Phát triển đô thị ở Quảng Ngãi

Công viên Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi.
Công viên Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi.

Tỉnh Quảng Ngãi có 13 huyện và một thành phố  với diện tích tự nhiên khoảng 5.135 km2, số dân gần 1,3 triệu người (trong đó dân số đô thị chiếm hơn 14%). Gần đây, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch phát triển đô thị, nhất là khu vực nông thôn đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HÐH có kết quả.

Ðến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch phát triển 16 đô thị. Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa trên địa bàn khá nhanh, nhất là trung tâm thành phố Quảng Ngãi, các đô thị Vạn Tường-Khu kinh tế Dung Quất; chuỗi đô thị Dốc Sỏi-Bình Sơn và đô thị Ðức Phổ, Sa Huỳnh - cửa ngõ phía nam của tỉnh Quảng Ngãi. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Ðình Khối nhấn mạnh: Phát triển đô thị phải bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, định hướng mà Nghị quyết "Phát triển đô thị trong thời kỳ mới" của Tỉnh ủy đã đề ra, đô thị hóa phải gắn với các yếu tố quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị. Thực chất, hiện nay mới tập trung hình thành những tiểu vùng hạt nhân phát triển kinh tế như Khu kinh tế Dung Quất, TP Quảng Ngãi, Ðức Phổ-Sa Huỳnh. Một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội quan trọng đã được đầu tư xây dựng tại các khu vực trọng điểm để bảo đảm cho quá trình hình thành phát triển đô thị. Hiện nay khu đô thị Vạn Tường  đã thuê Tập đoàn NICKEN (Nhật Bản) quy hoạch theo mô hình kiến trúc hiện đại, nên trong tương lai TP Quảng Ngãi cũng cần thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch mở rộng thành phố về hướng đông và phía bắc sông Trà với kiến trúc hiện đại, bảo đảm các tiêu chí phát triển đô thị một cách bền vững.

Quá trình phát triển đô thị ở Quảng Ngãi trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều yếu kém. Các đô thị chưa được quy hoạch một cách có hệ thống, chồng chéo giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, chất lượng quy hoạch thấp, gây lãng phí. Công tác quản lý quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch chưa được chú trọng đúng mức, trong đó bộc lộ rõ nhất là: văn bản quy phạm pháp luật quản lý đô thị và quy hoạch đầu tư xây dựng đô thị chưa đồng bộ. Nhiều công trình xây dựng không theo quy hoạch, thiếu định hướng về kiến trúc xây dựng. Một số công trình thiết kế chưa hợp lý, hiệu quả sử dụng kém. Nhiều công trình hạ tầng đô thị phải làm đi, làm lại hàng chục lần, phá vỡ cảnh quan kiến trúc, gây lãng phí. Công tác quản lý sử dụng và khai thác cơ sở hạ tầng đô thị chưa được phân cấp dẫn đến chồng chéo, buông lỏng quản lý và gây thất thoát lớn. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới; việc thực hiện lập giá các loại đất đô thị hiện nay còn bất cập, chưa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân...

Các khu đô thị ở Quảng Ngãi hiện nay, được quy hoạch từ những năm 1990-1995 còn mang dấu ấn  hành chính, quan liêu bao cấp, chưa khai thác được tiềm năng, động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đan xen giữa kiến trúc cũ và mới. Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chắp vá, không đồng bộ đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Quá trình đô thị hóa nông thôn hiện nay đang gặp khó khăn, nông dân mất ruộng, thiếu đất sản xuất nghiêm trọng. Hiện tượng nông dân đổ về thành phố tìm việc làm và tình trạng thiếu việc làm thường xuyên khá phổ biến. Quyền trưởng phòng kiến trúc và quy hoạch xây dựng Quảng Ngãi Phạm Việt Hà cho biết: Việc triển khai thực hiện Ðề án phát triển đô thị hiện nay còn nhiều vướng mắc, bộc lộ yếu kém, sự gắn kết giữa các đô thị thiếu tính bền vững, chưa xác định được thế mạnh, tiềm năng và hướng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.

