Phát hiện tham nhũng
Phát hiện tham nhũng là khâu quan trọng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Các quy định về phát hiện tham nhũng đã được kế thừa, bổ sung so với Pháp lệnh chống tham nhũng và được quy định thành một chương riêng - Chương III của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tại chương này, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định các hình thức hoạt động cụ thể để phát hiện hành vi tham nhũng. Trước hết Luật xác định việc phát hiện tham nhũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng.
Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền. Hình thức hoạt động phát hiện hành vi tham nhũng thứ hai là công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hình thức này được quy định tại Ðiều 60, xác định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức khác do mình quản lý, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.
Không chỉ có vậy, mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc người đứng đầu đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý. Có hai hình thức kiểm tra: thường xuyên và đột xuất. Việc kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.
Hình thức hoạt động phát hiện tham nhũng thứ ba là thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử. Các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Hình thức phát hiện tham nhũng thứ tư là hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đại biểu QH và đại biểu HÐND thông qua hoạt động giám sát có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng, yêu cầu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật.
Hình thức thứ năm là tố cáo về hành vi tham nhũng. Theo đó, công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, Luật cũng quy định trách nhiệm của người tố cáo phải trung thực. Nếu cố tình tố cáo sai sự thật thì phải bị xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo của công dân, quy định cơ chế bảo vệ người tố cáo và việc khen thưởng người tố cáo về vật chất và cả tinh thần.
Xử lý hành vi tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác
Kế thừa các quy định của pháp luật chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng bổ sung các quy định nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, trong đó chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt. Tại Ðiều 68, Chương IV, Luật quy định hai hình thức chế tài áp dụng đối với người có hành vi tham nhũng là xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Ðối tượng bị áp dụng chế tài gồm người có hành vi: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi; người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng; người không xử lý báo cáo, tố giác, tố cáo về hành vi tham nhũng; người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; người thực hiện hành vi khác vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Người có hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc. Ðối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND thì đương nhiên mất quyền đại biểu QH, đại biểu HÐND.
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về nguyên tắc tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung công quỹ Nhà nước. Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát hiện thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ. Theo Ðiều 71 về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài thì trên cơ sở điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hợp tác với Chính phủ nước ngoài trong việc thu hồi tài sản của Việt Nam hoặc của nước ngoài bị tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp.