Tiếp theo việc phát hiện di tích và huyền thoại về Thánh Dóng ở đền Bộ Ðầu, huyện Thường Tín, Hà Nội (đã công bố trên Báo Nhân Dân cuối tuần năm 1998), gần đây nhóm nghiên cứu gồm TS Cung Khắc Lược và TS Lương Văn Kế phát hiện tại hậu cung đình làng Thượng Giáp, cùng thuộc xã Thống Nhất, (xưa là trang Lưu Khê, tổng Chương Dương hay tổng Tín An) thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, cùng ven đê sông Hồng, cách đền Bộ Ðầu thờ Phù Ðổng Thiên Vương khoảng 1 km về phía Hà Nội, thần phả được soạn vào giữa thế kỷ 16, cho hay rằng Thần Ðổng Vĩnh được thờ là hậu duệ đời thứ 13 của Thánh Dóng.
Nhóm nghiên cứu cho biết: Trong hậu cung của ngôi đình làng vừa tu bổ xong, còn lưu giữ được 3 bản thần phả cổ viết bằng chữ Hán cổ trên giấy bản, trong đó một bản đã hỏng hầu như hoàn toàn: mầu giấy đã hóa đen như tro, rách nát đến không còn đọc rõ chữ nữa, chữ lại bé li ti; bản thứ hai đỡ đen hơn nhưng ố vàng, cũng khó đọc ra chữ; bản thứ ba có khổ giấy rộng hơn và còn đọc được chữ (tuy vẫn mất một số chữ). "Chúng tôi cố đối chiếu những trang còn đọc được ở 3 bản với nhau thì thấy chúng có nội dung y hệt nhau. Do đó có thể nghĩ rằng trong ba bản đó có một bản gốc, hai bản còn lại là những bản sao lại của các thế kỷ sau đó để tránh nguy cơ thất truyền. Thần phả ghi rõ "Niên hiệu Hồng Phúc năm đầu. Tháng Giêng ngày mùng 10 (tức năm dương lịch 1572), Hàn lâm viện Ðông các Ðại học sĩ, Bề tôi Nguyễn Bính phụng soạn". Và "Triều vua Vĩnh Hựu năm thứ hai, Tháng 2 ngày mồng (?) (1736), Quản giám Bách thần tri điện Hùng Lĩnh Thiếu Khanh, Bề tôi Nguyễn Hiền phụng tả".
Sau gần 6 tháng "đánh vật với các ký tự" trên văn bản còn đọc được, nhóm nghiên cứu đã phiên dịch tương đối hoàn chỉnh toàn bộ bản thần phả ra tiếng Việt. Nội dung bản thần phả kể về đức Thánh Ðổng Vĩnh, hậu duệ đời thứ 13 của đức Thánh Dóng bất tử và được thờ làm Thành Hoàng làng Thượng Giáp hay trang Lưu Khê theo tên gọi cổ. Ðức Thánh Ðổng Vĩnh là vị thần trị thủy có công lớn với nước với dân dưới triều vua Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) trong lịch sử nước ta.
Hai nhà nghiên cứu cho rằng, ý nghĩa to lớn của bản thần phả mới phát hiện này thể hiện trên mấy khía cạnh: (1) Thánh Dóng không phải chỉ là thiên tướng (tướng nhà trời) hiện giáng một lần duy nhất để đánh giặc cứu nước, mà Ngài còn có hậu duệ lưu lại trên dương gian. Vậy Ngài là thiên thần huyền thoại hay nhân vật có thật được thờ như nhân thần? (2) Công lao của dòng tộc Thánh Dóng không chỉ là đánh giặc ngoại xâm, mà còn có công lớn trị thủy, mà cụ thể là trị thủy Sông Hồng. (3) Nội dung Thần phả đã tích hợp trong đó bốn vị thánh vốn được người đời coi là "tứ bất tử" (Thánh Dóng, thánh Tản Viên, Tiên Dung, Chử Ðồng Tử-không nói đến chúa Liễu Hạnh). Ðiều kỳ diệu là cả bốn vị thánh này đều sinh ra cùng thời, gắn bó với nhau trong một đại gia đình Triều Hùng thứ 18 trong sự nghiệp cứu nước và hưng thịnh đất nước. (4) Nội dung thần phả đem lại cho chúng ta rất nhiều tri thức dân tộc học, địa lý học, danh xưng học, dân gian học thông qua các mô tả và phân tích tâm lý hết sức "đời", hết sức "người". Cũng phải kể đến nghệ thuật miêu tả chiến trận (cuộc chiến giữa tướng lĩnh của Hùng Duệ Vương và Thục Phán) vô cùng sinh động mà chúng ta chưa hề bắt gặp ở đâu trong kho huyền thoại phong phú của Việt Nam. Người ta có cảm giác đang được xem một bộ phim hoành tráng về chiến trận không kém gì trận chiến thành (Tơ-roa) Troya trong huyền thoại Hy Lạp.
Dân làng Thượng Giáp nay mới được
nghe đọc Thần phả qua bản dịch.
