Để chuẩn bị cho hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học của Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Phúc Yên đã tiến hành khảo sát các địa điểm của Chiến khu Ngọc Thanh.
Các nhà nghiên cứu đã ghi chép chuyện kể từ các nhân chứng lịch sử còn lại, đánh giá thực trạng tại các điểm di tích của Chiến khu và các di tích liên quan. Qua đó cho thấy, có một địa điểm còn lại nhiều dấu tích là Trạm Quân y dược, được thành lập tháng 6/1947. Trạm Quân y dược đặt tại nhà cụ Lý Thị Hai (dân tộc Sán Dìu), thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, là nơi bào chế thuốc tân dược, điều trị sơ cứu kịp thời cho thương, bệnh binh trước khi chuyển lên tuyến trên.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học khẳng định, Chiến khu Ngọc Thanh là cơ sở cách mạng có vị trí quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, là ngã ba của con đường kháng chiến bí mật từ Hà Nội lên Việt Bắc qua đèo Nhe, đèo Khế. Nơi đây được Trung ương chọn làm Chiến khu I trong Liên khu Việt Bắc, cùng dân tộc trải qua chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vùng đất này từng là nơi đóng quân của các cơ quan Trung ương, cơ quan hành chính của tỉnh Phúc Yên, một số đơn vị bộ đội chủ lực của Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và bộ đội địa phương - lực lượng chính tham gia chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950-1951.
Di tích lịch sử cách mạng chiến khu Ngọc Thanh có không gian phân bổ trải dài trên địa phận hành chính xã Ngọc Thanh. Môi trường tồn tại của di tích gắn với điều kiện địa hình tự nhiên và cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, tài nguyên văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Sán Dìu.
Năm 1995, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Chiến khu Ngọc Thanh là di tích lịch sử cấp quốc gia với 5 điểm di tích: Kho bạc nhà nước; Trạm Quân y dược; Xưởng Quân khí; Kho Quân lương; đại bản doanh của Chiến khu. Tuy nhiên, trải qua thời gian, diện mạo khu di tích thay đổi nhiều. Do đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến khu Ngọc Thanh, gắn với phát triển du lịch trong khu vực.