Gian lận thi cử bằng điện thoại di động

Phải có thiết bị dò tìm, phá sóng

Chỉ là một phần của sự thật..

Như tin đã đưa trên nhiều tờ báo, tại Học viện Ngân hàng trong đợt thi khối A đã phát hiện một TS đội tóc giả để ngụy trang dây nghe điện thoại di động. Từ TS này, cơ quan điều tra đã khám phá được đường dây do Nguyễn Hồng Hải cầm đầu. Theo nhận định của cơ quan công an trong hai mùa tuyển sinh qua đã có khoảng 45-50 TS được đường dây của Hải giúp đỡ và thi đỗ vào các trường ĐH với giá 30-50 triệu đồng/trường hợp.

Trong khi đường dây này vẫn đang được bóc dỡ, thì ở các trường thi, việc thi kèm vẫn tiếp diễn. Vào ngày thi đầu tiên của đợt thi thứ II, tại một điểm thi của trường ĐH Phương Đông cơ quan điều tra bắt quả tang một đối tượng đội lốt TS để thực hiện nhiệm vụ của đường dây gian lận thi cử. Khám người TS này thì thấy có điện thoại di động. Qua khai thác được biết là TS trên chính là một "mắt xích" của đường dây gian lận, vào phòng thi chỉ để làm một nhiệm vụ duy nhất là: đọc đề ra ngoài. Sau khi đề thi lọt ra ngoài, sẽ có một bộ phận giải đề và chuyển đáp án vào phòng thi cho các "khách hàng" cũng bằng điện thoại.

Đợt I thi tuyển sinh có đến gần 30 trường hợp TS sử dụng điện thoại di động để nhận đáp án từ ngoài vào. Trong đợt II con số này cũng xấp xỉ như vậy. Đây là lần đầu tiên phát hiện nhiều vụ gian lận bằng điện thoại nhất. Sự hỗ trợ của công nghệ viễn thông một cách tinh vi đã đưa được không ít người vào ĐH.

Hầu hết phát hiện đều là tình cờ

Sẽ kiểm soát các cuộc đàm thoại bất thường?

Sau đợt thi đầu tiên, Bộ GD-ĐT cũng có một cuộc họp khẩn cấp với ngành Bưu chính - Viễn thông để bàn cách kiểm soát các cuộc đàm thoại bất thường ở khu vực thi trong thời gian diễn ra kỳ thi. Ngành Bưu chính Viễn thông cũng đã hứa sẽ hỗ trợ ngành GD-ĐT ngay trong đợt II này. Tuy nhiên đến nay vẫn không thấy công bố kết quả. Có vẻ như "sự bắt tay" giữa các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ như mong đợi.

Tại trường Khoa học Xã hội & Nhân văn, một TS nữ để điện thoại trong người đặt sẵn chế độ chờ ba giờ đồng hồ, nhưng giám thị không hề hay biết. Đến khi TS này vô tình bấm nhầm để chuông reo, mới bị phát hiện. Hay ở Học viện Báo chí tuyên truyền, một TS đến lúc chuẩn bị nộp bài, mới vô ý để chuông kêu. Tại Học viện Hành chính quốc gia, một TS nữ do sử dụng chiếc điện thoại gần hết pin. Khi máy báo hết pin phát ra thì giám thị mới "túm" được... Và còn rất nhiều những chuyện bi hài khác, như điện thoại thí sinh kêu tít tít trong phòng vì nhận được tin nhắn, lời chúc mừng của người thân, người yêu...

Tất cả những trường hợp trên đều cho thấy một điều: Dùng điện thoại di động để thực hiện hành vi gian lận là cách làm tinh vi, không dễ lật tẩy. Trong khi đó ngoài thị trường có hàng trăm kiểu điện thoại mini, siêu mỏng, tính năng hiện đại, thậm chí có điện thoại không cần dây nghe... Nếu không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, tình trạng này sẽ có nguy cơ lan rộng. Trên thực tế, từ đường dây của Nguyễn Hồng Hải, đã có hàng chục đối tượng được thi kèm hiện trở thành sinh viên.

Phải chống bằng công nghệ cao

Ông Phạm Gia Lâm, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: Chỉ trông vào sự phát hiện của giám thị là rất khó. Bởi vậy, để có thể ngăn chặn hiện trạng này, cần có những thiết bị hỗ trợ. Đơn cử như máy dò tìm các vật cứng, vật phát sóng giấu trong người, tương tự như thiết bị kiểm tra khách hành ở các cảng hàng không. Đã nhiều trường nghĩ đến thiết bị này, nhưng mua nó chỉ để phục vụ một mùa tuyển sinh thì rất tốn kém nên đa phần các trường đều chọn giải pháp "mắt giám thị".

Rất nhiều giám thị, nhất là các giám thị bị khiển trách vì không kịp thời phát hiện TS dùng điện thoại đã than rằng: Nếu không biết chắc chắn không thể tự dưng khám xét, sờ nắn người TS, nhất lại là TS nữ. Bởi thế mùa tuyển sinh sau, Bộ GD-ĐT cần phải phối hợp với công an, ngành viễn thông để có các giải pháp mạnh hơn như sử dụng thiết bị phát hiện điện thoại, dùng thiết bị phá sóng tại các điểm thi để TS có điện thoại không thể liên lạc được ra ngoài. Mạnh hơn nữa, ngành công an và viễn thông phải phối hợp để có thể thu được những cuộc đàm thoại có nghi vấn, để từ đó lần ra những đường dây gian lận thi cử. Với phương tiện kỹ thuật hiện nay, hoàn toàn có thể làm được điều này, nhưng thực tế vì nhiều lý do nên chưa áp dụng các biện pháp mạnh.

Bà Nguyễn Thu Nga, Phó Cục trưởng Cục A25 cho biết: Nếu chỉ là vấn đề kỹ thuật thì dễ xử lý, nhưng với việc gian lận thi cử tinh vi bằng điện thoại di động và được tổ chức bài bản, quy mô thì cần có sự phối hợp nhiều biện pháp khác nhau mới có thể giải quyết triệt để được. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch làm việc với bên Viện Kiểm sát nhân dân để chuẩn bị đưa ra truy tố trước pháp luật một số đối tượng về hành vi "làm lộ bí mật quốc gia".