Phập phồng lo vụ hoa Tết

Mỗi độ Tết đến-Xuân về, trên thành phố ngàn hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), các làng hoa, nhà vườn và cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa luôn sôi động, nhộn nhịp. Tuy nhiên, năm nay thị trường hoa Tết ở Đà Lạt lại trở nên trầm lắng do khó khăn chung của tình hình kinh tế. Người trồng hoa thì vẫn phải sản xuất hoa và hồi hộp chờ giá và thị trường tiêu thụ.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc vườn hoa cúc của nhà nông tại làng hoa Thái Phiên, thành phố Đà Lạt đến mùa thu hoạch.
Một góc vườn hoa cúc của nhà nông tại làng hoa Thái Phiên, thành phố Đà Lạt đến mùa thu hoạch.

Nhu cầu thị trường hoa dịp Tết luôn tăng cao so với ngày thường. Theo truyền thống hằng năm, dịp này, nhiều nhà vườn tại Đà Lạt và vùng phụ cận luôn tất bật với vụ hoa Tết. Dạo qua một số làng hoa truyền thống tại thành phố Đà Lạt chuyên canh hoa cúc, lily, đồng tiền, hoa lan… chúng tôi không còn thấy không khí như những năm trước dịch. Nhà nông Nguyễn Hảo ở xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, chuyên trồng hoa cúc. Dù đã dự đoán một phần khó khăn về thị trường tiêu thụ hoa Tết năm nay, nhưng nghề trồng hoa thì phải trồng hoa. “Lo lắng cũng phải làm, vì cái nghiệp hoa và uy tín. Nếu mùa hoa Tết này không được giá, thị trường tiêu thụ kém thì mình vẫn nên làm để giữ mối”, ông Hảo cho biết.

Hiện nay, việc chăm sóc, điều chỉnh các thông số trong quy trình sản xuất hoa được các nhà vườn tại Đà Lạt rất quan tâm, để các loài hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bảo đảm các yêu cầu của đối tác và thị trường hoa dịp Tết. “Thị trường hoa Tết năm nay khá trầm lắng so với những năm trước, có lẽ do tình hình kinh tế khó khăn chung. Nhưng, người trồng hoa như chúng tôi cũng phải sản xuất, bởi khó đoán định tình hình thị trường và không thể để đất trống. Giờ phải chăm sóc vườn hoa bảo đảm chất lượng và hình thức, còn giá cả thì đành phải chờ”, ông Nguyễn Đình Hùng, nông dân sản xuất hoa tại làng hoa Thái Phiên, Phường 12, thành phố Đà Lạt chia sẻ.

Theo ông Hùng, chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời, nhưng thị trường hoa vẫn yên ắng. Tết này, gia đình ông Hùng xuống giống ba sào hoa cúc, tương đương 90.000 cành hoa. Hiện nhà vườn đã sẵn sàng cho khâu thu hoạch, nhưng chưa có người đặt giá, hỏi mua. “Những năm gần đây, thị trường hoa Tết luôn bấp bênh, người trồng hoa ở đây luôn hồi hộp chờ đợi giá và thị trường tiêu thụ”, ông Hùng thông tin.

Cũng tại làng hoa truyền thống Thái Phiên, nơi chuyên canh các loại hoa cúc, nhà nông Trần Nhật Khánh vừa chăm sóc vườn hoa, vừa than thở: “Gần đến Tết Nguyên đán mà giá hoa cúc rớt thê thảm. Vườn gia đình tôi có 1,5 sào hoa cúc tứ quý và đại đóa, tương đương khoảng 60.000 cành. Hiện một nửa đang đến kỳ thu hoạch, đóng hàng trực tiếp cho vựa thu mua ở Thành phố Hồ Chí Minh, nửa còn lại thu hoạch dịp Tết. Hiện tại, giá cúc đại đóa, cúc chùm chỉ đủ để trang trải chi phí mua giống và vật tư, chưa tính đến công chăm sóc”.

Thông tin từ Hội Nông dân Phường 12, thành phố Đà Lạt cho biết, vụ hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, toàn phường có khoảng 70 ha hoa các loại, chủ yếu là hoa cúc và hoa lily. Rất khó để dự đoán thị trường hoa Tết năm nay, nhưng với nghề truyền thống, các nhà vườn tại Đà Lạt không thể không trồng hoa.

