Theo Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Nguyễn Công Hinh: Mô hình thử nghiệm TTHTCÐ ra đời tại Việt Nam từ những năm 1997 - 1998. Ðến nay, mạng lưới TTHTCÐ tiếp tục phát triển mạnh, cả nước có khoảng 11 nghìn TTHTCÐ, trong đó có 53 tỉnh, thành phố đạt 100% số xã, phường, thị trấn có TTHTCÐ (chiếm tỷ lệ 98,77%). Số lượng các TTHTCÐ đang tiếp tục tăng lên và tạo cơ hội cho hàng chục triệu lượt người được học tập với nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và giữ vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Nhiều TTHTCÐ đã mang lại hiệu quả tích cực. Ðiển hình như các TTHTCÐ ở Ðồng Nai tổ chức phối hợp, liên kết với các ban ngành, đoàn thể tổ chức, cá nhân ở địa phương mở các lớp tập huấn, lớp học hướng dẫn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây kiểng, bon sai; trồng rau sạch, rau an toàn; trồng cây lâu năm hoặc cây ngắn ngày có giá trị; nữ công gia chánh, cắm hoa, nấu ăn... Chỉ tính riêng từ tháng 5-2013 đến ngày 30-4-2014, ở các TTHTCÐ tỉnh Ðồng Nai có hơn 609 nghìn lượt người tham gia các hoạt động tư vấn sức khỏe cộng đồng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và hơn 308 nghìn lượt người tham gia các hoạt động phổ biến chuyên đề về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, các TTHTCÐ đã huy động hàng nghìn học viên là người lao động ra học xóa mù chữ, vận động trẻ có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ ra học các lớp phổ cập. Các hoạt động dạy nghề, dạy các chuyên đề cho cộng đồng đã góp phần tạo hiệu quả cho xã hội, một số hộ gia đình thông qua các lớp nghề ngắn hạn phát triển kinh tế gia đình đã trở thành hộ khá giả, hỗ trợ lại cho cộng đồng, cùng phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Có thể nói, TTHTCÐ đóng vai trò quan trọng, là công cụ thiết yếu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Sự phát triển nhanh về quy mô, hệ thống các trung tâm đã khẳng định vai trò hiệu quả trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học, xây dựng đoàn kết nội bộ trong nhân dân, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để các TTHTCÐ thật sự phát huy hiệu quả, Bộ GD và ÐT cần tăng cường tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, tổ chức hoạt động cũng như xây dựng và ban hành tài liệu, học liệu dạy chuyên đề tại các TTHTCÐ. Bên cạnh đó, Bộ GD và ÐT cần có những quy định cụ thể về chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên phụ trách của trung tâm.
Theo Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số TTHTCÐ hoạt động chưa hiệu quả, nhiều trung tâm còn hoạt động mang tính hình thức hoặc không hoạt động; tài liệu học tập chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu học tập của người dân; nguồn thu chưa được khai thác để tổ chức hoạt động; cơ sở vật chất chưa được tận dụng triệt để; các chuyên đề gắn với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh của từng nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng chưa được chú trọng. Nhiều TTHTCÐ phát huy hiệu quả trong những năm đầu thành lập, nhưng sau đó không thu hút được người học vì nội dung hoạt động lặp lại và không đáp ứng được với sự thay đổi trong nhu cầu học tập của cộng đồng qua thời gian. Ðáng chú ý, trụ sở của trung tâm xây dựng tại vị trí không phù hợp, xa khu dân cư, cho nên khó thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Một số TTHTCÐ hiện đã xuống cấp do thiếu các điều kiện bảo quản, nhiều công trình bị hư hỏng còn do không được sử dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, nguồn kinh phí hoạt động của các TTHTCÐ không đủ để thực hiện việc tu sửa các hư hỏng.
VÌ vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả, các địa phương cần đánh giá đúng vai trò của TTHTCÐ. Nhất là chính quyền cấp xã cần quan tâm sâu sắc đến hoạt động và coi TTHTCÐ là công cụ, phương tiện để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân của chính địa phương mình. Ngoài ra, nội dung hoạt động của TTHTCÐ cần đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm địa bàn dân cư, trình độ phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Ðồng thời, động viên, khuyến khích những người có kinh nghiệm tăng gia, sản xuất, những nghệ nhân và các chuyên gia trong từng lĩnh vực tham gia phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật tại TTHTCÐ.
Các TTHTCÐ tại các địa phương đã tích cực mở các lớp xóa mù chữ, vừa phối hợp huy động số người mù chữ trong độ tuổi ra các lớp học xóa mù chữ, vừa đẩy mạnh các hoạt động đổi mới nội dung, phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng. Hiện, số người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 chiếm tỷ lệ 99,12%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36 đến 60 chiếm tỷ lệ 97,34%. Nguồn: Bộ GD và ÐT |