Sau Tết, cô cháu tôi bảo: "Công ty cháu đang vỡ cậu ạ". Giật mình, theo thói quen nghề nghiệp, tôi hỏi: "Sao thế, có vụ tham nhũng lớn à?". Lắc lắc mái đầu hoe vàng được nối tóc công phu, cháu gái thản nhiên: "Osin về quê".
Thật chả ra làm sao, thế mà cũng khoe. Nhưng rồi nghe cô cháu kể cho thủng câu chuyện thì cũng gay go thật. Ở công ty may của cháu chủ yếu là lao động nữ, lại chủ yếu là chị em có con mọn, chủ yếu là người quê gốc nông thôn, chủ yếu là kinh tế khó khăn... Không biết còn bao nhiêu cái "chủ yếu" nữa đây?
Không hiểu sao sau Tết, hàng loạt Osin về quê, rồi không thấy lên nữa. (Xin bạn đọc thứ lỗi, đúng ra phải gọi là "người giúp việc", nhưng lâu nay, nghe mãi từ Osin, tên một nhân vật trong bộ phim truyện của Nhật Bản, thành ra quen tai).
Lý do ư? Gọi điện về quê hỏi, có người gặp được Osin, có người không. Nhưng đại loại rằng, Tết này rét quá, lúa mạ chết ráo cả. Cháu phải ở nhà cấy lúa, hoặc em phải ở nhà trông ổ nái vừa đẻ một đàn con lít nhít.
Có bà Osin tuổi xêm xêm với chủ thì nói nửa đùa nửa thật : "Giá chợ lên chóng mặt. Thịt gà trước Tết giá 60 - 70, bây giờ ngót nghét trăm bạc (100 nghìn đồng một cân). Mớ rau cần từ hai nghìn lên mười nghìn. Ðợt này lên, đằng ấy có trả tớ một triệu đồng một tháng không? Ô, thì ra lý do "chủ yếu" là giá.
Giá tăng, lương người lao động phải tăng theo thì
mới "ký hợp đồng" tiếp. Cái công ty của cháu gái tôi như tổ ong vỡ là như thế. Cùng lúc mấy chục người làm đơn xin nghỉ không lương. Rồi đi muộn về sớm. Rồi mắt đằng đông, tai đằng tây. Lại tha hồ buôn chuyện.
Chuyện về "Osin nhà tôi". Chuyện về nhà bà thế mà sướng, ông bà nội còn trẻ đỡ cho. Chuyện về ông xã nhà tớ thất nghiệp mà hóa may, lão nấu ăn ngon hết xảy... Phanh lại đi! Làm việc như thế thì "vỡ" cũng chả oan.
"Thư giãn" khi bé ngủ. |
Dịp này, nhà tôi cũng đang cần tìm người giúp việc. Mới bàn trong mấy anh em cũng đã rối như canh hẹ. Người bảo cứ nhờ con cháu trong nhà là hay nhất. Ở quê bây giờ đi đội đất, đội gạch, mỗi ngày cũng chỉ được ba chục nghìn bạc. Thôi, cứ mời một cháu lên, công việc cũng nhẹ nhàng, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, tháng tháng trả tiền cao hơn công đội gạch.
Người khác lắc đầu, phức tạp lắm bác ạ. Cứ mượn người ngoài, công sá sòng phẳng. Người nhà, có cháu vụng nghĩ, vụng làm, đâm toang bỏ vãi, chẳng dám mắng. Mắng nó, nó về quê kể, tam sao thất bản, rồi có khi mất cả anh em, họ hàng.
Mấy anh, chị đang có thu nhập cao thì nói theo ngôn ngữ marketing: Cứ xin mời các cụ cho chúng tôi thuê người qua trung tâm. Cái trung tâm Mai Hoàng ngay ở phố Chùa Láng đấy, lúc nào chả sẵn nhân viên. Ở đấy có cả Osin được đào tạo chuyên nghiệp.
Cô nhà báo trẻ nhún vai: Thôi, ông anh ạ, ông anh lại vừa đọc mạng chứ gì. Ông thử ra trung tâm thuê đi, có mà thuê... bà giám đốc !
Tôi có cô em họ tên là Xuyên. Năm nay cô gần 50 tuổi, không lấy chồng. Người ưa nhìn, hoạt bát, mà đứng vậy, âu cũng tại cái "số". Xuyên quê chợ Láng, Xuân Ðài, huyện Xuân Trường, Nam Ðịnh. Ðã mười năm có lẻ cô lên Hà Nội làm lao động hợp đồng, rồi làm Osin. Có lẽ nhờ Xuyên chăng? Liên hệ hàng chục cuộc điện thoại mới gặp được Xuyên. Cú phôn cuối cùng phải gặp cô em ruột của Xuyên đang ở mãi trên Sa Pa, Lào Cai, mới có số điện thoại nhà chủ Xuyên đang thuê. Xuyên nói lưu loát lắm, rõ ra giọng người tỉnh thành : "Bác à, thế thì tối mai lại nhà em chơi nhá. Rồi anh em mình bàn. Anh còn lạ gì, hàng hay nhờ tay người chọn. Mà bác này, các bác giàu thế, giả em công bao nhiêu? Thôi bây giờ em phải đến bệnh viện đây". Tiếng cúp máy đánh xoạch.
Tối hôm sau, trời rét buốt. Gió như những tia nước đá luồn vào ống chân, ống tay. Tôi co ro trong cái áo giả da, phóng xe máy theo đường Giải Phóng, tìm đến phố Phan Ðình Giót. Bây giờ nhiều phố mới, đường mới, người ở Hà Nội lâu năm nhiều khi muốn tìm đến một địa điểm cũng phải giở bản đồ. Ngõ 22. Nhà số 1. Ngôi nhà bốn tầng, mặt phố. Thuê nhà kiểu này kể cũng là sang trọng.
Xuyên vừa đi làm về. Quần áo còn vương bụi đường. Cô dẫn chúng tôi theo chiếc cầu thang hẹp bằng đá hình xoáy trôn ốc. Xoay mãi, xoay mãi, xây xẩm mặt mày mới tới tầng năm, nơi mấy chị em thuê phòng. Ðược cái căn phòng rộng rãi. Mấy chiếc chăn chiên trải trên nền gạch hoa. Vài chiếc chăn bông cũ, loại chăn gia công ba cân, năm cân, bây giờ người thành phố rất ít dùng.
Cô bạn ở cùng, tên Mơ, rót nước lọc vào hai chiếc cốc nhựa, mau mắn: "Quý hóa quá. Nom chị Xuyên giống bác gái quá, đúng là giọt trên giọt dưới. Có khi chúng em vẫn đi đồng nát qua nhà hai bác ấy chứ. Thật, đánh nhau vỡ đầu mới biết ruột già...". Rồi Mơ kể, ông bà chủ nhà đây á, họ chả thiếu tiền. Ông ấy làm ông giáo trường lái xe. Cái nghề ấy bây giờ xem chừng đắt giá. Khối bác về hưu, bụng to, chân ngắn, mí mắt xùm xụp như người buồn ngủ, đến đây xin học lái, hãi quá! Ngồi trong xe bác ấy lái cơ chừng phải đội mũ bảo hiểm... Ông bà chủ quý chúng em chỗ người làng nên cho ở nhờ. Chả tính tháng, tính năm. Cứ mỗi ngày, đêm trả sáu nghìn đồng. Tiền điện, tiền nước các cô chịu. Vị chi mỗi tháng chỉ mất hơn hai trăm bạc (hai trăm nghìn đồng).
Ô hay, Xuyên làm nghề buôn bán đồng nát từ bao giờ? Chuyện dài như mưa dai tháng tám. Em phải "đi ở" mất hơn sáu năm đấy - Xuyên kể - Làm Osin cho nhà bác Như. Bác ấy cũng có họ hàng xa, ở ngành trên. Bác Như làm bên giám đốc khách sạn, trong nhà có két sắt đựng tiền. Ấy là nói thế, chứ em có tường đầu con ruồi, đuôi đòn gánh chỗ nào. Công việc chính của em là trông nom bà đẻ ra bác Như. Bà ngoài tám mươi, ốm quanh năm, không đi lại được. Lương tháng bác Như trả 200 nghìn đồng, từ lúc đầu cho đến sau này. Ðến lúc giá chợ lên vùn vụt, đồng tiền như miếng chín, cũng chẳng đưa thêm đồng nào. Em cũng có lần nói cái ý ấy, bác Như bảo cứ chịu khó chăm bà, yên chí rồi sau này anh sẽ tặng cô cái ti-vi. Nói thật với bác, em cũng chả thiết gì cái thùng ngốn điện ấy. Nhưng mà thương bà. Bà thủ thỉ kể với em cơ man là chuyện. Từ cái hồi còn phong kiến, đế quốc, bà phải đi ở cho địa chủ ở mãi xứ Thanh. À thế thì bà cũng làm Osin như cháu. Bà bảo, bố Như nó nhiều tiền nhưng không sướng đâu, vợ chồng thỉnh thoảng lại đóng cửa sầm sầm. Nó có quyển sổ ghi từng ngày, mua cho bà đôi bít-tất nó cũng ghi. Bà xỏ chân làm gì. Chết rét thì thôi chứ. "Mẹ nuôi con bằng giời bằng bể. Con nuôi mẹ con kể từng ngày". Thế là vô phúc.
Em nghe bà nói thế, trống ngực đánh như trống làng. Không may vợ chồng bác chủ nghe thấy thì chết em. Những ngày bà ốm nặng, em hầu như thức suốt đêm, đấm bóp, thay quần áo, phục dịch bà. Một đêm bà lấy ra chỉ vàng đưa em, bảo cháu cầm mà làm vốn, mai này mua cái xe cút-kít đi bán quần áo rong, nhàn thân hơn. Em run bắn. Bà ơi, bà bảo bác Như cho cháu. Nhận của bà cháu sợ lắm. Bà thở dài, khổ thân cháu tôi, tính con trai bà, biết rồi. Hai ngày sau bà tắt thở trên tay em. Ðêm ấy trời mưa rả rích. Rét lắm. Nhưng em không thấy rét, thấy sợ, chỉ thấy thương bà !
Rồi em xin bác Như về quê. Bác Như bảo, cô về ít hôm, hôm nào lên qua nhà anh tặng cô cái ti-vi. Em vâng, và khăn áo ra đi. Nhưng còn đi đâu ở bác? Nghe cái Mơ với mấy đứa bạn bảo, hồi này đi buôn đồng nát cũng kiếm được, thế là đi.
- Cô sống độc thân, tuổi cũng không còn trẻ, phải lo giữ sức chứ. Tôi góp lời.
- Vâng, cũng yếu rồi. Nhưng tình thế nó bắt buộc. Bác nhớ cậu Lân không? Em ruột em đấy. Cậu ấy bị bệnh basedow. Ðến bệnh viện tia xạ cả năm nay, người héo hắt như cái bấc, bệnh chuyển chậm lắm. Em phải kiếm tiền nuôi em, và nuôi hai cháu. Thằng lớn vừa đỗ vào trường Ðại học Công nghiệp. Thằng bé cũng đã vào lớp 10 rồi.
Trời ơi, sao bao nhiêu cái khổ lại dồn lên vai một người. Tôi chợt nhớ ra việc chính là đến nhờ Xuyên giúp việc cho nhà mình. Nhưng khó nói quá.
Ðang băn khoăn thì cô Mơ đã bộc bạch: - Chúng em đi làm nghề này vất vả lắm. Nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Tháng hơn bù tháng kém cũng được triệu rưỡi, hai triệu. Có thế chị Xuyên mới có tiền chữa bệnh cho em và nuôi cháu chứ. Nếu làm Osin, người nào thoáng nhất họ cũng chỉ giả 800 nghìn đồng một tháng là hết chân tiền. Này, bác làm nhà báo, bác có thuộc mấy câu thơ này không: "Rời quê lớ ngớ lên đây/ Phố như mắc cửi người vây lấy người/ Vai gầy gồng gánh lôi thôi/ Vỏ bia, lông vịt lên ngôi có ngày ?".
Cả mấy anh em cùng cười, mà lòng nhói đau. Thế là Xuyên đã có "nghề" ổn định. Tôi đành nói mấy lời động viên cô, hẹn cô và Mơ hôm nào thư thư đến nhà chơi.
Việc tìm người giúp việc lại rơi vào bế tắc. Tôi kể chuyện này với anh Vũ Nam, một nhà xã hội học. Anh vỗ vỗ cái trán rộng mênh mông: Ô, đúng là một đề tài lớn Tết này đấy. Một đề tài lớn về dịch vụ việc làm. Một đề tài lớn về phân công lao động xã hội. Ông biết không, ở ta hiện giờ có khoảng 70% các Osin là chị em lao động ở nông thôn đi làm tự do, 20% là chỗ họ hàng, anh em, và mới có khoảng 10% được đào tạo, tạm coi như chuyên nghiệp.
Anh Vũ Nam gõ vi tính. Một cái bảng ô liền ô như tủ thuốc bắc, chi chít con số hiện ra. Vô số những con số, những địa chỉ đào tạo ban đầu ở ta, về kỹ thuật nấu cơm, lau nhà, giặt giũ, cắm hoa, chăm người ốm, kỹ năng giao tiếp...
Nhà xã hội học gỡ kính lau mắt: "Ta đang bỏ ngỏ thị trường này ông ạ. Người chuyên nghiệp giúp việc cho chủ nhà không chuyên nghiệp. Còn chủ nhà "chuyên nghiệp" lại tìm được Osin lởm khởm.
Chả nói đâu xa, cô bé Osin nhà tôi tuần trước "nhốt" bà cụ trong nhà để đi chat. Nó bảo, cô chú muốn tìm thì cứ nick cho cháu. Thời công nghệ thông tin, tiện lợi đi liền với phức tạp... Nhưng nói đi phải nói lại, chả hiếm ông bà chủ ỷ thế có tiền bắt ne bắt nét Osin đủ điều. Ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh có một chị giúp việc được đào tạo cơ bản. Chị phát hiện thằng bé con bà chủ bị bệnh tự kỷ, vì suốt ngày nó lầm rầm nói chuyện một mình. Khi chị nói với ông bà chủ thì bị mắng cho một chập, cho rằng ôsin mà dám nói năng lung tung, và lập tức... thôi hợp đồng.
Chao ơi, chuyện Osin thời nay! Ðâu còn là chuyện trong mỗi nhà, mỗi ngõ phố. Ðó là chuyện Osin ở nhà, Osin bệnh viện. Ðó là chuyện kinh tế, xã hội, văn hóa, chuyện người, chuyện đời. Cũng không còn là câu chuyện bó hẹp trong một quốc gia. Một thông tin trên một tờ báo chuyên ngành gia đình - xã hội cho biết, ở Thượng Hải (Trung Quốc) có người giàu có thuê Osin chuyên nghiệp người Phi-li-pin với giá 750 USD/tháng, trong khi giá thông thường chỉ khoảng 400 USD.
Nhưng đó là chuyện xứ người.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến Xuyên. Giờ này cô Osin giải nghệ ấy lại đang đạp xe đến những hẻm phố nào? Ðồng tiền kiếm được gian nan lắm, và nhẹ lắm. Nhưng tình nghĩa ở đời thì lớn, thì nặng vô cùng.