Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý”

NDO -

Sáng 21-12, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 800 điểm cầu trong cả nước tổng kết công tác năm 2020 và nhiệm kỳ 2016 - 2020, triển khai công tác Tòa án năm 2021. Tới dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý”

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các cán bộ, công chức ngành tòa án tại gần 800 điểm cầu trực tuyến.

Sự đóng góp quan trọng của ngành tòa án

Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” -0

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng tham dự sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đánh giá kết quả công tác của tòa án năm 2020, triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2021, mà còn nhìn lại, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ của hệ thống tòa án trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, xây dựng, triển khai kế hoạch nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong nhiệm kỳ này, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Những thành tựu này có được là do sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó sự có đóng góp quan trọng của Tòa án.

Trong nhiệm kỳ này, nhất là trong năm 2020, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, Tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong công tác tư pháp, xét xử; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đã có những bước phát triển mới, đạt được những thành tích quan trọng trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và trên các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Thông tin một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, những thành tựu này có sự đóng góp quan trọng của tòa án. Số lượng các vi phạm, tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và nền kinh tế, đặc biệt, số lượng các vụ việc phải thụ lý, giải quyết tăng mạnh (mỗi năm tăng trung bình khoảng 10%) song tòa án các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để cố gắng giải quyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với kết quả là trong nhiệm kỳ 2016-2020, tỷ lệ giải quyết án đạt cao (hơn 97%) vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 35%, đã giải quyết tăng 33%).

Trong nhiệm kỳ, các tòa án đã giải quyết, xét xử hơn 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỷ lệ 98%, đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.

Ngành tòa án đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán. Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được tiến hành thường xuyên với hình thức, nội dung đa dạng. Cơ sở vật chất được tăng cường, củng cố và từng bước được hiện đại hóa theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. Công tác hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường...

Thủ tướng nêu rõ: Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỷ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn kéo dài, chất lượng giải quyết chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Một số cán bộ, thẩm phán, công chức, viên chức của một số Tòa án còn chưa gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, thậm chí vi phạm pháp luật, kỷ luật công tác bị xử lý.

Để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh ngành tòa án thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp; chủ động thích ứng, giải quyết tốt những vấn đề mới đặt ra.

Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” -0

Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu xây dựng và chuẩn bị thực hiện một Chiến lược cải cách tư pháp mới theo Nghị quyết của Đảng. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các đồng chí cần suy nghĩ những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một Chiến lược cải cách tư pháp mới của Tòa án nói riêng và nền tư pháp nói chung nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới.

“Cải cách, đổi mới để nền tư pháp nước ta phát triển tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống Tòa án, các đồng chí phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác Tòa án”- Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, các cấp Tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Hoạt động của Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. 

Thủ tướng nêu rõ: Hoạt động của tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đem lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp. Trong đó, mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực thể hiện tập trung, rõ nét nhất quyền tư pháp của tòa án.

Hoạt động tòa án phải thượng tôn pháp luật

Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội, qua đó khuất phục tội phạm, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ. Để làm được điều này, hoạt động tòa án phải thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.

Các Tòa án cần tăng cường hơn nữa việc bảo đảm  tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự phải được xem là giải pháp căn cơ để chống xét xử oan, sai, vi phạm pháp luật trọng hoạt động tố tụng. Việc tăng cường hòa giải, đối thoại trong các vụ việc dân sự, hành chính phải là giải pháp quan trọng để hóa giải các mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong xã hội; làm tốt công tác giám đốc việc xét xử để kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót về nghiệp vụ. 

"Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; oan, sai mới được loại trừ, vi phạm mới được khắc phục và Tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp" -  Thủ tướng nêu rõ. 

Bên cạnh đó, ngành tòa án tích cực, chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại Tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Ngành tòa án chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Ngành chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Tòa án, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vị trí là trung tâm của hoạt động tư pháp. Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân  xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân”.

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi Thẩm phán, mỗi cán bộ Tòa án, phải giữ vững cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý. Chất lượng của hoạt động xét xử và uy tín của Tòa án là do cán bộ Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán quyết định. Vì vậy, ngành phải chăm lo xây dựng được đội ngũ Thẩm phán “thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và mẫu mực về đạo đức”.

Thủ tướng cho rằng, Thẩm phán phải là người chiến sĩ kiên trung trên mặt trận bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật. Xây dựng đội ngũ Thẩm phán “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như lời Bác Hồ đã căn dặn phải là ưu tiên hàng đầu của các Tòa án để vượt qua được khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Tòa án. Bên cạnh đó, ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, TANDTC tổ chức lễ liên thông trục văn bản quốc gia và công bố các dịch vụ công trực tuyến của TAND trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Lãnh đạo TANDTC cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, thời gian qua, TANDTC cùng Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan triển khai các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành điện tử giữa Chính phủ và TANDTC; các hệ thống dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi có công việc liên quan đến Tòa án.

Việc triển khai hệ thống, tích hợp trang thông tin này giúp cho công tác điều hành, quản lý hồ sơ, tài liệu, văn bản, xử lý công việc của Tòa án cũng như việc gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ hệ thống Tòa án và với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp của Tòa án được thực hiện trên môi trường điện tử; giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công của Tòa án; giải quyết công việc tại Tòa án mà không cần phải đến trực tiếp Tòa án...

* Theo báo cáo của TAND tối cao, trong nhiệm kỳ, các tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Trong đó năm 2020, đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,4%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu đề ra.

Về xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội. Các tòa án đã thụ lý 386.165 vụ với 650.546 bị cáo; đã giải quyết được 384.209 vụ với 641.616 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,5% về số vụ và 98,6% về số bị cáo.

* Về giải quyết các vụ án hành chính, các tòa án đã thụ lý 36.354 vụ, đã giải quyết được 32.466 vụ, đạt tỷ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Các tòa án đã chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện. Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án trên cổng thông tin điện tử của ngành được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đã công bố được hơn 600 nghìn bản án, quyết định với tổng lượng truy cập hơn 22 triệu lượt...

(Theo số liệu báo cáo của TANDTC)