Nổi bật là Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm triển khai, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp-nông dân-nông thôn Việt Nam lên một tầm cao mới. Đến nay, cả nước có hơn 5.331 xã (64,6%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 351 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng phát triển góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; môi trường, văn hóa xã hội được giữ gìn, phát huy. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, thu nhập bình quân khu vực nông thôn vẫn thấp so với thành thị. Vẫn còn số lượng lớn thanh niên khu vực nông thôn ra các khu vực thành phố tìm việc làm, gây tình trạng quá tải đô thị; khi gặp các biến cố lớn sẽ khó xử lý, gây hệ lụy xã hội phức tạp như tình trạng người dân ồ ạt trở về quê tại các khu công nghiệp, thành phố lớn do dịch Covid-19 vừa qua. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa, có giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững khu vực nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách với thành thị.
Cần chú trọng các giải pháp phát triển khu vực nông thôn gắn với phát triển đô thị, bởi thực tế cho thấy mối quan hệ giữa nông thôn và đô thị ngày càng chặt chẽ, tạo cân bằng trong phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, mỗi cấp ủy, đảng viên cần phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là khu vực nông thôn nâng cao nhận thức, chủ động, tích cực, sáng tạo để tạo những đột phá mới. Như chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả. Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ bằng các mô hình “cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ cao, tác động đến chuỗi giá trị ngành hàng, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”. Các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi. Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hiện đại, có môi trường sống tốt đẹp, tiệm cận các đô thị văn minh. Tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà “ly nông bất ly hương”.