Với đặc điểm thịt mềm, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn và giá bán cạnh tranh, cá tra có nhiều lợi thế trong chế biến xuất khẩu. Cá tra được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng và là một trong những loài cá thành công nhất về mặt thương mại của Việt Nam. Tuy vậy, chuỗi ngành hàng này đang đối mặt với không ít thách thức...
Đối mặt nhiều thách thức
Dòng sông Mê Công mang đến cho đồng bằng sông Cửu Long nhiều nguồn lợi; trong đó, có nguồn lợi từ thủy sản, đặc biệt là cá tra. Trước đây, cá tra giống được khai thác tự nhiên và sau này được ươm nhân tạo thành công, cung cấp nguồn giống dồi dào và phát triển thành loài cá nuôi ao, lồng bè trải rộng khắp vùng Tây Nam Bộ.
Tuy vậy, những năm gần đây, chất lượng con giống suy giảm, nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, thiếu ổn định. Việc tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; giá cá biến động liên tục, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là ứng dụng khoa học-công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức... dẫn đến hiệu quả phát triển chuỗi ngành hàng cá tra chưa tương xứng với tiềm năng.
Hiện, diện tích nuôi cá tra của Đồng Tháp chiếm hơn 33% diện tích toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với sản lượng hằng năm hơn 505.000 tấn, Đồng Tháp chiếm 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (cá tra) của tỉnh so với cả nước chiếm khoảng gần 40%.
Hằng năm, Đồng Tháp cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho toàn vùng. Toàn tỉnh hiện có 379 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Công ty TNHH Hùng Cá ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đang sở hữu vùng nuôi hơn 700ha. Thời gian qua, doanh nghiệp này đã áp dụng các quy trình sản xuất khép kín từ khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định, giám sát nghiêm ngặt quá trình sản xuất.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết: “Việc tuân thủ đúng quy trình quốc tế về hệ thống nước, ao nuôi, kỹ thuật nuôi và hệ thống nhà máy chế biến cá tốn rất nhiều kinh phí nhưng bù lại, cá nuôi ít bệnh, sản lượng tăng từ 3% đến 5%, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Chúng tôi phải làm như vậy thì sản phẩm mới vào được các thị trường đòi hỏi chất lượng cao”...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng cá tra của tỉnh đang đối mặt với không ít những thách thức trong quá trình phát triển, từ chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm; liên kết chuỗi còn lỏng lẻo; giá thành sản xuất tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức,... Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cũng là những thách thức đối với sự phát triển của chuỗi ngành hàng cá tra.
Năm 2022, sản lượng cá tra của tỉnh An Giang khoảng 539.000 tấn, bằng 108% so năm 2021. Hiện, An Giang có 26 cơ sở, vùng nuôi cung cấp nguyên liệu cho sáu doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ với diện tích 378,9ha, chiếm 30% diện tích nuôi toàn tỉnh. Các vùng sản xuất cá tra tập trung, ứng dụng công nghệ cao đã được hình thành và phát triển tại An Giang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi lớn như: Công ty cổ phần cá tra Việt Úc, Công ty IDI, Công ty Trường Giang...
Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng cho biết, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp chế biến thủy sản, hộ nuôi cũng gặp không ít khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng và một số thị trường xuất khẩu giảm, đơn hàng ít khiến các nhà máy chế biến giảm công suất, phần nào ảnh hưởng đến khâu nuôi. Hiện, giá thành sản xuất cá tra vẫn đang tiếp tục tăng do thức ăn thủy sản tăng giá liên tục và nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng cao gây khó cho khâu nuôi...
Chú trọng đổi mới công nghệ
Tiến sĩ Huỳnh Văn Hiền, Khoa Thủy sản, Trường đại học Cần Thơ nhìn nhận, xét về khía cạnh kỹ thuật, chất lượng con giống đang có xu hướng giảm và chất lượng cá bố mẹ sinh sản thấp, tỷ lệ sống của cá giai đoạn ương thấp và chưa cải tiến được nhiều (chỉ đạt 6-10% từ bột lên giống). Bên cạnh đó, việc quản lý môi trường ao nuôi chưa tối ưu và công tác phòng, trị bệnh hiệu quả chưa cao... Do đó, trong sản xuất chuỗi ngành hàng cá tra, một trong những đòi hỏi cấp thiết hiện nay là phải chú trọng đổi mới công nghệ.
Ở bình diện chung, thời gian qua, sự phát triển của ngành cá tra Việt Nam có nhiều yếu tố tác động thuận lợi. Tuy vậy, các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của sản phẩm cá tra hiện còn thiếu tính bền vững và điều này có thể làm cho năng lực cạnh tranh của ngành có nguy cơ không ổn định. Sự phát triển của ngành cá tra còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường nhập khẩu với những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn đối với những yêu cầu cạnh tranh ngoài giá. Do đó, tăng cường đổi mới công nghệ là yêu cầu cần thiết để củng cố sự vững chắc của ngành cá tra Việt Nam, tạo lập được lợi thế bền vững trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Thời gian qua, tỉnh An Giang đặc biệt chú trọng phát triển các vùng nuôi tập trung, vùng chuyên canh sản xuất cá tra thương phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế ASC, BAP, GlobalGAP,... giúp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực về thị trường xuất khẩu cá tra hiện nay và những năm tiếp theo.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 1.080 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, sản xuất được khoảng 14 tỷ cá tra bột và 1,4 tỷ cá tra giống, cung ứng đủ nhu cầu cho người nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong sản xuất và chế biến, các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đã áp dụng các giải pháp khoa học-công nghệ nhằm giảm giá thành và nâng cao giá trị gia tăng, như: Cải thiện di truyền cá tra bố mẹ nâng cao tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ phi lê và tăng khả năng kháng bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với chế biến, ngành hàng cá tra đã phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu, collgen, genlatin, bơ cá, dầu cá, da cá sấy và các sản phẩm khác.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm cá tra, mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới. Thời gian qua, việc cải tiến phương thức sản xuất, chế biến đã và đang làm tăng dần hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản phẩm cá tra, góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển. Thực tế đòi hỏi cần tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị công nghệ từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, qua đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức sản xuất, tập trung liên kết theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó, giúp người nuôi thực hiện tốt việc liên kết sản xuất và tiêu thụ toàn bộ sản lượng cá tra sản xuất được, góp phần ổn định thu nhập, bảo đảm lợi nhuận cho người dân.
Dự báo, năm 2023, bên cạnh nhiều tín hiệu tích cực cũng sẽ xuất hiện không ít yếu tố khó khăn, thách thức. Do đó, ngành thủy sản cần có đánh giá và định hướng đối với nghề nuôi cá tra, trước mắt là hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung-cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận. Về lâu dài, cần những bước đi căn cơ để tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị cá tra phát triển bền vững hơn trong tình hình mới.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị từng doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, đồng bộ hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm...