“Om sòm trên vách bức tranh gà”

Gà trong tranh Đông Hồ.
Gà trong tranh Đông Hồ.

Cứ tưởng tượng một chợ Tết xưa, nếu không nhiều tranh gà, làm sao trong bài thơ "Chợ Tết" nhà thơ  Ðoàn Văn Cừ có thể tả được:

Lũ trẻ còn mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi

Mà tả tranh gà, không ai có thể tài tình như Tú Xương, ông chỉ dùng có mấy chữ thôi, ra cả một không khí tết thôn dã vui vẻ hồn nhiên, tài hơn nữa, ra cả thần thái tranh gà dân gian:

Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà

Nghe nói, tranh gà sớm được xuất hiện cùng với tranh thần Chung Quỳ (Thần Canh Cửa), để trấn quỷ trừ tà. Gà từng được cung kính tôn thờ như một thế lực siêu phàm. Tiếng gà gáy cất lên làm đổ vỡ những thế lực hắc ám, xua tan màn đêm tăm tối, báo một ngày mới bắt đầu.

 Gà trong tranh Hàng Trống.

Tranh Gà mầu sắc tươi rói, giống hệt mầu Tết. Ðầu tiên, phải kể hình tượng con gà trống. Ngày tết treo tranh gà trống là để cầu mong an lành, hạnh phúc.

Gà trống tranh Ðông Hồ một mình oai vệ ngẩng cao đầu, mào đỏ thắm, cựa sắc nhọn, ngực ưỡn, đuôi xòe... rõ ràng mang tới điềm lành, đại cát, nghinh xuân. Gà trống tranh Hàng Trống oai phong, che chở, đứng bên khóm mẫu đơn lộng lẫy, mấy chú gà con quanh quẩn bên cạnh, ra dáng một ông chủ quyền thế, trách nhiệm. Quân tử giữ đạo quân tử. Gà trống của dòng tranh Kim Hoàng là gà Thần, bao giờ cũng có thêm chữ "Thần kê trừ tà".

Tranh "Vinh hoa" của làng tranh Ðông Hồ là hình tượng một bé trai bụ bẫm ôm gà trống, nhìn đã vui mắt, sướng lòng. Gà trống, gà mái, gà con quây quần trong tranh ấm cúng, đoàn tụ và sung túc, như ước nguyện bình dị của người Việt Nam, năm nào cũng thế... "Gà đàn" mà con gà mái mẹ ngậm mồi gọi con trông cũng thật đáng yêu. Tết, nhìn tranh gà hiểu thú vui sum họp, thân thương, thú vui bình dị giờ đây chỉ những gia đình quý trọng truyền thống mới xiết bao muốn giữ gìn.

Tranh Gà lâu nay vắng dần, những họa sĩ thích vẽ 12 con giáp dường như thưa hơn cảm xúc sáng tạo, nên gà cũng chẳng còn bao nhiêu trong hội họa hiện đại. Hình tượng con gà trên tranh, từ lâu lắm đã thôi om sòm rồi. Bọn trẻ con nông thôn còn đỡ, chứ trẻ con thành phố giờ đây làm văn tả gà là lúng túng. Chúng không biết được lông đuôi gà trống rực rỡ thế nào, mào gà trống rực rỡ ra sao, gà con như nắm tơ nõn, gà mẹ mầu nâu xám mượt mà... Nếu tranh gà cũng thôi không còn nữa, e rằng thẩm mỹ về loài gà sẽ mất. Bao giờ lại "om sòm trên vách bức tranh gà..."?