Tổ chức hoạt động tự quản chính là hình thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý xã hội. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó nhân dân trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các mô hình hoạt động của nhân dân hướng về cộng đồng, hướng về người nghèo đã tồn tại, phát triển trong nhiều năm qua và đạt được những kết quả cụ thể. Ở nhiều nơi, tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu cụ thể của người dân mà các mô hình tiếp tục được thành lập.
Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều mô hình của nhân dân, do nhân dân đã và đang có những tác động rất tích cực trong đời sống xã hội. Trong đó, có thể kể đến mô hình "Giúp gạo hộ khó" được triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang giúp cho những hộ khó khăn có gạo ăn hằng tháng. Tại ấp Nhân Ðức (xã Xuyên Mộc) mô hình "Giúp gạo hộ khó" đã giúp 24 hộ neo đơn, hộ đặc biệt khó khăn luân phiên được nhận gạo. Hằng tháng, có sáu hộ-mỗi hộ được nhận 10 kg gạo, sau đó quay vòng đến sáu hộ khác. Nguồn gạo do cán bộ của ban ấp đóng góp, vận động nhà hảo tâm và từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, huyện cấp. Ngoài 24 hộ xoay vòng nhận gạo ở ấp Nhân Ðức, tại ấp Nhân Tâm (xã Xuyên Mộc), Mặt trận Tổ quốc xã cũng vận động một nhà máy xay lúa trên địa bàn ủng hộ mỗi tháng một tạ gạo, trao tặng tới hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn vào các dịp lễ, Tết.
Thông tin từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Xuyên Mộc, hiện có sáu xã: Phước Thuận, Xuyên Mộc, Bông Trang, Hòa Hội, Bàu Lâm, Bưng Riềng thực hiện mô hình "Giúp gạo hộ khó" với hơn 70 hộ được hỗ trợ gạo hằng tháng (từ 10 kg-20 kg gạo/hộ). Hoạt động hỗ trợ gạo được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, đúng đối tượng. Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng mang ý nghĩa nhân văn, giúp các gia đình vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Ðáng chú ý, cùng với mô hình "Giúp gạo hộ khó", Mặt trận huyện còn hỗ trợ đột xuất, trao vốn giúp vật nuôi, cây trồng tặng các hộ nghèo.
Tại thôn 6, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp Mặt trận Tổ quốc huyện Thọ Xuân tổ chức Hội nghị truyền thông thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường và ra mắt mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường". Các đại biểu tham dự hội nghị đã được nghe tuyên truyền về vai trò của Mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; triển khai hướng dẫn xây dựng mô hình điểm "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" năm 2022.
Tại đây, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Sinh đã công bố quyết định thành lập ban điều hành; quyết định về việc ban hành quy chế hoạt động của ban điều hành và cam kết thực hiện "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường" năm 2022. Hoạt động có nội dung như nêu trên cũng vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tổ chức, với lễ ra mắt mô hình tự quản về giảm chất thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Việc triển khai và nhân rộng các mô hình này sẽ góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường ngay tại khu dân cư. Qua đó giúp người dân hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định như: Chứa rác thải bằng vật dụng bảo đảm vệ sinh; bỏ rác đúng nơi quy định; không xả nước thải, không vứt vật nuôi chết bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường... xây dựng khu dân cư trong sạch, không ô nhiễm môi trường sống. Bên cạnh đó, các mô hình này sẽ góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về công tác bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở từng khu dân cư phát triển bền vững.
Thông qua mô hình còn phát huy vai trò của Mặt trận các cấp, các đoàn thể chính trị, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, cơ quan chức năng trong việc vận động nhân dân thi đua xây dựng khu dân cư văn hóa tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu, khu dân cư xanh-sạch-đẹp.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nước ta hiện chưa có nghiên cứu toàn diện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề hoạt động tự quản của nhân dân. Nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được thành lập từ các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và tổ chức khác trong hệ thống chính trị triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình đang phát huy hiệu quả, có những mô hình có sự trùng lặp về nội dung hoạt động; trên cùng một địa bàn nhiều mô hình, nhiều chủ thể tham gia hoặc một chủ thể tham gia nhiều mô hình do đó hiệu quả, chất lượng chưa cao.
Thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận, trao đổi để nhằm bổ sung thêm những căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Ðồng thời, đánh giá làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư giai đoạn hiện nay... Từ đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình tự quản góp phần giúp cấp ủy Ðảng, chính quyền ở cơ sở nâng cao chất lượng quản lý xã hội.