Phát huy giá trị di tích thành Tân Sở ở Quảng Trị

Sự kiện vua Hàm Nghi và các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường chọn thành Tân Sở ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, làm “kinh đô kháng chiến”, ra Dụ Cần vương kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược đã để lại bài học quý về lòng yêu nước cho hậu thế.
0:00 / 0:00
0:00
Nghinh rước long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu đại nội Huế về an vị và thờ phụng tại đền thờ ở Di tích thành Tân Sở.
Nghinh rước long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu đại nội Huế về an vị và thờ phụng tại đền thờ ở Di tích thành Tân Sở.

Với những giá trị đặc biệt, thành Tân Sở được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia từ năm 1995, trở thành điểm đến không thể thiếu của nhiều người. Tuy nhiên, để phát huy tốt hơn nữa giá trị di tích, ngoài cố gắng của địa phương, cần có sự quan tâm đặc biệt của Trung ương.

Nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Trị thời gian này đang tập trung tư vấn thiết kế và nội dung cho nhà trưng bày (bảo tàng) phong trào Cần Vương thuộc Di tích quốc gia thành Tân Sở sao cho thuyết phục, giúp du khách, nhất là thế hệ trẻ mỗi khi đến thăm dễ hình dung và cảm nhận được rõ ràng nhất khí thế Cần Vương giúp vua đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của cha ông đi trước.

“Kinh đô kháng chiến” Tân Sở

Không chịu khoanh tay nhìn đất nước bị dày xéo dưới sự xâm lược của thực dân Pháp, vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, nhóm chủ chiến của triều đình nhà Nguyễn gồm các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Tham tri Lâm Hoằng cùng các vị tướng Lê Sỹ, Lê Chuẩn, Nguyễn Trung… tìm cách chống giặc ngoại xâm. Tháng 8/1883, khi thực dân Pháp thực hiện chiếm kinh đô Huế lần thứ hai từ đường biển, trong trận huyết chiến bảo vệ cửa Thuận An từ ngày 18 đến 20/8, Tham tri Lâm Hoằng bị thương, nhảy xuống biển tuẫn tiết để giữ trọn thanh danh.

Tiếc thương cho một con người suốt đời tận tuỵ vì Tổ quốc, Triều đình nhà Nguyễn truy phong cho cụ Lâm Hoằng là Thượng thư Bộ công. Đỉnh cao của phong trào chủ chiến là sự kiện đại thần Tôn Thất Thuyết tổ chức quân triều đình tấn công phủ đầu các trại lính và Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế vào rạng sáng 5/7/1885 (ngày 23/5 âm lịch) để giành thế thượng phong trước giặc ngoại xâm.

Cuộc tấn công thất bại, các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường… cùng vị vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi rời kinh thành Huế trong sáng 5/7/1885, ra căn cứ Tân Sở đã được xây dựng trước đó để tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến.

Khi mới đến Tân Sở, vua Hàm Nghi ở lại trong ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hạnh. Ngày 13/7/1885 tại Tân Sở, vua ra Dụ Cần vương, kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Từ Tân Sở, phong trào Cần Vương đã lan rộng cả nước, khiến chính sách bình định của thực dân Pháp liên tiếp thất bại. Mặc dù sau đó vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt vào năm 1888, rồi đưa đi lưu đày ở Algérie, nhưng dưới sự lãnh đạo của các tướng sĩ, những cuộc nổi dậy chống giặc ngoại xâm vẫn nổ ra khắp nơi.

Các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương đã dẫn dắt cuộc kháng chiến cho tới giờ phút cuối cùng, truyền đi thông điệp về lòng yêu nước bất khuất. Phong trào Cần Vương thất bại bởi sự vượt trội về quân sự của giặc ngoại xâm. Song tình cảm của người dân dành cho vua Hàm Nghi và những tướng sĩ luôn hiện hữu, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi khi nhắc đến câu chuyện này.

