Phấn đấu xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay, tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả khả quan, toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai hiệu quả khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ kiểm tra tiến độ xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về những kết quả mà Đảng bộ tỉnh đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn của địa phương và đạt được những kết quả nổi bật nào trong nửa nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Bùi Minh Châu: Nửa nhiệm kỳ qua, cùng với các địa phương trong cả nước, Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19; song, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn địa phương, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra.

Căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh ủy đã lựa chọn 48 nội dung lớn, toàn diện để đưa vào chương trình làm việc toàn khoá nhằm triển khai thực hiện bảy nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã ban hành hơn 1.860 loại văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực nhằm cụ thể hóa, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Cùng với đó, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19.

Sau nửa nhiệm kỳ vượt khó, hầu hết các mục tiêu chủ yếu đã cơ bản đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2025. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn đạt 7,29%/năm; đến nay, GRDP bình quân đầu người tăng 24% so với năm 2020, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong ba năm ước đạt 118,7 nghìn tỷ đồng (đạt 74,2% mục tiêu Nghị quyết Đại hội). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng so với dự toán (năm 2021 tăng 52%, năm 2022 tăng 55%).

Sau nửa nhiệm kỳ vượt khó, hầu hết các mục tiêu chủ yếu đã cơ bản đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đến năm 2025. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn đạt 7,29%/năm; đến nay, GRDP bình quân đầu người tăng 24% so với năm 2020, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong ba năm ước đạt 118,7 nghìn tỷ đồng (đạt 74,2% mục tiêu Nghị quyết Đại hội)...

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu

Toàn tỉnh đã có 4/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2023 có 6/13 (đạt 46%) huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 66,5% tổng số xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2023 đạt 68,5%. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao, là địa phương có tỷ lệ giải ngân nằm trong tốp đầu của cả nước.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố cả nước.

Công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ, đạt được nhiều kết quả trong y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và huy động các nguồn lực đầu tư (tỷ lệ giường bệnh/vạn dân không kể giường bệnh trạm y tế là 48,5 - mục tiêu quốc gia đến 2025 là 32; tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế là 93,7%); tổ chức tốt các sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc tế, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 giảm còn 5,19%.

Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng; đến nay, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trở lên bình quân đạt 97,1% (mục tiêu nghị quyết đạt trên 80%); tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trở lên bình quân đạt 94,73% (mục tiêu nghị quyết đạt trên 80%)…

Phóng viên: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 xác định khâu đột phá là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, xin đồng chí cho biết kết quả đã đạt được trong thời gian qua?

Đồng chí Bùi Minh Châu: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, tạo động lực tăng trưởng bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được tỉnh Phú Thọ xác định trong nhiều năm qua; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã xác định khâu đột phá duy nhất về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để tập trung thống nhất chỉ đạo; đồng thời ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU để tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, làm nền tảng phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư.

Trên cơ sở của Nghị quyết, tỉnh đã ban hành Kế hoạch về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện tám nhóm giải pháp, cụ thể hóa 33 nhiệm vụ thành các cơ chế, chính sách, đồng thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, như: Xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; Kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch xúc tiến đầu tư 2021-2025;…

Kết quả ước thực hiện ba năm (2021-2023), tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 118,7 nghìn tỷ đồng (đạt 74,2% so mục tiêu cả giai đoạn); trong đó huy động vốn ngân sách nhà nước đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng; thu hút mới 226 dự án DDI, vốn đăng ký gần 42.540 tỷ đồng, 26 dự án FDI, vốn đăng ký gần 880 triệu USD.

Qua đó, thúc đẩy cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển (công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 81,3%, nông, lâm nghiệp 18,7%).

Nhiều công trình hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm, liên vùng được quan tâm đầu tư, tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành (cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C đi Yên Bái; Trường THPT chuyên Hùng Vương, Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh; Khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê; Khu nhà ở đô thị Tiên Cát; Khu Nghỉ dưỡng khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy…).

Trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ Nghị quyết số 61-NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; quy hoạch tỉnh đến năm 2030 để tận dụng cơ hội, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; khai thác hiệu quả vành đai động lực Bắc Giang-Thái Nguyên-Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô; phấn đấu xây dựng Phú Thọ là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc.

Phóng viên: Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Phú Thọ đề ra những giải pháp nào để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra?

Đồng chí Bùi Minh Châu: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, Đảng bộ phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và định hướng dư luận xã hội. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của Đảng.

Thứ hai: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực, tinh thần tận tụy, trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, tích cực đi sâu, bám sát cơ sở trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

Thứ ba: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ hiệu quả khâu đột phá và các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp chủ yếu; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành dịch vụ, du lịch; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ tư: Phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể; quan tâm thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; thu hẹp khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người so bình quân cả nước.

Thứ năm: Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!