Qua kiểm tra kho hàng tiêu dùng tại thôn Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội do Nguyễn Văn Ngọc (SN 1992, hộ khẩu thường trú tại thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm mã hàng hóa với hàng chục nghìn sản phẩm từ quần áo, giày dép, chăn ga gối đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, pin sạc…
Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu, gồm một lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như Gucci, Chanel, LV, Adidas... Cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng nhập lậu như bếp từ, bếp nướng, nồi cơm điện, chảo điện...
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, địa điểm đăng ký được ghi trên giấy tờ là ở thôn Bằng Y, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội nhưng thực tế kho hàng lại được đặt ở Phú Mỹ A, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Theo lực lượng chức năng, một trong những phương thức được cơ sở này sử dụng để kinh doanh là thông qua hệ thống phần mềm mang tên TPOS, cả chục trang facebook khác sẽ đồng loạt chia sẻ các livestream này để chốt đơn hàng. Ghi nhận trên hệ thống bán hàng của cơ sở, chỉ trong sáu tháng, có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Như vậy, trung bình mỗi ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát Giao Hàng Nhanh.
Tổ trưởng Tổ công tác 368 Nguyễn Kỳ Minh cho biết, cái khó nhất của cơ quan chức năng trong việc tiếp cận các kho hàng này là phải xác minh được địa chỉ IP Facebook vì hoạt động bán hàng online rất chuyên nghiệp. Dù kho hàng cách trung tâm TP Hà Nội 80km nhưng thông qua hình thức chuyển phát nhanh, các đơn hàng sau khi được chốt nhanh chóng được vận chuyển đến khắp cả nước.
Từ 1 giờ chiều đến 8 giờ tối 30-3, các Đội QLTT số 1, số 14 (Cục QLTT TP Hà Nội) vẫn tiếp tục niêm phong, thu giữ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ các vi phạm của cơ sở, xử lý theo đúng quy định của pháp luật