Phát triển bền vững từ lâm nghiệp

Một trong những điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đó là phải phát triển bền vững.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp của tỉnh đã có những bước khởi sắc, chuyển dần từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Năng suất, chất lượng rừng ngày càng tăng, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Từ năm 2016, Ðảng bộ tỉnh đã đánh giá cần phải khai thác tiềm năng lâm nghiệp để phát triển bền vững. Từ nghị quyết của Tỉnh ủy, nhiều chương trình, kế hoạch, đề án đã ra đời và đi vào cuộc sống. Giai đoạn 2016 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh trồng mới 6.250 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng mới đạt khoảng 100.000 ha, trong đó hơn 13.000 ha rừng gỗ lớn, gần 1.000 ha rừng có chứng chỉ FSC. Tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2020 đạt 73,4%, cao nhất cả nước, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lâm nghiệp. Tính bình quân, mỗi người dân Bắc Kạn hiện có khoảng 1,5 ha rừng. Trồng rừng trở thành phong trào rộng khắp giúp thoát nghèo, nhiều hộ trở thành tỷ phú. Với hơn 274.000 ha rừng tự nhiên, việc sử dụng lâm sản ngoài gỗ, như: Vầu, nứa, nhựa thông, vỏ quế, quả hồi… đã gắn liền với sự sinh tồn của các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. 

Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng cũng cần thấy rằng, chất lượng rừng trồng của Bắc Kạn chưa cao, còn ít rừng gỗ lớn, hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng khi thiếu kết cấu hạ tầng đường lâm nghiệp phục vụ vận chuyển; công nghiệp chế biến gỗ chưa mạnh.

Thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về phát triển nhanh, bền vững, Bắc Kạn cần tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế lâm nghiệp. Do đó, tỉnh xác định, giai đoạn tới trong chuyển dịch cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp thì lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu dưới tán rừng là trọng tâm. Giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đến năm 2025 đạt hơn 2.099 tỷ đồng; duy trì ổn định diện tích rừng trồng khoảng 100.000 ha; tất cả các sản phẩm gỗ rừng trồng có truy xuất nguồn gốc; hơn 50% diện tích rừng keo và hơn 30% diện tích rừng mỡ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo tồn gene (gien) quý…

Trong tháng 4/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025. Trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những mục tiêu phát triển nông lâm nghiệp mà trọng tâm là lâm nghiệp, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Ðây sẽ là bước cụ thể thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.