Về dự ngày hội làng, ngang qua sân đình làng bên đã thấy không khí náo nức lan tỏa, từng tốp thiếu nhi hôm nay đang chơi pháo đất con trẻ. Một giọng hô lên say sưa như khúc hát đồng dao:
"Pháo nổ pháo nang, cả làng chịu chưa!".
Và nhất loạt tiếng pháo đất giòn giã trong tiếng cười đùa vui vẻ tranh ngôi thứ. Ðất dẻo với ngón tay thoăn thoắt lại ra quả pháo mới xin ở hội pháo đàn anh trong sân đình đang luyện tập để về thi hội pháo thôn Ngọc Chi, xã Kiến Quốc, tỉnh Hải Dương. Ðược tỉnh trao bằng công nhận Làng văn hóa, các thôn trong xã cử đội pháo đất về góp vui theo lời mời trân trọng. Nét văn hóa xưa được ôn lại với niềm vui háo hức của đội dự thi trong tiếng rền vang của pháo đất những chiều luyện tập.
Ðất thịt có độ dẻo, xắn bằng mai lấy phần giữa cho đồng nhất được người chơi dùng liềm gọt từng lớp mỏng, nhào với nước đủ dẻo, dùng dây căng trên cung cắt lớp nhẹ nhàng. Chỉ thấy một gợn nhỏ trên đất mịn là đã loại được sạn và tạp chất. Sau đó, họ dùng vồ gỗ nện kỹ cho đất dẻo ở độ ẩm thích hợp. Kiểm tra tốt nhất là khi pháo nổ, không thấy vết rạn hoặc đứt là đất đã luyện tốt, đủ tiêu chuẩn đầu tiên.
Thứ hai là kỹ thuật nặn pháo. Quả pháo bình thường cũng nặng từ ba đến bốn chục cân, tùy sức của pháo thủ chọn cho thích hợp. Quả pháo dẹt, hình bầu dục, phía nhỏ là đầu, phía to là mông. Hai tay vỗ đều vào đất tạo dáng và độ dày, họ dùng que tre mỏng cắt chung quanh, đất thừa cho vào giữa lại vỗ tản ra. Ðúng hình dáng ưa thích, ngón tay trỏ miết một đường hõm sâu quanh thân pháo tạo vành, lúc nổ vành sẽ đứt tách ở phần đầu và vành văng đều ra hai bên.
Thứ ba là kỹ thuật gieo pháo. Nhẹ nhàng ngồi xổm, họ dùng tay phải lật đầu pháo gác lên tay trái và nhớ bấm nhẹ vào vành phía đầu tạo vết đứt chủ động lúc nổ. Tiếp đến, tay phải luồn vào phía dưới mông pháo và cả hai tay khéo léo nâng quả pháo dần lên: lúc này quả pháo ở trạng thái úp xuống. Khi quả pháo rơi khỏi tay nhẹ nhàng tiếp đất. Một câu đối mừng cuộc thi thế này:
Chân dẻo tay đưa, xoay nhún người cong như phượng múa;
Pháo rền mông vắt, duỗi giăng vành xoắn tựa rồng bay.
Một tiếng nổ rền, âm vang truyền vào lòng đất. Vành pháo duỗi giăng như thẳng, nằm vắt trên mông pháo, trong tiếng reo hò khen ngợi. Theo vết bấm ở đầu, vành đứt ra dính theo vành miết chung quanh, xoắn vài vòng như "kỳ" trên lưng rồng. Quả pháo đẹp là vành pháo thẳng như giăng, xoắn đều đối xứng nằm vắt trên mông pháo, chờ người đến đo và hô to kết quả. Năm quả pháo của làng gieo kế tiếp, được cộng với tổng chiều dài vành để tính điểm. Mỗi vòng đấu đều được trao giải động viên kịp thời.
Tiếng trống cái từng đợt vang xa báo cuộc thi đang tiếp diễn. Tiếng trống trung đeo ngang trước bụng đến sát pháo thủ lúc gieo. Vòng người xem lúc yên ắng đợi chờ pháo bay ra, lúc rộ lên hoan hô pháo tiếp đất. Pháo thủ tập trung hết tinh lực, động tác thuần thục chắc phải nhập tâm từ nhiều hội thi. Ðặc biệt hội pháo làng Ngọc Chi được cụ Phạm Văn Dung đã tám mươi lăm tuổi trực tiếp hướng dẫn.
Chắc rằng pháo đất làng quê có lâu lắm rồi và gắn liền với nền văn minh lúa nước. Những người nông dân từ xưa khơi mương, đắp bờ, vỗ về những con trạch bờ đê và hình ảnh ấy như xuất hiện lại trong ngày hội. Âm hưởng từ hội pháo đất mang về không chỉ là tình làng nghĩa xóm mà ngày hội đã thắt
chặt quan hệ vốn có giữa các làng quê. Nghe tiếng pháo đất hôm nay mà hồi âm của nó tựa như tiếng pháo đất của cha ông từ ngàn xưa vọng về vui hội. Nét văn hóa ấy chắc còn được lưu truyền mãi mãi:
Hội pháo đất làng Ngọc Chi
Ðất luyện chờ mong phút đắm say,
Vui cùng pháo thủ đếm từng ngày
Lật đai, bấm mép, gieo buông kịp
Căng bụng, đứt vành, phát nổ ngay
Xoay nhún người cong như Phượng múa
Duỗi giăng vành xoắn tựa Rồng bay
Hội làng văn hóa ngàn xưa ấy
Pháo đất rền vang mãi đến nay.