Phát triển dịch vụ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng

NDO -

NDĐT - Khu vực dịch vụ có nội hàm và cơ cấu phân ngành rộng nhất và cũng ngày càng có vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế hiện đại. Ở Việt Nam, sự phát triển dịch vụ đã được quan tâm, ghi nhận nhiều thành công, song còn không ít lỗ hổng và bất cập. Định hướng và giải pháp phát triển dịch vụ trong thời gian tới ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình phát triển, đặc biệt trong bối cảnh chủ động hội nhập và phát triển kinh tế tri thức.

Công nghệ chụp CT scanner 64 dãy với độ phân giải ảnh cao giúp chẩn đoán hình ảnh được chính xác. (Ảnh minh họa)
Công nghệ chụp CT scanner 64 dãy với độ phân giải ảnh cao giúp chẩn đoán hình ảnh được chính xác. (Ảnh minh họa)

Thực trạng phát triển một số ngành dịch vụ

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 20-10-2015, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt hơn 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,74%/năm, nông lâm thủy sản tăng 3,01%/năm, dịch vụ tăng 6,31%/năm. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP đạt khoảng 44% vào năm 2015.

Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng ngày càng tăng; đã tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, logistics, hàng không, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử... Mạng lưới thương mại và dịch vụ phát triển mạnh trên phạm vi cả nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành du lịch tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là tại các vùng du lịch trọng điểm. Khách quốc tế năm 2015 đạt khoảng 7,9 triệu lượt, gấp gần 1,6 lần so với năm 2010. Mở rộng miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và công dân của nhiều nước để khuyến khích phát triển thương mại, đầu tư và du lịch.

Mạng lưới và cơ cấu đào tạo hợp lý hơn; quy mô, chất lượng và sự công bằng trong tiếp cận giáo dục được cải thiện. Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, xây dựng. Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển, giá trị giao dịch tăng 13,5%/năm. Số lượng sáng chế và các giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ gấp gần 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010.

Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, tạo diện mạo mới cho đất nước. Công tác y tế dự phòng và chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Giảm quá tải bệnh viện đạt những kết quả tích cực. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các bệnh viện. Ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào khám chữa bệnh đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 75%. Chất lượng, phương thức thông tin ngày càng được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, thông tin đối ngoại và phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Các dịch vụ tài chính ngân hàng tiếp tục phát triển, đa dạng hóa và hiện đại hóa. Hoạt động xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được đẩy mạnh. Đến tháng 9-2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9-2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Các công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm từng bước được cơ cấu lại; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; thông tin ngày càng công khai, minh bạch; hiệu quả hoạt động được cải thiện. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm.

Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015. 59 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Quan hệ thị trường thương mại tự do với 55 quốc gia và nền kinh tế, trong đó có 15 quốc gia trong Nhóm G-20.

Tuy nhiên, sự phát triển dịch vụ còn nhiều hạn chế, có tốc độ tăng thấp hơn giai đoạn trước. Các ngành dịch vụ thâm dụng tri thức, khoa học và công nghệ phát triển còn chậm. Các ngành dịch vụ mang tính chất "động lực" hay "huyết mạch", có hàm lượng tri thức cao, như tài chính-tín dụng, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDP của toàn nền kinh tế. Hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, chi phí trung gian lớn, chưa kết nối thông suốt, hiệu quả và chưa bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ; chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Các dịch vụ khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội, chậm đưa vào ứng dụng những kết quả đã nghiên cứu được. Thị trường khoa học công nghệ còn sơ khai. Cơ sở vật chất và đầu tư cho khoa học công nghệ còn chưa tương xứng. Đóng góp của khoa học công nghệ vào quá trình CNH, HĐH chưa cao. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu là rất thấp. Những chỉ số về kinh tế tri thức (KEI) của Việt Nam đều ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Năm 2012, chỉ số KEI của Việt Nam là 3,51 và thuộc nhóm trung bình thấp. Chỉ số sáng tạo của Việt Nam năm 2013 đạt 34,82 và xếp thứ 76 trong 141 quốc gia.

Chất lượng, hiệu quả của giáo dục và đào tạo nhìn chung còn thấp so với yêu cầu; cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, mất cân đối về bậc học, về ngành nghề, về vùng lãnh thổ. Dịch vụ y tế còn hạn chế cả về lượng và chất. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém. Tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp. Nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân. Tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập. Sự gắn kết giữa công nghiệp-nông nghiệp với dịch vụ còn nhiều bất cập. Các dịch vụ đối ngoại phát triển vừa thiếu quy hoạch vừa dưới tiền năng và chưa hiệu quả, chưa phát huy hết các lợi thế và chuẩn bị tốt các điều kiện cho chủ động hội nhập.

Định hướng và mục tiêu phát triển dịch vụ

Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và giá trị quốc gia, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, phát triển dịch vụ có vai trò quan trọng, không chỉ trực tiếp tạo động lực phát triển, mà còn tạo lập và củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành công-nông nghiệp và tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế.

