sản phẩm thủ công chỉ có thể cạnh tranh được với sản phẩm công nghệ, máy móc khi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tâm hồn và sự sáng tạo của người làm ra chúng. Trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng tre thủ công ở tỉnh Oi-ta có nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ sản xuất và bảo quản nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, như vải tre, khăn mặt tre, than tre... Trung tâm cũng đồng thời tiến hành đào tạo đội ngũ nghệ nhân và thợ thủ công áp dụng các công nghệ đã được nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Tìm hiểu chúng tôi mới biết, trung tâm không tiến hành đào tạo nghề cho mọi loại mặt hàng tre, mà chỉ đào tạo kỹ thuật sản xuất các mặt hàng tre thật sự là sản phẩm truyền thống gắn liền với lịch sử và văn hóa của địa phương. Có thể thấy ở đây những giỏ hoa, khay đựng chè, giá để khăn đã có từ thời kỳ Mu-rô-ma-chi trong lịch sử của Nhật Bản. Các học viên, nghệ nhân được đào tạo kỹ lưỡng để hoàn thành từng loại sản phẩm từ công đoạn đầu tiên như lựa chọn nguyên liệu, xử lý pha chế nguyên liệu, đến các kỹ thuật nhuộm, đan, sơn mài... Mỗi khóa học thường được tổ chức trong một năm với kinh phí do chính quyền tỉnh hỗ trợ. Các chuyên gia đào tạo cho biết, nguồn tài nguyên của bất kỳ quốc gia nào, địa phương nào cũng có hạn, vì vậy phải sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, bản sắc văn hóa phải được kết tinh trong từng sản phẩm. Vì thế, Nhật Bản rất đề cao vai trò của nghệ nhân.

Phát triển du lịch làng nghề cũng là hướng đi Nhật Bản rất quan tâm, trong đó coi trọng việc giữ gìn cảnh quan môi trường. Chúng tôi đến làng nghề Ô-li-ơ Tô-ki, một ngôi làng nhỏ mang đậm dáng dấp cổ xưa với những bức tường, mái ngói đặc trưng Nhật Bản phủ kín rêu phong. Cảnh quan không gian thật đẹp, đường sá phong quang sạch sẽ, có cả những đàn cá bơi lội tung tăng trong con suối trong vắt. Ðây là mô hình du lịch sinh thái kết hợp với làng nghề truyền thống Nhật Bản đang phát triển. Viện Thiết kế của làng chỉ có năm nghệ nhân có nhiệm vụ làm ra mẫu sản phẩm riêng cho làng mình. Nghệ nhân Tát-su-ô Tô-ki-mát-su giới thiệu cho chúng tôi hàng trăm sản phẩm, từ chiếc bát, đôi đũa, bộ khay... tất cả đều tinh tế và đẹp. Ông nói: "Người dân chúng tôi không bao giờ coi một cành cây gãy là vô dụng, chúng tôi có thể sử dụng nó để tạo ra nhiều sản phẩm. Chặt một cành cây làm hàng gỗ mỹ nghệ, chúng tôi lại trồng thêm mỗi ngày mười cây. Có như vậy mới đủ nguyên liệu để làm lâu dài"...

Nhật Bản là quốc gia có ít tài nguyên khoáng sản, thảm họa thiên nhiên luôn rình rập. Nhưng Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới, nhờ nỗ lực của mỗi bàn tay, khối óc người dân đất nước "Mặt trời mọc". Sản phẩm làng nghề đã chiếm vị trí xứng đáng trong nền kinh tế đó nhờ phát triển mô hình "Mỗi làng một sản phẩm" mà tỉnh Oi-ta đi đầu phát triển. Ðiều đó đem lại cho chúng tôi niềm tin các làng nghề lâu đời ở Việt Nam nhất định sẽ phát triển trong cuộc sống hiện đại, nếu chúng ta biết khai thác và phát huy nó.