Phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch

Lâm Đồng - tỉnh nằm ở phía nam Tây Nguyên - là vùng đất chất chứa tài nguyên di sản văn hóa phong phú và độc đáo với nhiều phong tục, tập quán, sắc màu thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc, lễ hội văn hóa dân gian… của 47 dân tộc anh em. Trong đó, tài nguyên văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa có sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Người Cơ Ho Srê ở Lâm Đồng trong lễ hội mừng lúa mới.
Người Cơ Ho Srê ở Lâm Đồng trong lễ hội mừng lúa mới.

Lâm Đồng có hơn 25,7% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh lợi thế cảnh quan thiên nhiên, khí hậu ôn hòa, những dòng sông, thác nước kỳ vĩ, Lâm Đồng có tài nguyên văn hóa dân tộc bản địa phong phú, đa dạng như cảnh quan buôn làng, nghệ thuật kiến trúc đặc thù, nghề thủ công, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống… Đây là tiềm năng để phát triển du lịch.

Tài nguyên văn hóa bản địa

Chúng tôi hòa vào dòng người dự Liên hoan ẩm thực và rượu cần Lang Biang lần thứ nhất, do huyện Lạc Dương tổ chức. Những bếp lửa rực hồng dưới chân núi Lang Biang. Du khách bị quyến rũ bởi sắc mầu và mùi vị của các món ăn từ sản vật núi rừng nơi đây được chế biến theo phong cách ẩm thực truyền thống bản địa cùng các cô gái trong trang phục thổ cẩm của người Cơ Ho bản địa. Vít cần rượu ủ lúa rẫy nồng nàn, đồng chí Cil Poh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, người con của đồng bào Cơ Ho bản địa, chia sẻ: “Có những thứ tự nhiên mất đi, nhưng cái gì thuộc về căn cốt văn hóa thì trường tồn và ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Ho mình là một thứ căn cốt như thế. Hôm nay chúng ta may mắn được thưởng thức những món ăn chỉ có trong dịp lễ trọng”.

Và ý tưởng phát triển du lịch ẩm thực truyền thống đang được triển khai ở cao nguyên Lang Biang huyền thoại. Trong dịp mùa hội cỏ hồng Lang Biang diễn ra vào tháng 11 hằng năm, những chàng trai Cơ Ho có dịp trổ tài, bay bổng trên lưng ngựa không yên chinh phục cuộc đua kỳ thú; những cô gái miền sơn cước thể hiện tài ủ rượu cần, chế biến món ăn. Đêm xuống, khi ngọn lửa thiêng bùng cháy, họ hòa vào nhịp điệu cồng chiêng, ngâm nga khúc tăm pớt, điệu yal yau… Đêm cứ dài bất tận, vòng xoang “nở” rộng, nhịp chiêng ngân dài, cư dân bản địa và du khách hòa vào cuộc vui.

Huyện Lạc Dương hiện có hơn 10 nhóm biểu diễn âm nhạc cồng chiêng phục vụ du lịch. Chính những đêm đỏ lửa, sau hồi tù và truyền tải thông điệp với thần linh, những món ăn dân gian, hương rượu cần và văn hóa truyền thống nơi đây được lan tỏa đến du khách. Theo phân tích của nhà nghiên cứu văn hóa Krajan Dick, ở Lạc Dương, văn hóa và du lịch đã hòa quyện, tôn phong nhau. Để có những bài chiêng, điệu xoang, câu yal yau, tăm pớt phục vụ du khách họ phải tìm hiểu, học hỏi, tập luyện, nhưng cũng nhờ vậy mà đã góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống. Ngược lại, văn hóa đã chắp cánh cho du lịch, giúp người dân có đời sống tươi mới hơn.

...Ngọn lửa cháy cạn, rượu cần đã nồng nàn, truyền thuyết Lang Biang vẫn được già làng kể như lời tự tình với du khách. Ngồi bên tôi, chị Thu Hà, du khách đến từ Cần Thơ chia sẻ: “Mình đi du lịch khá nhiều nơi rồi. Nhưng đây là lần đầu tiên mình đến với miền đất này. Văn hóa Tây Nguyên có sức hút kỳ lạ”. Với khoảng 70% đồng bào dân tộc bản địa sinh sống, Lạc Dương vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của người Cơ Ho Cil, người Lạch, đó là không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội, âm nhạc truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và rượu cần. Năm 2022, miền đất này thu hút hơn 2,1 triệu lượt du khách, mang lại doanh thu hơn 187 tỷ đồng. “Chúng tôi luôn quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bản địa gắn với phát triển du lịch. Qua đó, mong muốn giới thiệu, quảng bá vùng đất, con người và văn hóa địa phương”, ông Cil Poh cho biết.

Đêm nay có khách hẹn trước, buôn làng người Chu Ru ở Diom A, huyện Đơn Dương rộn ràng hơn thường lệ. Trước sân nhà truyền thống, nhịp chiêng quyện trong điệu rơkel (kèn bầu) tấu khúc dân vũ Păhgơnăng tưng bừng, hối hả mời mọi người nhập cuộc. Trong ánh lửa bập bùng, Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio mở lời: “Lâu nay cũng có nhiều đoàn khách du lịch muốn sống trong miền văn hóa Chu Ru. Khi họ gọi đặt, mình huy động các cháu là học trò các lớp cồng chiêng, dân ca, dân vũ của mình tham gia. Qua đó, các cháu có cơ hội biểu diễn, ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc và có thêm thu nhập”.