Vì vậy, cần phát triển dịch vụ vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu, theo hướng hiện đại, với tốc độ bình quân 7-7,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng các khu vực sản xuất và GDP; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình dịch vụ gắn với việc phát triển của khoa học công nghệ và vai trò của kinh tế tri thức; phát triển dịch vụ trung gian nhằm tăng cường sự kết nối bổ trợ giữa các ngành kinh tế, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nền kinh tế. Đạt tỷ trọng dịch vụ 45% GDP vào năm 2020

Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển mạnh các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, thể thao..., chất lượng cao về đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe; Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Phát triển dịch vụ cảng biển và cửa khẩu, dịch vụ vận tải với cơ cấu hợp lý, hiệu quả, nhất là khai thác dầu khí, vận tải biển, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, du lịch biển, nuôi trồng thuỷ sản; phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và đẩy mạnh khai thác xa bờ. Tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thuỷ nội địa. Nâng cao chất lượng vận tải đường bộ và đường hàng không. Tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải, khuyến khích phát triển vận tải đa phương thức và logistics. Gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ cao và dịch vụ kinh tế đối ngoại, như hàng không, cảng biển quốc tế, xuất khẩu lao động, xúc tiến thương mại quốc tế; viễn thông, công nghệ thông tin; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; thương mại điện tử, cùng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác; dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể thao, dịch vụ việc làm; Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn, an ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hoá, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và gìn giữ vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao. Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế, ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, làng nghề và sinh thái…

Phát triển mạnh dịch vụ thông tin truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực hiện cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công.

Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ. Chú trọng phát triển thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối, các hiệp hội và cơ quan quản lý để phát triển mạnh thị trường trong và ngoài nước.

Chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu. Phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế phù hợp cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, cung cấp và lưu chuyển thông tin tài chính, các dịch vụ chứng khoán phụ trợ; tăng cường minh bạch hoá và bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả; Hoàn thiện thể chế để tận dụng cơ hội và phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế.

Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên. Bên cạnh đó, cần phát triển và nâng cấp một số lĩnh vực dịch vụ thành ngành công nghiệp, như: công nghiệp văn hóa và giải trí, báo chí, phim ảnh…

Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ thời gian tới

Mỗi dạng và loại hình dịch vụ cần có những giải pháp đặc thù thích ứng để phát triển phù hợp. Song, về tổng thể, để đẩy mạnh phát triển dịch vụ trong bối cảnh tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, cần chú ý thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ, hài hòa của các mục tiêu, loại công cụ chính sách và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng hữu quan, và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển.

Quốc hội, Chính phủ, các địa phuơng và tổ chức hiệp hội kinh doanh cần có nhiều hoạt động toàn diện mạnh hơn nữa để kiểm soát tốt hơn độc quyền cả nhà nước và độc quyền tư nhân; trừng trị nghiêm khắc, kịp thời hơn những hành vi tham nhũng, cản trở hoạt động kinh doanh lành mạnh; triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thúc đẩy Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, cơ quan liên quan trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp; đảm bảo các biện pháp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô mang tính đại diện cao hơn cho các lợi ích xã hội, tăng cường vai trò của luật pháp, chế tài, điều tiết nhà nước, kiểm soát các thể chế thị trường.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, xác định đúng và khai thác tốt các lợi thế và định huớng chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, sản phẩm, cải thiện năng lực đổi mới và công nghệ, nâng cao liên kết và sức cạnh tranh kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới, cũng như các tín hiệu thị trường khách quan.

Đồng thời, cần khắc phục tính ôm đồm, đa mục tiêu trong hoạch định kế hoạch và chính sách phát triển; nâng cao chất lượng và sự đồng bộ văn bản luật; đẩy mạnh thực chất hơn các hoạt động kiểm soát sự nhũng nhiễu của các cơ quan và bộ phận, cá nhân trung gian thi hành luật; tuân thủ đầy đủ hơn các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường; giảm thiểu các lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách”, quan liêu, hình thức, ngăn chặn kịp thời “sự liên kết lợi ích nhóm” giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các ngân hàng thương mại nhà nước và các quan chức có liên quan trong việc vay và cho vay vốn, đầu tư chéo, đầu tư đa ngành hàng ngàn tỷ đồng mang nặng tính đầu cơ, trục lợi cá nhân hoặc phe nhóm, lũng đoạn thị trường và lãng phí các nguồn lực quốc gia.

Đặc biệt, cần tôn trong quy trình và yêu cầu của các quy luật kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế, tăng cường kiểm toán độc lập, xây dựng và áp dụng rộng rãi hệ thống chỉ tiêu hiệu quả và hệ số tín nhiệm; giảm điều hành nền kinh tế bằng các giải pháp hành chính kéo dài, thị trường nửa vời, hoặc ngược với quy trình thị trường; nâng cao chất lượng văn bản luật và các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện luật; đảm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và tạo môi trường an toàn, thuận lợi, kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh, tăng cường quản lý thị trường, giá cả và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, thao túng, gây hậu quả nghiêm trọng, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống...

Thứ hai, nâng cao tiêu chuẩn hóa chất lượng và chất lượng công tác thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các phương án và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng...

Xây dựng và thực thi hiệu quả các hệ thống chuẩn quốc gia về chất lượng hàng hóa và dịch vụ; nâng cao chất lượng các dự báo thị trường; coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo khách quan với mục tiêu chính sách và ý chí chủ quan. Dự báo cần bám sát, cập nhật và đưa ra các cảnh báo cần thiết về các biến động thị trường khách quan trong nước và quốc tế; coi trọng dự báo tác động hai mặt của chính sách theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường. Việc dự báo, đánh giá tác động hai mặt tích cực và tiêu cực cả về xu hướng định tính, lẫn về định lượng của việc áp dụng các chính sách và định mức cụ thể trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước là rất quan trọng, nhất là với những mặt hàng đầu vào nhạy cảm của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng thời, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự phối hợp ăn khớp cần có giữa các cơ quan chức năng và các loại công cụ dự báo, giữa công tác dự báo với công tác tổ chức thực hiện, thành lập bổ sung mạng lưới các cơ quan có chức năng chuyên trách xây dựng, phản biện và đề xuất hoàn thiện các chính sách quản lý nhà nước các cấp từ TW xuống các địa phương. Bên cạnh đó, cần coi trọng các phản biện xã hội và các đánh giá tác động chính sách (định kỳ hoặc đột xuất) trước và sau khi ban hành do các tổ chức chuyên nghiệp và độc lập thực hiện theo đặt hàng của cấp có thẩm quyền khách quan; xây dựng hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành trực tiếp phục vụ công tác dự báo và quản lý kinh tế; khắc phục tình trạng phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hóa thống nhất giữa các nguồn và đơn vị quản lý thông tin; bổ sung các chỉ tiêu cần thiết phục vụ dự báo kinh tế vào hệ thống số liệu thống kê kinh tế chính thức hàng năm của ngành thống kê.

Trên cơ sở các kết quả dự báo và phản biện đó và các yếu tố cần thiết khác, cần chủ động có các phương án, đối sách phòng ngừa hiệu quả cho mọi tình huống với giả định mức xấu nhất có thể xảy ra; phát triển hệ thống dự báo và thông tin thị trường, các chính sách và các cam kết, yêu cầu hội nhập cần thiết cho doanh nghiệp, nhằm tăng năng lực phản ứng chính sách và thị trường trong quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp ..

Thứ ba, coi trọng đào tạo, thu hút sử dụng và tôn vinh nhân tài, các doanh nhân, nguồn nhân lực trình độ cao và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Cần có nhiều bứt phá về cơ chế phát hiện, tuyển dụng và bảo vệ nhân tài; tiêu chuẩn hóa, công khai hóa và bình đẳng hóa các yêu cầu thi tuyển công chức, giám đốc, lãnh đạo các doanh nghiệp và đơn vị, sao cho để những người xứng đáng nhất cả về tài và đức được lựa chọn vào những vị trí quan trọng nhất, để từ đó cải thiện năng lực, hiệu quả bộ máy công quyền và hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài đó trong tương lai phải bao hàm những khía cạnh: Tạo sự di chuyển chất xám tự do trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên, thoả mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nhân tài (lương, điều kiện học tập, lao động, khả năng tiếp cận các thông tin và công nghệ mới, sự tôn trọng về tinh thần và thăng tiến cá nhân....). Bảo đảm nguyên tắc “người nào-việc nấy”, khắc phục tình trạng người biết làm việc thì không có việc làm, người được làm việc lại không biết cách hoặc làm việc kém hiệu quả. Các quan chức hành chính không thể đứng thay vào vị trí của các nhà khoa học và các doanh nhân thực thụ. Loại hình lao động quản lý làm thuê cần được coi trọng phát triển để đáp ứng nhu cầu về giám đốc cho các công ty cổ phần (kể cả cho các DNNN) tương lai trong nền kinh tế nước ta.

Các thang bậc giá trị xã hội phải có sự thay đổi theo hướng tôn trọng và được đối xử như nhau tương xứng với tài năng và đóng góp có ích cho xã hội của cá nhân; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn và sử dụng đúng những nhân tài đầu đàn; tái lựa chọn liên tục, lấy hiệu quả công việc làm cơ sở đánh giá và lựa chọn chứ không phải bằng cấp, học vị, chức tước;

Hơn nữa, cần xây dựng và tạo sự đồng thuận sâu sắc về hệ thống chuẩn giá trị quốc gia nhằm tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi trong nước và quốc tế, tạo thước đo tin cậy trong định hướng, đánh giá các hoạt động kinh tế – xã hội, cũng như không ngừng hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và đột phá trong cơ chế phân cấp, kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, xây dựng các thiết chế đủ hiệu lực bảo vệ, phát huy hiệu quả các nguồn lực và sức mạnh của quốc gia, của các địa phương và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế trong hội nhập quốc tế, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài...

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 20-10-2015)

2. http://www.nhandan.com.vn/kinhte/hoi-nhap/item/27903902-cac-nuoc-tpp-cam-ket-xoa-bo-78-95-dong-thue-nhap-khau-cho-viet-nam.html

3. Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và năm 2015 của Chính phủ về về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.