Phát biểu tại phiên chất vấn, nhấn mạnh bản chất du lịch là một ngành kinh tế và để phát triển thành mũi nhọn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá; tuy nhiên trong thời gian qua, cần phải nhìn nhận nhiều giải pháp đề ra chưa thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần về một ngành kinh tế mũi nhọn.
Phối hợp tốt của bộ, ngành, địa phương
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động liên quan lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần du lịch đúng là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Liên quan công tác bảo tồn các di tích gắn với du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một nội dung quan trọng. Từ nhiều nhiệm kỳ vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, đặc biệt là một số di tích lịch sử cách mạng.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không đơn thuần chỉ là du lịch phải được kết nối, liên kết với giao thông, với ngành công thương, ngành nông nghiệp và tất cả các ngành nghề khác chứ không chỉ riêng ngành du lịch tạo ra sản phẩm du lịch; vì vậy, Bộ rất quan tâm đến việc liên kết giao thông thuận lợi.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhu cầu vốn cho công tác tu bổ, sửa sang di tích nói chung, trong đó có khu di tích lịch sử cách mạng là luôn luôn trong tình trạng thiếu và rất yếu; bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương rồi đến bộ, ngành.
Vấn đề tu bổ, bảo tồn di tích thì phải có một tiêu chí cứng, bắt buộc bộ, ngành nào vẫn phải theo, nhưng quy định theo hướng phân cấp và kèm theo quy trách nhiệm, các di tích văn hóa ở các địa phương mà bị xâm phạm thì câu hỏi đầu tiên sẽ là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đề cập về vấn đề du lịch, Phó Thủ tướng cho biết, đây là một ngành tổng hợp, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương, đặc biệt rất cần sự vào cuộc hưởng ứng và tham gia trực tiếp của người dân, để mỗi người dân là “một đại sứ du lịch”.
Tại phiên chất vấn chiều nay, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan văn hóa học đường, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là vấn đề rất rộng lớn và quan trọng đối với trường học.
Bộ trưởng nêu rõ: Đối với việc triển khai giáo dục hiện nay, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm và ưu tiên, vấn đề về văn hóa học đường, ứng xử trong trường học càng trở nên đặc biệt quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chú ý đến vấn đề này và đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều chính sách có liên quan.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ trong việc chuẩn bị, ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hy vọng, việc triển khai nhiều nội dung của chỉ thị này sẽ tạo ra được những sự chuyển biến tốt đối với các vấn đề về văn hóa học đường.
Về các quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung để rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học đã có, lưu ý đề cao vai trò gương mẫu dẫn dắt của nhà giáo, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, xã hội, nhằm từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp
Tạo chuyển biến vấn đề lao động
Chung quanh những vấn đề liên quan lĩnh vực lao động, đào tạo nghề được các đại biểu Quốc hội đề cập. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: thời gian vừa qua, ngành lao động đã tập trung cùng ngành văn hóa để tạo chuyển biến về vấn đề lao động, việc làm trong ngành du lịch.
Theo kết quả thống kê, đến nay có 19,8 triệu người làm trong lĩnh vực du lịch, tăng cao so với quý trước; gần đây, thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Các chính sách mở cửa, hỗ trợ theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, nhất là từ tháng 3/2022 đã tạo cú hích quan trọng để tạo khu vực du lịch, dịch vụ, tạo đà tăng trưởng, phát triển cao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm phục hồi lao động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các chính sách giữ chân, thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động tại chỗ.
(Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục đào tạo cấp độ 4, trình độ cao đẳng và trung cấp. Thực tiễn, trong thời gian qua, các học viên tham gia Hội thi tay nghề quốc tế của ASEAN đều đạt kết quả cao. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng mô hình vừa học vừa làm, học văn hóa trong các cơ sở nghề, học nghề trong các cơ sở văn hóa.
Về giải pháp căn cơ trong vấn đề này, Bộ trưởng chỉ ra 7 nhóm giải pháp, cụ thể: Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng dần kỹ năng mới; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận Bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN được Tổ chức thi cấp Chứng chỉ nghề quốc gia ASEAN hướng tới các hoạt động du lịch hướng dẫn bài bản, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh; cần có chính sách thu hút nhân lực và học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng; quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường; phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức học tập, đào tạo, mở rộng địa bàn đào tạo; tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên…
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần áp dụng một số chính sách ngắn hạn tập trung đào tạo nghề cho người lao động.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để xây dựng đề án phát triển lao động ngành du lịch vừa đào tạo dài hạn vừa trước mắt; vừa học văn hóa vừa học nghề.