Ngày 20-9, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Bỉ có thông báo chính thức về việc Bộ trưởng Tư pháp Bỉ đã ký quyết định từ chối dẫn độ ông Bửu Huy (Phó Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang) sang Mỹ để xét xử theo yêu cầu của Tòa án bang Florida (Mỹ).
Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký và có khả năng ông Bửu Huy sẽ được trả tự do trong ngày 21-9.
Sáng nay, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEF) đã có những bình luận đầu tiên chung quanh việc Bộ Tư pháp Bỉ có quyết định bác yêu cầu dẫn độ ông Bửu Huy sang Mỹ.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào trước quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bỉ?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức nhưng chị Phan Thúy Thanh, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ đã thông báo cho tôi vào tối qua, các thủ tục có lẽ sẽ được tiến hành hôm nay.
Về vụ việc này, ngay từ đầu, VASEP đã có quan điểm rõ, các tranh chấp thương mại quốc tế về nhãn mác là chỉ xử lý bằng hành chính; điều này cũng phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã đề nghị phía Mỹ xem xét dưới góc độ kinh tế chứ không nên hình sự hóa vụ việc vì điều này đe dọa việc hành nghề của các thương nhân. VASEP đã có nhiều động thái để bảo vệ ông Bửu Huy và các thương nhân Việt Nam. Gần đây nhất, sau phiên tòa xem xét việc dẫn độ ông Bửu Huy sang Mỹ, ngày 6-9-2006, VASEP đã có thư gửi bà Bộ trưởng Tư pháp Bỉ nêu rõ những lý do để không dẫn độ ông Bửu Huy sang Mỹ.
Quyết định cuối cùng của Bộ trưởng Tư pháp Bỉ là một quyết định đúng đắn, trên tinh thần tôn trọng luật pháp của Bỉ, của châu Âu và tinh thần tự do thương mại. Chúng tôi hoan nghênh quyết định này. Điều này cũng chứng tỏ các thương nhân không chỉ phải tuân thủ pháp luật mà còn có quyền tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Phóng viên: Như vậy ông Bửu Huy sẽ trở về Việt Nam vào ngày nào?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ cho biết, sẽ đón ông Bửu Huy về ĐSQ để bảo đảm an toàn và đồng thời sẽ bố trí cho ông về nước trong chuyến bay sớm nhất. Dự kiến khoảng thứ bảy hoặc chủ nhật tuần này ông Bửu Huy sẽ về đến Việt Nam.
Phóng viên: Qua vụ việc này, chúng ta có rút ra được bài học gì?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Có thể thấy mấy điều từ vụ việc này như sau:
Thứ nhất, trong quá trình toàn cầu hóa, các thương nhân, công ty Việt Nam cần nắm vững luật pháp không chỉ của Việt Nam mà của cả các thị trường xuất khẩu. Bởi trong quá trình gia nhập thương mại thế giới, rất nhiều quy định của Việt Nam chưa phù hợp hoàn toàn với quy định, thông lệ trên thế giới. Bản thân các quy định của các nước cũng khác nhau. Do vậy, để tránh các phiền toái thì thương nhân phải biết luật pháp.
Thứ hai, các quy định của Việt Nam nói riêng trong trường hợp này, cụ thể là về nhãn mác, thì chưa bắt kịp với quy định thế giới, mình còn đang rất hời hợt. Theo quy định của luật pháp Việt Nam thì doanh nghiệp được phép ghi tên thương mại theo yêu cầu khách hàng, họ chỉ phải ghi tên khoa học, tức là tên Latinh đúng. Công ty của ông Bửu Huy làm đúng luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên điều này lại không phù hợp với pháp luật của Mỹ.
Thứ ba, những vụ việc va chạm như trên sẽ thường xuyên xảy ra trong thời gian tới. Do vậy, không những doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước mà cả giới truyền thông cũng cần hiểu rõ. Cần thông tin thận trọng, không nên bình luận quá sớm khi chưa nắm chắc vấn đề.
Phóng viên: Quan điểm của VASEP như thế nào đối với vụ kiện tại Mỹ? Liệu ông Bửu Huy có thể bị bắt tiếp tương tự như ở Bỉ?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: VASEP đã có định hướng rất rõ, nếu như họ có thể khởi kiện ở Mỹ thì chúng tôi sẽ cử đại diện, luật sư sang tham gia vụ kiện tại Mỹ. Tuy nhiên theo tôi biết, vụ việc này thực ra bị đơn chính là công ty nhập khẩu, họ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Mỹ và người tiêu dùng về chất lượng, nhãn mác.
Còn công ty Việt Nam chỉ là bên liên đới, bởi vì công ty Việt Nam xuất khẩu không phải nộp bất cứ chứng từ nào cho nhà chức trách Mỹ, không có trách nhiệm khai báo, cũng không có trách nhiệm phải đóng thuế. Họ chỉ có trách nhiệm liên quan đến lô hàng đó thôi, với trách nhiệm về mặt dân sự, trong giao dịch thương mại, chứ không có trách nhiệm hình sự. Phía bị đơn đã có thương lượng với cơ quan nhà nước của Mỹ, phiên tòa đã hoãn vô thời hạn và chưa có thông tin chính xác có mở phiên tòa hay không. Nếu phiên tòa được mở mà có mời phía Việt Nam thì doanh nghiệp sẵn sàng tham gia.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Luật sư Pascal Vanderveeren - người bào chữa thành công vụ ông Bửu Huy: Vào lúc 23 giờ đêm ngày 20-9 (giờ Hà Nội, tức 6 giờ chiều ở Brussels), tôi nhận được điện của ông Pascal Vanderveeren, luật sư người Bỉ, báo tin vui cho biết bà Bộ trưởng Tư pháp Bỉ vừa ký quyết định từ chối dẫn độ ông Bửu Huy. Biết tôi là người theo dõi chặt chẽ vụ này giọng ông tràn đầy xúc động trong một niềm phấn khởi lạ thường, không hẳn vì người được ông bào chữa được trả lại tự do, mà còn vì công lý đã được xác lập. Yêu cầu vô lý của Tòa án bang Florida (Mỹ) dẫn độ một doanh nhân Việt Nam sang Mỹ, đã bị khước từ, đành rằng Bỉ và Mỹ có ký Hiệp định về dẫn độ. Bốn tháng mười ngày đã trôi qua kể từ khi ông Bửu Huy bị tạm giữ, luật sư Vanderveeren đã suy nghĩ tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng bản cáo trạng mà phía Mỹ cáo buộc ông Huy trong quá trình công ty của ông Huy buôn bán sản phẩm cá tra và cá ba sa sang Mỹ. Từng có bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề bào chữa, từng đứng đầu Hội Luật gia Bỉ, chuyên về dẫn độ, luật sư Vanderveeren nói rằng chưa bao giờ ông thấy có một vụ án vô lý như lần này. Điều vô lý nhất là công ty của ông Huy đã ngừng mọi giao dịch buôn bán từ trước thời điểm Luật về chống bán phá giá của Mỹ có hiệu lực, và các sản phẩm cá của AFIEX khi xuất sang Mỹ đều ghi rõ tên khoa học. Tại phiên tòa công khai ngày 18-8 tại Tòa Thượng thẩm Bỉ ở Brussels, xem xét các điều kiện dẫn độ ông Bửu Huy có phù hợp với Hiệp định dẫn độ giữa Bỉ và Mỹ hay không, luật sư Vanderveeren đã chỉ ra những điểm thiếu căn cứ trong bản cáo trạng dày 37 trang của phía Mỹ, chinh phục được Bồi thẩm đoàn và cử tọa. |