Phán quyết của Tòa Trọng tài có ý nghĩa rất quan trọng

LTS - Sau khi Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Phi-li-pin và Trung Quốc được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) công bố phán quyết cuối cùng, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với bà LÊ MAI THANH, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật, chung quanh phán quyết của Tòa. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi.

Phóng viên (PV): Dưới góc độ một nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế, bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc lần đầu có một phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông?

Bà Lê Mai Thanh: Trước hết, tôi rất hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa Phi-li-pin với Trung Quốc, trong đó Tòa đã giải quyết toàn bộ 15 đệ trình của Phi-li-pin theo các nhóm vấn đề cụ thể. Sau hơn ba năm làm việc hết sức chuyên nghiệp, tích cực, công tâm, từ thời điểm tháng 1-2013, Tòa tiếp nhận vụ kiện cho đến khi xác định thẩm quyền vào tháng 10-2015 với nhiều cuộc tranh tụng cả về vấn đề thẩm quyền lẫn nội dung, yêu cầu các bên làm rõ nhiều vấn đề, ngày 12-7-2016, Tòa đã ra phán quyết cuối cùng. Điều này thể hiện tính cẩn trọng, khách quan và công bằng của các Trọng tài viên cũng như phán quyết, mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao cho phán quyết cuối cùng.

Ý nghĩa đầu tiên liên quan đến thẩm quyền của Tòa Trọng tài. Đây không chỉ là thẩm quyền chung của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước, mà ở đây còn xác định rõ thẩm quyền đối với các nhóm nội dung theo 15 đệ trình của Phi-li-pin. Thứ hai, đây là phán quyết đầu tiên của một thiết chế quốc tế có thẩm quyền về các tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến cách hiểu, giải thích và áp dụng UNCLOS mà cả Phi-li-pin và Trung Quốc đều là thành viên. Bên cạnh đó, nhiều nước ven Biển Đông là thành viên của Công ước và cũng phải đối mặt với yêu sách tranh chấp của Trung Quốc, một nước lớn trong khu vực. Cho nên, phán quyết này hết sức quan trọng, bước đột phá trong sự phát triển và hoàn thiện của luật biển quốc tế, tạo ra cách hiểu cũng như áp dụng chung đối với những điều khoản còn chưa cụ thể, chưa rõ của Công ước. Phán quyết cũng kết luận về giá trị “đường chín đoạn” đưa ra từ một nước lớn như Trung Quốc với ảnh hưởng, tác động đến toàn bộ lợi ích của các nước liên quan trong khu vực. Một tuyên bố đơn phương phi lý bao trọn Biển Đông. Tòa Trọng tài đã kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn”.

Và hơn thế nữa, phán quyết còn luận giải và đưa ra kết luận về quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý trong khu vực Trường Sa mà Trung Quốc vẫn đòi hỏi vùng biển bao quanh rộng lớn; như vậy việc xác định vùng biển gắn với những cấu trúc này đã rõ ràng. Phán quyết cũng đánh giá về các hoạt động vi phạm ngang nhiên UNCLOS của Trung Quốc dưới nhiều góc độ.

PV: Cụ thể theo bà phán quyết của Tòa Trọng tài vừa rồi đã giúp làm sáng tỏ những điểm gì còn đang gây tranh cãi theo Công ước?

Bà Lê Mai Thanh: Chưa bàn tới nội dung phán quyết bởi vì chúng ta có thể tự tìm hiểu được trên các phương tiện truyền thông, nhưng dưới góc độ chuyên môn, tôi có đánh giá như thế này. Thứ nhất, tôi đánh giá rất cao việc Tòa Trọng tài đã xác định thẩm quyền với các nhóm vấn đề mà Phi-li-pin đưa ra trong phán quyết về thẩm quyền của Tòa được đưa ra tháng 10-2015 cũng như tiếp tục khẳng định trong phán quyết này về thẩm quyền đối với các nội dung còn lại của các nhóm vấn đề được thể hiện trong 15 đệ trình của Phi-li-pin. Điều đó là hết sức quan trọng. Việc xác định thẩm quyền với các lập luận của Tòa Trọng tài về các căn cứ, yếu tố loại trừ, thẩm quyền đã cụ thể hóa cách hiểu và áp dụng một số quy định của UNCLOS về xác định thẩm quyền của thiết chế giải quyết tranh chấp theo cơ chế bắt buộc trong UNCLOS. Thứ hai, qua phán quyết này, một số nội dung vẫn còn gây tranh cãi trong giải thích và áp dụng UNCLOS đã có đáp án, một số điểm chưa cụ thể đã được làm rõ; thí dụ, tiêu chí xác định thế nào là đảo, đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi theo các điều khoản liên quan của UNCLOS, đặc biệt là Điều 121.

Toàn bộ nội dung của phán quyết quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng.

Với năm thành viên Tòa Trọng tài, bao gồm bốn thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển và một giáo sư danh tiếng, với hơn ba năm làm việc chuyên nghiệp trên cơ sở đánh giá và thẩm định chứng cứ, lập luận và cả phản đối của các bên, phán quyết khoảng 500 trang của Tòa Trọng tài đã tạo ra căn cứ "đột phá" trong quá trình hoàn thiện luật biển quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài đã giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước từ khi UNCLOS có hiệu lực cho đến nay.

PV: Theo bà phán quyết này sẽ có tác động thế nào đến việc giải quyết tranh chấp ở khu vực Biển Đông?

Bà Lê Mai Thanh: Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện này là căn cứ pháp lý hết sức quan trọng, bổ sung vào nguồn luật áp dụng ở những vụ việc khác tương tự. Và hơn thế nữa, sự thống nhất trong giải thích và áp dụng UNCLOS sẽ giúp ngăn ngừa tranh chấp xảy ra; các chủ thể sẽ phải điều chỉnh hành vi của mình phù hợp những cam kết theo UNCLOS. Do đó, tôi cho rằng phán quyết sẽ góp phần tích cực vào việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, mở ra cơ hội cho các quốc gia trong khu vực hợp tác, xử lý các vấn đề còn tồn tại.

Chính bản thân Tòa Trọng tài nhận định rằng, vụ kiện không phải là vấn đề nước này muốn gây tổn hại đến nước khác mà chẳng qua là sự hiểu khác nhau về nội dung của Công ước. Trong thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài, ở phần cuối xác định, phán quyết có giá trị bắt buộc với Phi-li-pin và Trung Quốc; các nước tuân thủ phán quyết trên tinh thần thiện chí. Trong đời sống sinh hoạt quốc tế có rất nhiều cơ chế nhắm đến sự hợp tác phát triển trong hòa bình và an ninh. Do vậy, một quốc gia cũng sẽ cân nhắc thiệt hại và lợi ích khi tách mình ra khỏi quỹ đạo chung đó.

Mặc dù không phải là một bên của vụ kiện, song là quốc gia ở khu vực Biển Đông, trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên UNCLOS, chúng ta đã theo sát vụ kiện, đệ trình Tuyên bố lên Tòa Trọng tài vào ngày 5-12-2014 và tham dự các phiên tranh tụng. Việc theo sát diễn biến vụ kiện giúp chúng ta kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của chúng ta ở Biển Đông, nhất là việc chúng ta đưa ra tuyên bố đệ trình lên Tòa Trọng tài vào ngày 5-12-2014, khẳng định các quyền và lợi ích pháp lý của chúng ta ở Biển Đông.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!