Phát huy tiềm năng đa dạng của cựu chiến binh Việt Nam

 

Ông Cao Xuân Khuông, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An: Lực lượng trung thành, tin cậy bảo vệ Ðảng, bảo vệ thành quả cách mạng

PV: Ðại hội lần thứ IV Hội Cựu chiến binh Việt Nam xác định phát huy tiềm năng đa dạng của cựu chiến binh, tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, chế độ XHCN, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng. Ðề nghị ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề đó?

Trả lời: Toàn Ðảng, toàn dân ta tập trung công sức, trí tuệ để xây dựng, phát triển và đã đạt những thành tựu to lớn qua 20 năm đổi mới. Ðất nước ta có những thời cơ và vận hội mới, nhưng cũng đứng trước khó khăn và thách thức không nhỏ. Các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống Ðảng Cộng sản và chống CNXH ở Việt Nam, trước hết là trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhất là khi nước ta hội nhập kinh tế thế giới.

Trước tình hình đó, Hội Cựu chiến binh phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng hoạt động, duy trì chặt chẽ chế độ sinh hoạt, nhất là sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Hội viên cựu chiến binh tự giác học tập, tu dưỡng đạo đức, lối sống để không ngừng hoàn thiện nhân cách, vững vàng trước mọi tác động khách quan, vượt lên sự cám dỗ trong cuộc sống.

Là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở, Hội Cựu chiến binh và hội viên cựu chiến binh phải là lực lượng xung kích cùng nhân dân cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, lợi dụng chiêu bài đòi dân chủ, nhân quyền và chống quan liêu, tham nhũng để chống lại chế độ và Nhà nước.

PV: Theo ông, làm thế nào để Hội Cựu chiến binh thực hiện được nhiệm vụ đó?

Trả lời: Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng; Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị (khóa IX) đã xác định nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh. Cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Ðảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) đã ban hành pháp lệnh và Chính phủ đã ra nghị định về Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước bảo đảm cho hoạt động của Hội Cựu chiến binh đúng hướng, có hiệu quả.

Vì vậy, Ban Bí thư và các ban của T.Ư Ðảng tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra; QH tăng cường giám sát; Chính phủ tăng cường thanh tra việc quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ðảng để tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng công tác cựu chiến binh; tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp hoạt động của các ngành, MTTQ, đoàn thể đối với công tác xây dựng và hoạt động của Hội Cựu chiến binh trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương và thực hiện các chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước đối với cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh. Hội Cựu chiến binh phải chủ động, nhạy bén làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện.

Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cần có kế hoạch, chương trình bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội một cách cơ bản và toàn diện hơn, bảo đảm cho cán bộ hội các cấp có đủ kiến thức và năng lực hoạt động trong thời kỳ mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Duy Phục (Thực hiện)

 

Ông Phan Huy Vỵ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ðác Nông: Góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, tôn giáo

PV: Hội Cựu chiến binh được Ðảng, Nhà nước, MTTQ đánh giá là một đoàn thể góp phần làm tốt công tác đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Vậy tại địa phương của ông kết quả thế nào?

Trả lời: Tỉnh Ðác Nông nằm ở phía nam Tây Nguyên. Nhân dân các dân tộc của tỉnh cần cù lao động, đoàn kết cộng đồng, có tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất cao nguyên nhạy cảm.

Hội Cựu chiến binh tỉnh Ðác Nông hiện có hơn mười nghìn hội viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và của cán bộ, hội viên cựu chiến binh nói riêng đã được cải thiện rõ rệt, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vùng đồng bào có đạo. Ðời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, đồng bào Kinh - Thượng đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng và sự điều hành của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; các tôn giáo thực hiện phương châm "Sống tốt đời đẹp đạo", mối đoàn kết ngày một khăng khít.

PV: Thưa ông, những kinh nghiệm của cựu chiến binh Ðác Nông trong việc thực hiện đoàn kết đồng bào các dân tộc, các tôn giáo như thế nào?

Trả lời: Hội Cựu chiến binh Ðác Nông chú trọng công tác giáo dục cán bộ, hội viên, chăm lo xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh; tổ chức giao ban luân phiên ở địa bàn để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo Hội các cấp thực hiện. Hội quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên là người dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo, vùng đặc biệt khó khăn; làm tốt công tác tuyên truyền người dân tộc, người có đạo và các chức sắc tôn giáo thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cựu chiến binh và đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc những người tàn tật, cô đơn.

Tại các buổi sinh hoạt thường kỳ, nhất là vào các ngày lễ của đất nước, các dịp kỷ niệm, lễ hội của các dân tộc, các chi hội phân công hội viên cựu chiến binh tham gia tọa đàm, gặp các linh mục, mục sư, quần chúng giáo dân để trao đổi về tình hình an ninh chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc tôn giáo và bà con giáo dân. Trên cơ sở đó tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, giúp đồng bào dân tộc và đồng bào có đạo hiểu rõ cái gọi là "Nhà nước Ðề ga", "Tin lành Ðề ga", để đồng bào không nghe theo bọn xấu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại công cuộc đổi mới của đất nước, chống phá chính quyền.

