Sống chung cùng ô nhiễm
Nước thải trong quá trình sản xuất bún ở thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chảy ra môi trường gây ô nhiễm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề sản xuất bún xảy ra phổ biến như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ồn và nóng. Vì vậy, tỷ lệ người dân mắc bệnh thường gặp về đường hô hấp, đau mắt, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da cao hơn các làng thuần nông. Những dòng sông chảy qua các làng nghề hiện nay đang bị ô nhiễm nặng; nhiều ruộng lúa, cây trồng bị giảm năng suất do nước thải từ các cơ sở sản xuất bún...
Tỉnh Quảng Trị có hơn 250 hộ gia đình làm nghề sản xuất bún, tập trung chủ yếu tại ba làng nghề là: Linh Chiểu, Thượng Trạch (huyện Triệu Sơn) và làng Cẩm Thạch (huyện Cam Lộ). Duy trì và phát triển nghề làm bún vừa góp phần nâng cao đời sống cho người dân, vừa giữ gìn nghề truyền thống ở địa phương. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư về hệ thống xử lý nước thải, hiện nay, cả ba làng nghề nói trên đều ở trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi ngày, hàng trăm m3 nước thải xả trực tiếp ra vườn nhà, kênh mương, bốc mùi hôi nồng nặc.
Chị Trần Thị Thu, ở thôn Cẩm Thạch, xã Cam An (Cam Lộ), chủ cơ sở sản xuất bún cho biết: Mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 300 kg bún, nhưng nan giải nhất là hệ thống xử lý nước thải, vì không biết thoát vào đâu, đành phải thải ra vườn nhà… Hàng xóm nhiều lần phàn nàn nên cách đây hai năm, gia đình chị đầu tư đường ống nhựa dài hơn 200 mét để xả nước thải ra xa khu dân cư và xây hệ thống bioga xử lý. Tuy nhiên, do lượng nước thải quá lớn nên vẫn gây ô nhiễm môi trường xung quanh. "Kinh doanh nhỏ lẽ như cơ sở của tôi mà đầu tư hệ thống xử lý nước thải quy mô là quá khó. Mong cơ quan chức năng sớm có quy hoạch đầu tư để giúp làng nghề sản xuất bún phát triển", chị Thu nói.
Nhiều năm qua, gần 700 hộ dân ở hai thôn Linh Chiểu và Thượng Trạch (Triệu Sơn) phải sống chung trong tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất bún. Nguồn nước nhiễm bẩn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, mà còn làm cho hơn 10 ha trồng lúa phải chuyển sang trồng loại cây trồng khác, giá trị kinh tế thấp và một số diện tích phải bỏ hoang.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Linh Chiểu (Triệu Sơn), bức xúc nói: “Họ làm bún bán nâng cao thu nhập gia đình, còn người dân chúng tôi thì phải chịu đựng mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm. Người lớn còn chịu được, chứ người già và trẻ nhỏ thì ngửi mùi hôi như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Ông Phan Văn Trinh, ở thôn Thượng Trạch (Triệu Sơn) cho biết: “Trong thôn mùi hôi từ nước thải sản xuất bún bốc lên không chịu nổi, nếu ở nhà thì phải đóng cửa cả ngày. Khách khứa hay con cái ở xa về đều nhận xét, ở đây quá hôi và ô nhiễm, nhất là không khí”.
Ông Trinh đề nghị: "Chính quyền địa phương sớm quy hoạch tách cơ sở sản xuất bún ra khỏi khu vực nhà ở và phải bảo đảm sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo vệ môi trường để gìn giữ sức khỏe cho người dân".
Sớm xây dựng làng nghề tập trung
Hiện toàn xã Triệu Sơn có hơn 25 hệ thống máy chế biến bún, với công suất 600 kg/ngày. Trong năm 2013, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án “Điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn”, với kinh phí hơn bảy tỷ đồng, tạo nơi sản xuất cách xa khu dân cư cho 30 hộ gia đình làm bún. Tuy nhiên sau khi giải phóng mặt bằng, dự án đã bị dừng lại do thiếu vốn, vì vậy, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề lại tiếp tục kéo dài.
Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Phan Vọng: “Tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương rất nghiêm trọng do nước thải trong quá trình sản xuất bún chảy ra đã lâu nhưng chưa được xử lý. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cần vốn đầu tư lớn, trong khi đó địa phương lại không đủ khả năng. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm đầu tư và có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề nhưng chưa được xem xét giải quyết”. “Nếu không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường ở hai thôn Linh Chiểu và Thượng Trạch thì xã không bao giờ đạt chuẩn nông thôn mới”- ông Vọng nói.
Phó Chủ tịch HĐND xã Cam An Nguyễn Văn Cẩm cho hay, toàn thôn Cẩm Thạch hiện có 40 hộ sản xuất bún, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên, người dân trong thôn đều bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường do nước thải hôi thối từ các hộ gia đình sản xuất bún gây ra. Năm 2014, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức khảo sát, thiết kế hệ thống xử lý nước thải của làng nghề nhưng đến nay vẫn chưa thấy đầu tư ”.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa cho biết: “Với chức năng quản lý của mình, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân hai huyện Triệu Phong và Cam Lộ cùng các ngành liên quan có giải pháp thích hợp để thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nói chung cũng như tiêu chí môi trường trong các làng nghề nói riêng. Lộ trình mà chúng tôi đề ra là giải quyết trong thời gian sớm nhất để vừa giúp bà con ổn định sản xuất vừa không gây ảnh hưởng đến những người chung quanh”.
Để bảo đảm duy trì các làng nghề sản xuất bún một cách bền vững, đồng thời trả lại môi trường trong lành cho các hộ dân, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Trị cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các hộ sản xuất bún quan tâm hơn đến việc xử lý chất thải của gia đình mình. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành các dự án xây dựng làng nghề sản xuất bún tập trung vừa tránh lãng phí, vừa bảo đảm việc sản xuất cũng như sinh hoạt cho người dân tại các làng nghề.