Vì vậy, việc quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành Tân Sở để giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ có ý nghĩa rất to lớn. Hội thảo khoa học “Tân Sở với phong trào Cần Vương” mang tầm quốc gia do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ phối hợp với Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Cục Di sản… tổ chức đã khẳng định Cần Vương là phong trào yêu nước vĩ đại nhằm chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19, được phát động từ thành Tân Sở vào ngày 13/7/1885, sau đó lan rộng ra cả nước, sôi nổi nhất là Trung kỳ, duy trì trong hơn 10 năm.

Thành Tân Sở, nơi vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương, là nơi nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa của phong trào yêu nước chống thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; tiền đề của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản. Vì vậy, thành Tân Sở có một vai trò lớn lao trong tiến trình cách mạng của dân tộc.

Để làm rõ hơn vai trò, kiến trúc của thành Tân Sở, Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Trị phối hợp Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế tiến hành nghiên cứu khảo cổ di tích này, khẳng định thành được xây dựng từ năm 1883 đến năm 1885. Thời điểm huy động lực lượng xây dựng cao nhất đến hàng chục nghìn người bao gồm binh lính, dân phu… và thợ thuyền từ khắp các tỉnh; trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nhân dân Quảng Trị.

Phát huy giá trị di tích thành Tân Sở ở Quảng Trị ảnh 1

Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.

Thành có hai vòng thành: Thành ngoại có hình chữ nhật chạy theo hướng nam-bắc, chiều dài 548m, chiều rộng 418m, tổng diện tích là 22,9ha. Bên ngoài được tận dụng các đường nước tự nhiên từ các hồ chung quanh khu vực để tạo thành hào thành bao bọc ở ba phía đông, nam và tây. Các bờ lũy đắp bằng đất nện chặt, theo cách thức lấy đất đào từ hào để đắp lũy. Dưới hào trồng tre la ngà, loại tre bụi, nhiều gai ken dày. Thành có bốn cửa tiền, hậu, tả, hữu theo các hướng nam, bắc, tây và đông. Bên trong là thành nội có hình vuông, mỗi chiều 250m. Thành nội có các công trình kiến trúc quan trọng như tiền đường, hậu đường, chánh sứ, phó sứ, bang tá…

Cần bảo tồn, tôn tạo thành di tích quốc gia đặc biệt

Tuy nhiên, những biến động xã hội, chiến tranh và thiên tai đã gần như xóa sạch dấu vết trên thực địa của thành Tân Sở. Nhờ sự quyết liệt của Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ, di tích bắt đầu được khôi phục từng bước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Anh Tuấn phân tích, với những giá trị lớn lao của mình, di tích thành Tân Sở cần được tập trung quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo để phát huy và khai thác một cách khoa học trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội hiện tại và tương lai.

Với nỗ lực tạo ra những giá trị năng động của di tích, tháng 7/2019, Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ đã triển khai dự án Quy hoạch, đầu tư tôn tạo di tích thành Tân Sở; khởi công xây dựng công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương theo phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Sau khi đền hoàn thành, ngày 12/7/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lộ tổ chức nghinh rước long vị vua Hàm Nghi từ Thế Miếu đại nội Huế, linh vị các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường từ quê hương đưa vào đền an vị và thờ phụng.

Hiện tại, Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ đã quy hoạch khu di tích có diện tích 25,4ha để khoanh vùng bảo vệ. Tuy việc đầu tư, tôn tạo mới thực hiện được từng bước khiêm tốn do khó khăn về kinh phí, nhưng di tích thành Tân Sở đã trở thành địa chỉ không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Quảng Trị.

Nhằm phát huy cao nhất giá trị của di tích, huyện Cam Lộ vừa quyết định đầu tư xây dựng nhà trưng bày (bảo tàng) phong trào Cần Vương nhằm trưng bày các hiện vật thuộc thời kỳ Cần Vương và liên quan đến phong trào, chứ không riêng ở thành Tân Sở và Quảng Trị. Bên cạnh những tư liệu từ chính sử của triều Nguyễn, tài liệu của các nhà nghiên cứu người Pháp, người Việt Nam, thì các nguồn tư liệu từ khảo sát thực địa tại vùng Cùa (hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa), nơi có thành Tân Sở và các địa điểm khác đã bổ sung nhiều tư liệu quý giá sau khi nhà trưng bày hoàn thành xây dựng.