Tình trạng phân bố dân cư  và sử dụng đất nông-lâm nghiệp để xây dựng đô thị  và công nghiệp đã làm ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận nông dân. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, dân cư và nhà ở đang là vấn đề bức xúc ở các đô thị mới. Việc quản lý xây dựng đô thị còn nhiều bất cập, yếu kém. Nhiều đô thị phát triển không theo quy hoạch, phát triển manh mún, hình thức kiến trúc không có định hướng. Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội ở các đô thị hiện nay chưa tương xứng với tốc độ phát triển đô thị hóa trên địa bàn...

Một số kiến trúc sư ở TP Quảng Ngãi cho biết: Theo đề án phát triển đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2015 - TP Quảng Ngãi sẽ trở thành đô thị loại II. Cách đây vài tháng, một nhóm tác giả  công bố bản quy hoạch chi tiết TP Quảng Ngãi đến năm 2050 (với tính chất tham khảo) mới vỡ lẽ khi biết rằng đã có sự "sao chép cẩu thả".

Trong hàng chục năm qua, TP Quảng Ngãi vẫn ì ạch trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Ðặc biệt là kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội  không đồng bộ, khâu quản lý kiến trúc đô thị đang là nỗi bức xúc của hàng chục nghìn dân ở thành phố này. Ðiều dễ nhận thấy là 95% các con đường ở TP Quảng Ngãi là đường cong.

Năm 2002, khi thị xã Quảng Ngãi lên thành phố, người dân vẫn hy vọng có bước đột phá nhưng thực tế việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn ì ạch. Ðường Lê Lợi dài chưa tới ba cây số phải mất hơn 15 năm xây dựng và có đến hai lần khởi công. Ngoài đường xấu, đường hẹp, đường cong, TP Quảng Ngãi còn là nơi thường xuyên ngập nước. Hệ thống thoát nước của thành phố quá lạc hậu và xuống cấp, cộng với việc ồ ạt mở đường mà "quên" làm cống thoát nước đã biến không ít khu dân cư đến mùa mưa trở thành ốc đảo. Còn ở hai đầu của thành phố là cầu Trà Khúc và cầu Bàu Giang chưa làm cống thoát nước nên mùa mưa lũ nước thoát không kịp gây ngập nhiều nhà dân trong đô thị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi Nguyễn Hải xác định: Thành phố đang triển khai dự án ADB cải tạo toàn bộ hệ thống cấp thoát nước của TP Quảng Ngãi, với kinh phí 15 triệu USD, nhưng dự án được lập từ năm 2004 đến 2007 mới xong phần khảo sát, tư vấn thiết kế. Những tháng cuối năm 2008, Công ty đô thị và môi trường Quảng Ngãi mới khởi công xây dựng theo kế hoạch và đến năm 2009 mới hoàn thành.

Theo Ðề án phát triển đô thị đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 vừa phê duyệt, tỉnh Quảng Ngãi có 16 đô thị sẽ được đầu tư hoàn thiện trong giai đoạn mới. Trong đó 5 đô thị được tập trung nguồn vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2015 là: TP Quảng Ngãi, thị trấn Ðức Phổ, đô thị Vạn Tường, chuỗi đô thị Dốc Sỏi - Châu Ổ, thị trấn Di Lăng...

Ðể thực hiện thành công Ðề án này, các cấp ủy đảng cần chăm lo xây dựng chính quyền, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn để đảm nhận vai trò quản lý nhà nước ở đô thị. Vận động nhân dân tạo sự đồng thuận ủng hộ chủ trương của địa phương về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tỉnh cần ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư xây dựng các khu đô thị mới,  huy động vốn phát triển đô thị, tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quy hoạch. Ðầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch-dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm cơ sở để đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa. Từng bước xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Minh Trí