Xuân Thọ có truyền thống trồng hoa từ nhiều năm nay và cũng là nơi quanh năm cung cấp lượng hoa tươi khá lớn cho thị trường Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội và chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ hoa Tết năm nay, những nhà nông trên địa bàn xã xuống giống khoảng

90 ha, phần lớn là các loại hoa cúc, còn lại là cẩm chướng, đồng tiền, salem, hướng dương, cẩm tú cầu… Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho biết, diện tích vụ hoa Tết năm nay của toàn xã giảm nhiều so với những năm trước, một phần là hoa ở đây được thu hoạch quanh năm, phần nữa là giá cả hoa Tết năm nay khá bấp bênh. “Trồng hoa Tết hồi hộp lắm, hoa nở đúng dịp Tết thì được cả giá và thị trường, còn không thì lỗ. Thường nhà vườn cũng như nhà buôn, qua 20 tháng Chạp mới chốt đơn hàng và báo giá bước đầu”, ông Bình thông tin.

Không chỉ nhà vườn trồng hoa lo lắng với vụ hoa Tết, mà những thương lái thu mua cũng chung tình cảnh. Ông Trần Văn Thọ (Phường 8, thành phố Đà Lạt), chuyên đóng hoa chuyển cho các vựa ở miền trung và Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thời điểm này mọi năm, các vựa thu mua hoa đã sốt sắng gọi điện đặt hàng, nhưng năm nay chưa có vựa nào đặt hàng. Do đó, tôi và nhiều thương lái khác cũng không dám mua trước của các nhà vườn”.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, năm 2023, diện tích gieo trồng trên địa bàn được duy trì ổn định. Trong đó, diện tích hoa các loại hơn 6.070 ha, bằng 102,4% so với năm 2022, sản lượng hơn 2,4 triệu cành; giá trị thu hoạch bình quân 1 ha hoa đạt 1 tỷ đồng. Riêng vụ hoa Tết năm nay, theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, diện tích hoa các loại hơn 3.840 ha, sản lượng hoa chậu phục vụ Tết ước khoảng 7 triệu chậu; riêng hoa cắt cành cung ứng thị trường giai đoạn tháng trước và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 1,5 tỷ cành. Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang nhận định, do khó khăn chung, cho nên một số nhà vườn tại thành phố Đà Lạt chủ động giảm sản lượng, trồng rải vụ để bảo đảm cung ứng cho thị trường Tết và hoa có giá tốt nhất. “Năm nay, Hiệp hội Hoa Đà Lạt vận động các tiểu thương kinh doanh hoa, khi ký kết với khách hàng cần đưa ra mức giá hợp lý ngay từ đầu để nhiều người tiêu dùng tiếp cận được. Tránh tình trạng đầu mùa hoa Tết người bán đưa ra giá quá cao khiến tiêu thụ hoa khó khăn, cận Tết buộc phải hạ giá”, ông Sang nói.

Hiệp hội Hoa Đà Lạt khuyến khích các thương nhân tại địa phương sau khi ký kết nên gửi hoa trực tiếp về cho khách hàng ở các tỉnh, chứ không tập trung về Thành phố Hồ Chí Minh rồi mới phân phối đi các địa phương, sẽ giảm được nhiều khâu trung gian, qua đó, giúp chất lượng hoa được bảo đảm tốt nhất; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tăng cường xe phục vụ nhu cầu vận chuyển trực tiếp đi các tỉnh; hình thành các tuyến vận chuyển về miền tây, các tỉnh, thành phố trong nước, tránh tập trung về các trung tâm thành phố lớn quá nhiều trong dịp Tết.

Thời gian qua, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã triển khai nhiều chương trình kết nối giao thương với một số tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có thị trường lớn là Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia Festival hoa - kiểng Sa Đéc năm 2023… Qua đó, góp phần giúp nhà nông, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất hoa Đà Lạt-Lâm Đồng tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức thu mua, không phải ràng buộc qua nhiều khâu trung gian, bảo đảm đầu ra ổn định và giá cả phù hợp.

Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang kỳ vọng: “Dù ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng với truyền thống trưng hoa ngày Tết của người Việt, chất lượng hoa ngày càng cao, đa dạng sản phẩm, giá cả phù hợp…; nhất là việc chủ động các phương án phân phối, chúng tôi vẫn lạc quan về thị trường hoa Tết năm 2024” ■