Đặc biệt là các gia phả, di vật có liên quan đến Tân Sở, trong đó đáng chú ý là bản Dụ Cần vương bằng chữ Hán, những viên đạn thần công… Mới đây, Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi đã đến thăm Di tích lịch sử quốc gia thành Tân Sở. Bà xúc động, vinh dự và tự hào khi được đặt chân đến nơi mà bậc tiền nhân của mình chọn làm “kinh đô kháng chiến”, ra Dụ Cần vương.

Bà cho biết sẽ tặng một kỷ vật quý giá mà nhà vua từng sử dụng khi ở Algérie, đó là ống điếu hút thuốc được gia đình lưu giữ qua nhiều thế hệ cho Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương khi bà trở lại Việt Nam trong thời gian tới. Bà đang và sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị liên quan ở Việt Nam trong việc chia sẻ những dữ liệu gốc, đưa các di vật của vua Hàm Nghi về nước, ưu tiên cho di tích thành Tân Sở nhằm làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp và những nỗi niềm của vị vua yêu nước cho hậu thế.

Theo nhà nghiên cứu Lê Đức Thọ, trong những ngày Tổ quốc lâm nguy, dù đang tuổi thiếu niên nhưng vua Hàm Nghi đã làm tròn sứ mệnh của một người đứng đầu đất nước, quyết giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp đến cùng, cho nên vua Hàm Nghi cần được tôn vinh xứng đáng. Hiện các giải pháp, phương án tôn tạo, tôn vinh tiếp theo được các nhà khoa học, tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ xác định là đúc tượng đồng vua Hàm Nghi đứng trên bệ đá, tay cầm Dụ Cần vương; xây dựng công trình bản khắc toàn bộ nội dung Dụ Cần vương bằng hai thứ tiếng Hán và Việt trong khuôn viên di tích.

Tiếp đến, cần phục hồi vài đoạn thành ngoại với bờ lũy, vài đoạn thành nội, cổng thành; hành cung và các công trình khác như tu bổ giếng nước trong vườn nhà ông Trần Văn Hạnh ở làng Bảng Sơn, nơi lấy nước phục vụ vua Hàm Nghi và đoàn. Tạo không gian tại di tích dành cho hoạt động lễ hội để tổ chức lễ hội “Tân Sở dấy nghĩa Cần Vương” theo định kỳ có sức chứa hàng nghìn người dân địa phương và du khách. Việc bảo tồn, tôn tạo di tích thành Tân Sở nhằm hướng đến phát huy và khai thác di tích vì lợi ích cộng đồng, gắn với cộng đồng.

Địa phương đang quyết tâm hiện thực hóa nhiều nội dung trong quy hoạch tôn tạo di tích để hướng đến lễ hội kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ra Dụ Cần vương tại thành Tân Sở, vào năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, Quảng Trị rất tự hào, vinh dự khi trên địa bàn có di tích quốc gia nổi tiếng thành Tân Sở. “Kinh đô kháng chiến Tân Sở” và phong trào Cần Vương cần được tập trung nghiên cứu một cách đầy đủ hơn nữa để tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích nhằm tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ về tinh thần yêu nước của vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương, để nhắc nhở con cháu đời sau luôn biết ơn quá khứ, trân trọng, nâng niu hiện tại và tương lai.

Bài học về phong trào Cần Vương luôn có giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Việc phục hồi, tôn tạo di tích, ngoài bằng ngân sách, cần phải được xã hội hóa, tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, các hội và tổ chức quần chúng nhân dân. Tỉnh rất mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đầu tư kinh phí giúp thực hiện các hạng mục đã được quy hoạch bảo tồn, tôn tạo nhằm nâng tầm di tích xứng đáng với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của phong trào Cần Vương, đủ điều kiện công nhận thành Tân Sở là di tích quốc gia đặc biệt.