Nói về tình trạng điểm thi khối A cao đột biến, Giáo sư Văn Như Cương:

Phải có sự phân biệt rõ rệt giữa điểm 9 và 10 

Phải có sự phân biệt rõ rệt giữa điểm 9 và 10 

Điểm thi khối A năm nay quả cao hơn hẳn so với những năm trước đây. Nguyên nhân, theo tôi là do đề ra không khó, sát với chương trình. Nếu thí sinh học cẩn thận, làm bài đầy đủ sẽ kiếm được điểm kha khá. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để phổ điểm rộng hơn, từ điểm 9 đến điểm 10 phải có sự phân biệt rõ rệt.

Việc này phải xác định ngay từ khâu làm đề. Khi ra đề, có thể tính được có bao nhiêu phần trăm có thể được điểm 7, bao nhiêu được điểm 8, hay 9-10. Có làm được như vậy thì việc lựa chọn vào trường sẽ dễ dàng hơn, các trường không phải lâm vào cảnh nếu chỉ cần hạ nửa điểm là thừa sinh viên, không hạ lại thiếu sinh viên. 

- Thưa giáo sư, qua điểm thi có thể đánh giá gì về chất lượng thí sinh năm nay? 

- Không thể nói là chất lượng thí sinh tăng hay giảm, vì điểm phụ thuộc vào đề thi. Chất lượng giáo dục sau một năm học không thể tăng - giảm đột biến được. Vấn đề là phổ điểm chưa được rộng, có kinh nghiệm năm nay rồi thì năm sau phải khắc phục, phải làm như thế nào để điểm 9-10 không nhiều tới mức này nữa, thì mới đạt yêu cầu. Đề thi các môn ra đúng chương trình, không dễ, kể cả so với đề thi ĐH của một số nước khác. Tuy nhiên, nếu đề thi phân hóa hơn một chút nữa thì tốt.

- Tình trạng thí sinh điểm cao, thậm chí là điểm giỏi, vẫn có khả năng không đỗ ĐH, sẽ gây ra tâm lý không tốt trong xã hội. Giáo sư có nhận xét gì về vấn đề này?

 - Việc tuyển chọn về nguyên tắc là ai khá hơn sẽ được vào. Nếu coi thi nghiêm túc, TS làm bài đúng thực lực, thì điểm cao hơn tức là khá hơn thật. Việc thí sinh chênh nhau nửa điểm hay một điểm không đánh giá được chất lượng, có thể do TS chủ quan khi làm bài mà kém bạn, nhưng những thí sinh có điểm cao hơn được vào học là xứng đáng. Tâm lý và dư luận xã hội về việc điểm cao mà không được vào đại học, theo tôi vấn đề ở đây là số được nhận vào ĐH ít quá so với những em có nhu cầu, nhiều cháu có khả năng được học mà không được vào do không có chỉ tiêu. Cũng một phần do sự "kém may mắn" khi đăng ký dự thi vào những nơi có quá ít chỉ tiêu.

- "Học gì, thi nấy" - theo giáo sư, cách ra đề như hiện nay có tác động gì tới việc dạy học trong nhà trường phổ thông thời gian tới?

- Hiện nay, mọi người mới nói đến việc điểm thi quá thấp của môn sử. Nhưng để nghiêm túc xem xét thì tình trạng này không chỉ xảy ra ở môn sử, mà còn ở cả các môn khác. Ví dụ như môn toán ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 120 bài bị điểm 0. ĐH Sư phạm là trường hàng đầu, vậy mà TS thi vào đây còn có những em kém đến vậy, điều này cũng gây ngạc nhiên không kém gì so với môn sử. Bị điểm 0 tức là không biết gì, vậy mà những thí sinh này vẫn được ngồi ở lớp 12, vẫn tốt nghiệp rồi đi thi ĐH. Vậy thực tế, ở phổ thông chúng ta cho lên lớp theo chỉ tiêu thành tích nào? Điều này phản ánh việc chúng ta đánh giá chưa thật chính xác.

Chiều 5-8, PGS.TS Dương Đức Hồng - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Trường có 440 bài thi/9.938 bài đạt điểm 10 môn toán, 326 bài/9.803 được điểm 10 môn lý, 395 bài/ 9.697 bài đạt điểm 10 môn hoá. Số bài bị điểm 0 tương ứng là 300, 322 và 220. Trong ngày 6-8, trường sẽ công bố điểm thi cho TS. Trường ĐH Bách khoa khẳng định là sẽ không lấy nguyện vọng 2. Điểm trúng tuyển dự kiến sẽ cao hơn năm 2004 khoảng 1 điểm.