Bà Ma Bio là người có công khôi phục, làm sống lại các điệu Tamya (múa) của người Chu Ru. Bà thuần thục các điệu chiêng, biết đánh trống, thổi rơkel. Qua nhiều lớp truyền dạy, hơn 150 đứa học trò của bà đã biết chơi nhiều nhạc cụ truyền thống của người Chu Ru, biết hát dân ca, biết các điệu dân vũ Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Dămtơra… “Mình mong muốn nhiều người biết đến văn hóa dân tộc mình. Nhưng để lan tỏa phải nhờ các cấp, các ngành thôi”, nghệ nhân Ma Bio tỏ bày.

Từ cao nguyên Lang Biang xuôi về miền trầm tích Cát Tiên bên dòng Đồng Nai, sức hút từ làng gà Đarahoa, làng dệt thổ cẩm K’Long của người Cơ Ho Cil (huyện Đức Trọng); làng đan lát người Cơ Ho Srê (huyện Di Linh), văn hóa làng người Mạ (TP Bảo Lộc), làng gốm Krăng Gọ và sự huyền bí của chiếc nhẫn Srí người Chu Ru (huyện Đơn Dương)… khiến du khách ước muốn tìm về. Trên hành trình đó, nếu đúng dịp, du khách có thể được hòa vào không gian lễ hội theo chu kỳ cây lúa và các tục lệ truyền thống, như lễ sih srê (gieo sạ), nhô wèr (cúng dưỡng lúa), nhô r’he (mừng lúa mới), hay lễ cúng thần đập nước bơ mung…

Phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ảnh 1
Không gian văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên thu hút du khách.

Chị Ka Đông ở làng gà Đarahoa đã có thâm niên hơn 10 năm làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”. Với vốn liếng tiếng Anh tự học đã giúp chị truyền thông điệp về sự tích làng gà, gắn với chế độ mẫu hệ, tục thách cưới của dân tộc mình đến những vị khách nước ngoài. Nhờ duyên kể chuyện, những người con của núi như Ka Đông đã “kéo” được du khách về với buôn làng, để những tấm thổ cẩm, đồ lưu niệm của đồng bào các dân tộc nam Tây Nguyên theo chân cùng khách phương xa lan tỏa.

Hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch

Phần lớn du khách đến với Đà Lạt-Lâm Đồng, hay quyết định quay trở lại là vì sự cuốn hút từ văn hóa của các dân tộc bản địa nơi đây. Thời gian qua, Lâm Đồng triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu. Tỉnh đã mở 63 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 1.600 thanh, thiếu niên người dân tộc Tây Nguyên; kiểm kê và công nhận 17 di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức 15 kỳ lễ hội văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh, tôn vinh gần 100 nghệ nhân cồng chiêng tiêu biểu, phục dựng hàng chục nghi lễ, lễ hội; công nhận 33 làng nghề truyền thống…

Với vốn tài nguyên đồ sộ ấy, cần giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại. Nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác, phát huy giá trị thì sẽ lãng phí; nhưng nếu chỉ khai thác kiểu thương mại hóa mà không bảo tồn lại sẽ làm phai nhạt, thậm chí hủy hoại các di sản văn hóa bản địa đặc sắc. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Trần Thanh Hoài cho rằng: “Phải lấy bản sắc văn hóa đặc trưng (với sự khác biệt) để phát huy thành sản phẩm du lịch. Bởi sự hấp dẫn du lịch suy cho cùng là sự hấp dẫn về văn hóa”.

Xác định du lịch là ngành kinh tế động lực của tỉnh, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch; chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch phát triển du lịch để kịp thời định hướng phát triển du lịch của từng địa phương cũng như thu hút các dự án, công trình trọng điểm tạo đột phá trong phát triển du lịch. Mới nhất là Nghị quyết số 18 (ngày 25/7/2022) về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.

Trong đó thể hiện mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa có lợi thế địa phương gắn với phát triển du lịch; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh gắn kết với các hoạt động du lịch. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn; cùng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề địa phương, giai đoạn 2022-2030.

Thời gian qua, nhiều di sản văn hóa bị mai một bởi nhiều nguyên nhân, trong đó không gian cư trú, văn hóa nương rẫy, văn hóa rừng bị thay đổi; nhiều nghi lễ truyền thống gắn với chu kỳ nông nghiệp của các tộc người bản địa gần như chỉ còn thấy qua “trình diễn”. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nhưng cần có cách để giá trị văn hóa phát triển có truyền thống, có tiếp biến và sử dụng được trong môi trường du lịch, đó chính là vấn đề cần hóa giải.

Hoạt động du lịch khai thác những điều tốt đẹp từ văn hóa bản địa tại Lâm Đồng cho thấy, đồng bào dân tộc bản địa vẫn ước muốn, thông qua cầu nối du lịch văn hóa, những sản phẩm truyền thống của họ vượt ra khỏi ranh giới buôn làng. Tuy nhiên, để có sự phát triển bền vững, phải gắn kết chặt chẽ giữa việc khai thác, phát huy với việc gìn giữ, tôn tạo và chia sẻ lợi ích với cộng đồng bản địa.

“Chú trọng phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên kết tinh thành sản phẩm du lịch”, đó là lưu ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng ngày 20/11/2022. Nếu làm được như thế, những cung đường vào các buôn làng ở Lâm Đồng sẽ tấp nập du khách; những làng dệt thổ cẩm, làng gốm và những đêm nhạc cồng chiêng huyền thoại… sẽ trở thành điểm đến độc đáo trên hành trình khám phá văn hóa vùng nam Tây Nguyên của du khách.