Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành Trung ương; các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk; Tập đoàn cà-phê Trung Nguyên, các chuyên gia kinh tế, du lịch đầu ngành của cả nước và một số thành phố khu vực Tây Nguyên…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng nhấn mạnh, hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đang xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà-phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đây là công việc mới, khó, chưa có tiền lệ ở địa phương nào và là nhiệm vụ quan trọng, mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng.
Vì vậy, hội thảo khoa học này nhằm tìm kiếm các ý tưởng đặc sắc, mới lạ, khác biệt thuộc nhiều lĩnh vực: kinh tế, nông nghiệp, chế biến, không gian kiến trúc, bảo tồn văn hóa… để xây dựng thành phố cà-phê, là điểm đến của những người yêu mến và trải nghiệm về cà phê. Từ đó, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ cụ thể hóa những giải pháp mang tính thiết thực, chính sách có tính đột phá, đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà-phê của thế giới, một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh,... đồng thời, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc…
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thành phố Buôn Ma Thuột với lợi thế nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có 40 dân tộc anh em cùng chung sống, có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, đặc sắc. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có diện tích cà-phê hơn 209.955ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 508.000 tấn, xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tại hội thảo, ngoài các tham luận đề xuất các ý tưởng, đánh giá về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội; đề xuất các giải pháp phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột thành “Thành phố cà-phê của thế giới”... hội thảo còn đi sâu thảo luận, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà-phê và phát triển thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột; thảo luận về thực trạng hoạt động du lịch, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với thương hiệu cà phê; về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà-phê”.
Đồng thời, các ý kiến tại hội thảo đề xuất định hướng phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích quốc gia, phù hợp các nguồn lực và có tính khả thi cao; đề xuất các mô hình tiên tiến về công nghệ và tài chính để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giao dịch và quảng bá cà-phê toàn thế giới; đề xuất giải pháp cải tạo, chỉnh trang, thiết kế đô thị theo định hướng tạo bản sắc riêng cho thành phố Buôn Ma Thuột; triển khai chính sách khuyến kích người dân tham gia xây dựng thương hiệu “Thành phố cà-phê của thế giới”, cơ chế chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và kinh doanh cà-phê, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố...
Trên cơ sở các ý tưởng, ý kiến đóng góp, đề xuất của các nhà quản lý, nhà khoa học, các kiến trúc sư, chuyên gia kinh tế… Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tiếp thu, xây dựng hoàn chỉnh Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.