Hội Cựu chiến binh Ðác Nông phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh đổi mới nội dung và phương thức vận động quần chúng. Thông qua các cán bộ, hội viên cựu chiến binh là người dân tộc thiểu số tại chỗ, hiểu rõ phong tục, tập quán của dân tộc, cùng các đoàn thể xuống các cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo để tuyên truyền, phổ biến về chính sách dân tộc, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước. Hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Tổ chức tập huấn cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; không thả rông gia súc, không nuôi gia súc, gia cầm trong nhà ở; trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao,  trồng xen những cây ngắn ngày với dài hạn...

Ðược tuyên truyền, giáo dục, những người nhẹ dạ cả tin bị mua chuộc, dụ dỗ vượt biên trái phép, đã tự nguyện kiểm điểm trước buôn làng, hứa với các già làng, chính quyền trở về làm ăn và hòa nhập cộng đồng, chấp hành chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu trở thành người có ích của gia đình và xã hội.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, tỉnh Ðác Nông đã động viên đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo yên tâm làm ăn, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhiều cựu chiến binh người dân tộc đã tự nguyện bỏ đạo, xin vào Hội Cựu chiến binh để được vay vốn, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng và bảo vệ buôn làng, quê hương, làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hiếu (Thực hiện)

 

Bà Lê Thị Thanh Liêm, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre: Nâng cao hiệu quả phong trào cựu chiến binh giúp nhau xóa đói, giảm nghèo

PV: Thưa bà, Bến Tre là một tỉnh gặp rất nhiều khó khăn sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, nhưng đến nay địa phương đã có bước phát triển đáng kể về kinh tế - xã hội.  Xin bà cho biết vai trò của Hội Cựu chiến binh trong công tác này là như thế nào?

Trả lời: Sau ngày đất nước thống nhất, Bến Tre là tỉnh nghèo nhất đồng bằng sông Cửu Long. Hai phần ba diện tích đất của tỉnh bị nhiễm mặn. Thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất, gần 55% số hộ cựu chiến binh gặp khó khăn, 32% số hộ nghèo.

Thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre phát động cuộc thi đua "Ðồng Khởi mới" động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên quê hương Ðồng Khởi. Cựu chiến binh cùng với nhân dân tiến công vào mặt trận kinh tế, thay đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ðặc biệt, từ khi có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác cựu chiến binh trong giai đoạn mới", bên cạnh tăng cường củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động mọi mặt, Hội CCB tỉnh Bến Tre quan tâm phát triển kinh tế.

Phong trào Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói, giảm nghèo phát triển sôi nổi, rộng khắp, kết hợp tác động tích cực của các chính sách đúng đắn của Nhà nước, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền, cho nên đời sống của cựu chiến binh ở Bến Tre ngày càng được thay đổi. Năm 2006, tại Hội nghị thi đua đã bình chọn 1.035 cựu chiến binh sản xuất giỏi (trong đó cấp toàn quốc là 17, cấp tỉnh là 96, cấp huyện, thị là 922). Ðiển hình là cựu chiến binh Bùi Văn Sao, ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày. Khi rời quân ngũ trở lại quê hương được đồng đội giúp đỡ vốn và kinh nghiệm, cộng với lao động cần cù, sáng tạo, anh Sao đã thành công trong mở trang trại  nuôi lợn nái, lợn thịt cung cấp  cho thị trường, hằng năm xuất chuồng từ 1.500 đến 2.000 con lợn. Tạo việc làm  cho 120 gia đình, có 70 gia đình cựu chiến binh.

Cựu chiến binh Trường Ngân, ở thị xã Bến Tre, nghiên cứu, tạo ra 30 mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cây dừa, tạo việc làm và ổn định đời sống 200 lao động; lợi nhuận hằng năm thu hơn 300 triệu đồng...

PV: Từ thực tế, tỉnh đã rút ra bài học kinh nghiệm gì để tiếp tục phát huy vai trò của Hội và hội viên cựu chiến binh trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi?

Trả lời: Ðó là thực hiện đúng, sáng tạo đường lối, chủ trương đổi mới của Ðảng vào thực tiễn ở địa phương. Hội Cựu chiến binh tỉnh khảo sát, nắm chắc tình hình, có kế hoạch xây dựng Hội vững mạnh toàn diện, động viên hội viên phát huy tốt bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tự lực tự cường vượt lên chính mình để thoát nghèo.

Giữ vững lời thề thứ bảy của QÐND Việt Nam: Trên tinh thần yêu giai cấp hết lòng thương yêu đồng đội, đoàn kết giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu. Từ đó các cựu chiến binh tự nguyện đóng góp xây dựng Quỹ vì đồng đội, Vườn tình thương, Ao cá tình thương... giúp các hộ nghèo vươn lên làm kinh tế đạt hiệu quả.

Hội viên cựu chiến binh tích cực tham gia học tập, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, có thu nhập cao phù hợp thời kỳ kinh tế hội nhập.

Cựu chiến binh sử dụng vốn được Nhà nước cho vay ưu tiên đúng mục đích, đạt hiệu quả trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

PV: Xin cảm ơn bà!

Anh Nam (Thực hiện)