Có thể nói rằng huyền thoại và di tích mới này về Thánh Dóng và hậu duệ của Ngài đã làm hoàn chỉnh thêm tầm vóc cao sâu của tâm thức dân tộc: Anh hùng, hiếu nghĩa, yêu nước, thương dân, trọng nghĩa khinh tài, khoan dung, chân thành thủy chung (giữa Cao Sơn và Ðổng Vĩnh) và quý trọng môn sinh. Huyền thoại về Thánh Ðổng Vĩnh xứng đáng là bản anh hùng ca về đạo nghĩa dân tộc.
Nội dung thần phả khá dài, xin tóm lược theo 4 phần như sau để bạn đọc cùng suy ngẫm:
Phần 1- Ðầu thai, kể về cha mẹ Thần sống vào thời vua Hùng Duệ Vương, ở xứ Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Tiên Du, trang Phù Ðổng có nhà cự tộc họ Ðổng. Ông tên húy Mẫn, bà vợ là Trần Thị Ơn. Vốn nhà danh giá, giàu sang mà hào hiệp. Vợ chồng hiền hòa, luôn làm điều nhân nghĩa để tích thiện, chỉ hiềm hiếm muộn, bị người dèm pha. Ông bà phải bỏ làng đi, tìm đến xứ Hải Dương, phủ Hạ Hồng, đất Châu Vĩnh Lại - Vĩnh Am. Vợ chồng tự lập lấy một chốn gia cư. Ông bà tự an ủi rằng từ đời cụ Tổ trở đi đời nào cũng vậy, các cụ ăn ở cư xử với nhau bên trong thì hòa hợp, ở bên
ngoài làng xã thì quý trọng khiêm nhường, vì thế mà Hoàng thiên mới trợ thuận cho được sinh Thần- Ðổng Sóc Xung Thiên Thần Vương - cứu nước giúp dân. Nên hễ hai bên hàng phố tả hữu ngạn Vĩnh Lại - Vĩnh Am cần làm việc công lợi nào, dù là đường sá, cầu, quán, đền chùa... bà đều cùng ông ra tâm hằng sản công đức.
Một đêm nọ bà mộng thấy thần hiện lên bảo rằng: "Vợ chồng nhà ngươi đau đáu thiết tha cầu có con, tâm thành ấy cảm cách thấu tới Thiên Ðình. Vì thế, Thiên Quân sai Long Hầu giáng xuống làm con của vợ chồng ngươi..." và trao cho tấm Long Chương. Sáng ra ông bà mở Long Chương, thấy viết bốn câu, hai câu cuối là: " Nay giáng Thần Long làm con quý, Cứu dân giúp nước dẹp tai nạn" Bà mang thai, tới 13-8 (âm lịch) trời nổi giông tố, trong nhà ngào ngạt hương thơm bà sinh hạ một nam tử thể diện khôi kỳ, tay chân lẫm liệt, nhan rồng mắt phượng, mày lân, hàm yến. Vừa mới sinh mà đã có râu trắng, đầu có hai cái giác, mỗi giác dài tới rốn, vóc dáng cao lớn đường đường khác hẳn với muôn vạn người thường. Giữa lưng của ông có một hàng giáp đỏ, trên đó hiện lên hai mươi tám vì tinh tú. Bụng tròn, lớn, có sao Bắc Ðẩu chiếu. Tay dài quá đầu gối. Chân mọc bảy sợi lông, mỗi sợi dài năm thốn. Hai bên cạnh sườn có mây ngũ sắc điểm tô. Vừa tròn một trăm ngày, nhân việc tu tạo cây cầu ở sông Vĩnh Giang mới lấy chữ Vĩnh để đặt tên cho con.
Phần 2 - Tài năng xuất chúng và công lao trị thủy, kể rằng cậu Vĩnh 17 tuổi đã to lớn phi thường, thân cao 14 thước, văn võ tinh thông, xưa nay chưa từng thấy có ai siêu phàm như thế. Vĩnh đi trên sông nước như đi trên bộ, gọi gió gió nổi, vẫy mưa mưa trút. Dân chúng trong huyện rất kính phục, ngàn người như một ai cũng tôn xưng Vĩnh là Vua Nước (nguyên văn Thủy Ðế). Bấy giờ các nơi thiên hạ đói khát, người chết rất nhiều vì hạn hán. Nhưng ở huyện mà Vĩnh làm Thống Quản, do Vĩnh biết điều khiển làm mưa thuận gió hòa, cho nên vẫn được mùa bội thu, nhà nhà no đủ dồi dào. Vua Hùng hay tin, triệu Vĩnh về kinh đô ban cho chức Bộ lãnh Thủy Tào Ðại Phán Quan kiêm đứng đầu 50 Bộ Thủy. Sau đó, ông Vĩnh đẩy lui được hạn hán, thì hai năm sau đại hồng thủy ập đến. Ông Vĩnh được lệnh điều động gấp toàn dân chống lụt, đắp đê, sửa đường chữa cầu cống ở những nơi đã bị lũ phá hủy, trực tiếp cùng binh sĩ của đạo mình đảm trách phải bắt cho được các giao long, thủy ôn thủy quái ở trên các dòng sông. Quân tiến đến đâu nước ở nơi đó tự rút hết. Và lạ kỳ thay, thần Giao Long ở các sông đều có mặt cùng hợp nhau lại để hàn những chỗ đê vỡ và những con lộ bị xuyên phá.
