Phát huy thế mạnh của Khu kinh tế Nghi Sơn

Năm 2013, Thanh Hóa vượt lên đứng thứ hai trên cả nước về thu hút vốn FDI và đến nay, tỉnh thu hút được 41 dự án FDI với tổng mức đầu tư gần 16 tỷ USD. Một trong những đầu tàu tạo sự bứt phá đó là Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn. Với nhiều lợi thế vượt trội, KKT Nghi Sơn là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để trở thành KKT ven biển chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng Bắc Trung Bộ, KKT Nghi Sơn vẫn cần giải quyết những vấn đề tồn tại một cách linh hoạt và phù hợp.

Tàu cập cảng Nghi Sơn bốc, dỡ hàng.
Tàu cập cảng Nghi Sơn bốc, dỡ hàng.

Cuối năm 2013, dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí đến thời điểm này: dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức khởi công tại KKT Nghi Sơn. Với tổng vốn đầu tư lên đến chín tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm, dự án có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Ðây cũng là dự án có quy mô lớn nhất tại KKT Nghi Sơn, tạo sức lan tỏa và động lực mới trong thu hút đầu tư vào KKT Nghi Sơn và vùng phụ cận.

Bên cạnh dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, tại KKT Nghi Sơn còn có các dự án lớn quan trọng khác đã, đang được đầu tư và đi vào hoạt động. Ðó là Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư hơn bốn tỷ USD, gồm Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (công suất 600MW), tổng vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng do EVN làm chủ đầu tư đã phát điện tổ máy số 1 và đầu năm 2014 là tổ máy số 2. Bên cạnh đấy, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (công suất 1.200 MW), tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD, do Tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản và Công ty Ðiện lực Hàn Quốc (Kepco) thực hiện, dự kiến quý 4-2014 khởi công xây dựng. Ðây là dự án nhiệt điện đầu tiên áp dụng công nghệ siêu tới hạn, được sử dụng than nhập khẩu, góp phần nâng cao hiệu suất, giảm tiêu thụ than, giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác. Ngoài ra còn có nhà máy sản xuất giày Annora, đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2012 thu hút hơn 7.500 lao động, sản xuất 12 triệu đôi giày, dép/năm; đặc biệt, Nhà máy xi-măng Nghi Sơn và Nhà máy xi-măng Công Thanh có tổng công suất 10 triệu tấn/năm duy trì sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả.

Ðến nay, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 82 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký gần 100 nghìn tỷ đồng và tám dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD. Trong số đó có 35 dự án đã đi vào hoạt động, còn lại hầu hết đang triển khai xây dựng. Tỷ lệ dự án đã lấp đầy tại KKT trên 60%. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai lập quy hoạch mở rộng diện tích KKT Nghi Sơn từ 18.600 ha lên 45.000 ha. Trưởng Ban quản lý KKT Nghi Sơn Trần Hòa khẳng định: KKT Nghi Sơn hiện đang áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất của Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ đặc biệt của tỉnh Thanh Hóa, đây là môi trường đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Nhà máy xi-măng Nghi Sơn Nguyễn Thế Hải chia sẻ: Từ năm 1997, Nghi Sơn đã nằm trong tầm nhìn chiến lược của các nhà quy hoạch, quản lý và đối tác đầu tư Nhật Bản. Ðến nay, nhà máy đang hoạt động ổn định với năng lực sản xuất 4,6 triệu tấn xi-măng/năm, tạo việc làm cho hơn 600 lao động, thu nhập bình quân tám triệu đồng/người/tháng.

KKT Nghi Sơn có lợi thế đặc biệt về giao thông như: đường bộ, đường thủy, đường sắt. Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng cảng biển nước sâu, cùng với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tổng hợp, nơi đây sẽ trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung Bộ và Việt Nam, là cửa ngõ chính của Tam giác kinh tế phía bắc. Ngoài việc hội tụ đủ các yếu tố về hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, KKT Nghi Sơn còn được áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước dành cho KKT. Ðây là những lợi thế để KKT Nghi Sơn thu hút được lượng vốn đầu tư lớn như vừa qua. Tuy nhiên, những lợi thế và chính sách ưu đãi đầu tư của KKT Nghi Sơn sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa để có thể thu hút được những dự án có quy mô đầu tư lớn nếu khắc phục được những bất cập, hạn chế mà KKT này đang gặp phải. Ðó là tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề, đồng thời tiếp tục giải quyết linh hoạt và kịp thời chính sách ưu đãi, dịch vụ và môi trường đầu tư.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn Võ Thị Thanh Ngọc cho rằng, để tiếp tục thu hút đầu tư vào KKT Nghi Sơn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; bảo đảm các điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất.

Một trong những giải pháp quan trọng khác nhằm phát huy tốt hiệu quả tiềm năng thế mạnh của KKT là cần điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng phát triển lâu dài, ổn định, tránh tình trạng phát triển nóng các dự án đầu tư nhưng không mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, cần tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội còn tồn tại, tạo điều kiện bằng các chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ năng lực sản xuất, thiết thực giúp người dân vùng dự án sau tái định cư ổn định cuộc sống.

Khu kinh tế Nghi Sơn với thế mạnh của một khu kinh tế tổng hợp cùng các chính sách ưu đãi, đang dần hoàn thiện để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để hoạt động phù hợp hơn với giai đoạn phát triển mới, KKT này cần tập trung thu hút những dự án thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên...