Đơn cử như, số tiền thuế VAT của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả, đến nay còn khoảng sáu nghìn tỷ đồng với hàng trăm doanh nghiệp chưa được hoàn thuế. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hết sức khó khăn khi không được hoàn thuế, thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng. Nguyên nhân là có nhiều bất cập trong truy xuất, xác minh nguồn gốc gỗ vì theo quy định phải xác minh tới tận hộ trồng rừng. Trong hồ sơ để xác minh nguồn gốc hợp pháp khi hoàn thuế, cơ quan thuế yêu cầu ngoài hồ sơ theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, chủ rừng phải cung cấp sổ đỏ diện tích khai thác; chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu; đơn xin khai thác được chính quyền địa phương xác nhận. Tuy nhiên, thực tế, một số diện tích rừng thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn gốc đất đai (không có sổ đỏ, tranh chấp…). Trong khi đó, một lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thường được mua nguyên liệu của nhiều hộ trồng rừng tại rất nhiều địa phương khác nhau, nên thời gian xác minh rất dài.
Không chỉ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, mà hàng loạt công ty ngành cao-su, nhựa, sắn… cho biết, cũng đang gặp khó khăn về dòng vốn vì chưa được hoàn thuế VAT, với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Theo quy định, với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau là 40 ngày, nhưng thời gian thực tế có thể lên tới nhiều tháng, thậm chí cả năm trời, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.
Trước tình thế "ngồi trên đống lửa ngóng hoàn thuế" của doanh nghiệp, đã có nhiều cuộc đối thoại giữa cơ quan thuế và các doanh nghiệp liên quan đến việc chậm hoàn thuế VAT được tổ chức. Song các cuộc đối thoại đều mới dừng ở việc ghi nhận thực tế và câu trả lời không thay đổi. Đó là, các doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục về hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
Bản chất của thuế VAT là thuế gián thu, người nộp thuế đã ứng trước tiền thuế để nộp vào ngân sách; sau đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp nộp thuế thu hồi lại số tiền đã nộp (bản chất hành thu của thuế gián thu là một phương thức thu hộ). Để tránh xảy ra việc gian lận, trục lợi trong hoàn thuế, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ chấp hành đúng-đủ theo các quy định, điều khoản của pháp luật mà còn cần có quyết tâm, sự chuyển động của cơ quan quản lý trong tháo gỡ vướng mắc từ thực tế. Hành pháp không vô cảm là như vậy!
Đó là yêu cầu cần có để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế và hơn nữa là thực hiện một trong những tác dụng của thuế VAT là góp phần thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu và tăng trưởng. Điều đó đặc biệt giá trị trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về dòng vốn, nếu chậm được hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ tê liệt, mất thị phần và thậm chí có thể phải đóng cửa.