Ông Vĩnh đã tiến quân đến xứ Sơn Nam, hướng thẳng về huyện Thượng Phúc, nhằm vào trang Lưu Khê, huy động dân chúng cùng quân sĩ hàn khẩu và đắp cao tuyến đê thuộc địa giới trang này bị lũ phá vỡ.
Phần 3 - Ðổng Vĩnh gặp Tổ Thánh Dóng và cầm quân đọ sức với quân Thục Phán. Ông Vĩnh nằm mộng thấy vị đại nhân kỳ vĩ hiện lên quở trách ông làm quan mà có việc lo cho dân còn sơ sót. Tỉnh dậy chỉ trong luồng hào quang, đại nhân nhẹ nhàng bay lên không trung mênh mông. Hỏi bô lão mới hay ở làng bên là Ðông Bộ Ðầu có ngôi đền thờ Ðức Ðổng Sóc Thần Vương là bậc thượng đẳng thần quốc tế - cả nước cùng thờ phụng. Ông liền biện lễ vật lên đền Ðông Bộ Ðầu để bái yết tạ lỗi với thiên thần.
Thục Phán kéo quân đến tranh ngôi, vua Hùng Duệ Vương sai Tản Viên cùng các em Cao Sơn và Quý Minh, và không thể thiếu Ðổng Vĩnh, dẫn quân đi nghênh chiến. Ðổng Vĩnh làm Ðại Thống chế Thủy đạo Tướng quân, chỉ huy 500 chiếc long chu (thuyền rồng), chia thành các mũi tiến công, một mũi tiến về cửa bể Thần Phù - phủ Chân Ðịnh - Hải Dương, một mũi hướng Lục Ðầu Giang và Bạch Ðằng Giang, một mũi đi Ái Châu - Hoan Châu và một mũi lên Lạng Giang - Cao Bằng. Ðại quân tiến phát, lục quân và thủy quân song hành, thượng đạo và hạ đạo cùng đánh. Quân Thục bị đẩy lui.
Phần 4 - Tình quê hương, nghĩa đồng bào. Ðất nước trở lại yên vui thanh bình. Không quên gốc làng Phù Ðổng, Ðổng Vĩnh xin nhà vua chuẩn cho hương quán Phù Ðổng được công nhận là "Hộ Nhi Hương đời đời hưởng lộc", để sau này khi ông trăm tuổi, dân làng hương hỏa phụng thờ... Nhà vua chuẩn y. Ông về làng Ðổng kính bái Tổ tiên và thăm hỏi họ mạc, dân làng. Sau thì về quê mới Vĩnh Am chịu tang người mẹ. Những ngày còn lại, ông bắt tay vào xây đắp đền thờ tổ gọi là Từ Vũ Vĩnh Am để tỏ lòng tận hiếu với thân mẫu và thờ vọng các cụ tiên tổ họ Ðổng. Công việc hoàn tất, ông trở lại trang Lưu Khê - Thượng Giáp, nơi hành cung của ông, gọi là Hộ Nhi Gia Thần. Tại đây, ông cùng các cụ phụ lão và con cháu họ thiết lập mới một ngôi gọi là Cung Hội Ðồng. Ngày khánh thành Cung Hội Ðồng, ông Vĩnh mở tiệc mời các cụ trong mười hai họ đến dự. Sau tiệc, ông ban thưởng hai mươi hốt tiền để các cụ chi dùng vào việc cất nơi thờ tự của dòng họ cho mai hậu. Ông khuyên dân làng đời đời trân trọng tình nghĩa xóm làng, luôn luôn tương thân tương ái. Ông dặn dò khi mình qua đời, dân làng có tưởng nhớ thì nên thờ cúng cả Cao Sơn là bạn đồng liêu phối hưởng ở gian giữa Cung Hội Ðồng. "Và chớ quên ta dặn một lời này: việc muôn thuở cương thường bền vững ở dân tâm!".
Thục Phán lại dẫn quân đến khiêu chiến. Lần nữa Ðổng Vĩnh cùng các cánh quân khác dẹp yên. Các ông đều dâng biểu tấu xin với nhà vua cho được trở về quê quán an hưởng tuổi già. Trên đường về quê, Ðổng Vĩnh hóa tại hành cung trên bến Nguyệt Ðức. Nhà vua cho phép dân Lưu Khê tu bổ cung miếu sở tại để thờ phụng thần, với mỹ tự phong thần là Ðổng Vĩnh Ðại vương linh ứng phù tộ, chuẩn cho trang Lưu Khê và trang Thượng Giáp đồng phụng sự thần...
NHI ANH