Chính phủ Ô-xtrây-li-a cho biết, chỉ những cơ sở nào không nằm trong diện được miễn trừ và thải ra ít nhất 25 nghìn tấn khí thải CO2 mỗi năm mới phải nộp thuế. Như vậy, ước tính khoảng 500 công ty gây ô nhiễm nhiều nhất ở Ô-xtrây-li-a sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chương trình nêu trên, với mức giá khởi điểm 23 đô-la Ô-xtrây-li-a (AUD)/tấn và sẽ tăng 2,5% mỗi năm. Sau đó, từ năm 2015, Ô-xtrây-li-a sẽ chuyển sang áp dụng Chương trình buôn bán khí thải (ETS) tương tự ở châu Âu, với mức giá khí thải do thị trường quyết định. Trong giai đoạn ba năm đầu thực hiện ETS, Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ đặt mức giá sàn và giá trần cho khí thải để tránh những cú sốc giá cả trên thị trường. Thủ tướng Gi-lát cũng công bố một loạt gói hỗ trợ, bồi thường và miễn trừ nhằm kích thích tạo việc làm, hỗ trợ các ngành công nghiệp, giảm tác động tiêu cực đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Ô-xtrây-li-a là một trong những nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, tính theo đầu người, do chủ yếu dựa vào than đá để sản xuất điện (với tỷ lệ khoảng 75%) và ngành công nghiệp khai khoáng để xuất khẩu. Thủ tướng Gi-lát tuyên bố, việc đánh thuế các-bon là chính sách đúng đắn nhất vào lúc này giúp giảm dần việc sử dụng các nguồn năng lượng có nguồn gốc từ thiên nhiên như dầu hỏa, khí đốt, than đá, góp phần giải quyết tình trạng Trái đất ấm lên. Trong chính sách ưu tiên của chính phủ mới đưa ra ngay sau khi đắc cử, ngày 19-9-2010, Thủ tướng Gi-lát nhấn mạnh sự cần thiết triển khai kế hoạch trao đổi hạn ngạch khí thải các-bon nhằm đưa Ô-xtrây-li-a sang một nền kinh tế có lượng khí thải các-bon thấp, 'chặt đứt' mối liên hệ giữa tăng trưởng và gia tăng khí thải các-bon, từng bước thực hiện những giải pháp giúp con người sống thân thiện hơn với môi trường. Ðầu năm nay, Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn mới đối với khí thải xe ô-tô, giai đoạn đầu được thực hiện vào năm 2013; giai đoạn bắt buộc thực hiện sẽ được áp dụng từ năm 2018. Trong thời gian tới, Chính phủ Ô-xtrây-li-a cũng dự định thành lập một Tập đoàn tài chính năng lượng sạch với số vốn hoạt động khoảng mười tỷ AUD để tài trợ cho các dự án sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Chương trình đánh thuế khí thải các-bon nêu trên cần được Quốc hội (QH) Ô-xtrây-li-a thông qua trước khi có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ khi 'thai nghén' chương trình này, Thủ tướng Gi-lát đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của phe đối lập, không ít các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại Ô-xtrây-li-a và cả người dân nước này. Thủ lĩnh liên minh hai đảng Tự do và Dân tộc đối lập T. Áp-bót nhắc đi nhắc lại việc Thủ tướng Gi-lát đã không giữ lời hứa bà từng cam kết trước ngày bầu cử vào tháng 8-2010, rằng nếu Công đảng thắng cử thì bà sẽ không đánh thuế khí thải. Ông Áp-bót thậm chí còn kêu gọi Thủ tướng Gi-lát tổ chức bầu cử trước thời hạn, dù nhiệm kỳ QH Ô-xtrây-li-a sẽ kết thúc vào năm 2013. Theo ông Áp-bót, khi dự luật thuế các-bon được thông qua, nó có thể làm thay đổi kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này vì số tiền thuế doanh nghiệp và người dân phải đóng mỗi năm lên tới nhiều tỷ USD. Nghị sĩ độc lập T. Uyn-xơ cũng cho rằng, việc ban hành thuế các-bon là một 'sai lầm' của Chính quyền Gi-lát. Nhiều doanh nghiệp cũng không đồng tình với Chương trình đánh thuế khí thải các-bon của Chính phủ Ô-xtrây-li-a. Một số công ty ở Ô-xtrây-li-a đòi Thủ tướng Gi-lát tăng phần bồi thường cho các khoản thiệt hại mà họ phải gánh chịu khi thuế trên được thi hành. Hiệp hội Than Ô-xtrây-li-a cho rằng, khoảng 18 mỏ than của nước này đứng trước nguy cơ phải đóng cửa và cùng với đó là 4.700 việc làm sẽ bị tước bỏ khi thuế các-bon được áp dụng. Hàng nghìn người đã xuống đường ở Can-bơ-rơ và thành phố thương mại Xít-ni phản đối dự luật thuế các-bon của Chính phủ, kêu gọi Thủ tướng Gi-lát từ chức. Về phần mình, Thủ tướng Gi-lát chỉ trích việc lãnh tụ phe đối lập Áp-bót khăng khăng bác bỏ dự luật thuế các-bon. Bà nhấn mạnh, nếu không tìm cách giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và có những biện pháp 'thân thiện' với môi trường thì uy tín kinh doanh của Ô-xtrây-li-a sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời còn đẩy tình trạng thất nghiệp tăng cao.
Cùng với dự luật thuế các-bon, các chính sách khác của Chính phủ như giải quyết vấn đề nhập cư trái phép, ngân sách tài khóa 2011-2012 đã khiến tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Ô-xtrây-li-a giảm xuống mức thấp kỷ lục trong một năm cầm quyền 'sóng gió'. Thủ tướng Gi-lát quả là gặp khó khi muốn đưa Ô-xtrây-li-a hướng tới một tương lai 'năng lượng sạch'.